Tháng 5-1975, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đưa quân xâm chiếm đảo Phú Quốc, Thổ Chu và một số hòn đảo trong khu vực vùng biển Tây Nam nước ta. Chúng cũng gây hấn, xâm lấn biên giới, nhổ cột mốc, có nơi thọc sâu vào lãnh thổ nước ta. Trước tình hình trên, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và được sự chi viện của không quân, hải quân, Quân khu 9 tổ chức lực lượng chiến đấu giải phóng hoàn toàn các đảo Thổ Chu, Hòn Ông, ngăn chặn địch ở đảo Phú Quốc; tiến công đẩy địch ra khỏi biên giới trên bộ...
Chủ trương của ta là tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với Campuchia trên nguyên tắc bảo đảm tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, tránh mọi khiêu khích vũ trang. Ta đã tỏ rõ thiện chí hòa bình nên rút lực lượng chủ lực, các trận địa pháo dọc biên giới về phía sau, chỉ để lại các đồn Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), lực lượng dân quân, tự vệ và duy trì ban liên lạc các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia.
Nhưng đêm 30-4-1977, Khmer Đỏ bất ngờ nổ súng tấn công lãnh thổ Việt Nam. Trên địa bàn Quân khu 9, địch tấn công vào tuyến biên giới thuộc tỉnh An Giang từ Vĩnh Gia đến Vĩnh Xương, gồm 14/16 xã dọc biên giới. Chúng bao vây, đánh chiếm một số đồn Công an nhân dân vũ trang và các chốt của ta. Đánh chiếm đến đâu, chúng bắn giết nhân dân, hãm hiếp phụ nữ, đốt nhà, cướp của đến đó, gây nhiều tội ác với nhân dân ta.
Tuy bước đầu có bất ngờ nhưng lực lượng ta trên tuyến biên giới đã chặn đánh quyết liệt, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Trí, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang chia sẻ: “Tại khu vực Bảy Núi, ngay trong đêm 30-4, rạng sáng 1-5-1977, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn bộ binh của tỉnh đứng chân ở Nhà Bàn, Đại đội 4 hỏa lực ở xã Nhơn Hưng (nay là phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), Tiểu đoàn 3 Công an nhân dân vũ trang đóng quân ở các xã: An Phú (nay là phường An Phú, thị xã Tịnh Biên), An Nông và Nhơn Hưng đã kiên quyết đánh địch, giữ các đồn, chốt... Nổi bật là du kích xã Nhơn Hưng đã kiên cường bám trụ chiến đấu, diệt nhiều sinh lực địch, giữ vững trận địa, hạn chế thiệt hại cho nhân dân”.
|
|
Sư đoàn 330 (Quân khu 9) hiệp đồng với các đơn vị tiến công địch tại núi Phú Cường, huyện Tịnh Biên (An Giang), ngày 19-1-1978.
|
Ngay trong đêm 30-4-1977, Quân khu 9 ra lệnh cho Trung đoàn Hải quân 962 (nay là Lữ đoàn 962) lên ngăn chặn địch trên sông Tiền hướng Tân Châu (An Giang) và ra lệnh cho Trung đoàn 1 (Sư đoàn 330) sẵn sàng cơ động đánh địch. Ngày 4-5-1977, Quân khu 9 quyết định mở mặt trận chung giữa Trung đoàn 1 (Sư đoàn 330) lên biên giới phối hợp với hai tiểu đoàn của tỉnh An Giang đánh địch trên sông Bình Di; sau đó tiếp tục đánh địch, khôi phục toàn bộ biên giới khu vực Phú Châu (nay thuộc huyện An Phú và thị trấn Tân Châu) và Bắc Đai đến Long Bình.
Ngày 11-6-1977, địch chuyển hướng tấn công sang tuyến biên giới thuộc tỉnh Kiên Giang, đánh vào khu vực Bắc Hà Tiên và tuyến Giang Thành-Vĩnh Điều làm bàn đạp đánh chiếm Hà Tiên. Lực lượng ta ở khu vực này có Tiểu đoàn 207 (bộ đội địa phương tỉnh Kiên Giang) và Tiểu đoàn Trinh sát của Quân khu 9. Ở đoạn Vĩnh Điều-Đầm Chích, địch còn chiếm được một đoạn dài 3km, Quân khu điều Sư đoàn 330 (thiếu) cùng một bộ phận của Sư đoàn 4, có xe M-113 và không quân chi viện tổ chức tiến công, đẩy địch về đất Campuchia từ 3 đến 5km, sau đó rút về biên giới; khôi phục được tuyến Vĩnh Điều-Đầm Chích.
Nhận định Khmer Đỏ còn xâm lược biên giới, giết hại đồng bào ta nên Bộ tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo các đơn vị vũ trang cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trung tướng Huỳnh Tiền Phong, nguyên Tư lệnh Quân khu 9 cho biết: “Quân khu phân chia chiến trường biên giới thành hai khu vực trọng điểm: Trọng điểm 1 (hướng chủ yếu) là biên giới tỉnh An Giang; trọng điểm 2 (hướng thứ yếu) là biên giới tỉnh Kiên Giang; diện phối hợp là hai tỉnh Long An và Đồng Tháp.
Ở trọng điểm 1, từ ngày 15 đến 17-12-1977, các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, đánh chiếm các mục tiêu giồng Bà Ca, núi Xôm, núi Thâm Đưng, ngã ba Tà Lập, ngã ba Kampong Chrey, quận lỵ Rề Minh. Hướng trọng điểm 2, Trung đoàn 270 (Sư đoàn 341) đánh chiếm được điểm cao Lục Sơn, phát triển về núi Đất. Tại Cúp Pô, địch chống trả mạnh, lực lượng tỉnh Kiên Giang không chiếm được mục tiêu này. Ở diện phối hợp, hướng biên giới tỉnh Long An, Trung đoàn Vàm Cỏ kết hợp với một trung đoàn của Sư đoàn 8 tiếp tục tiến công địch trên đoạn biên giới từ Vàm Đồn đến Thông Bình, chủ yếu là đột phá đoạn Tà Nu, Tân Lèo tạo địa bàn phát triển. Tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp, Trung đoàn 320 và Tiểu đoàn 514 bộ đội địa phương tỉnh Tiền Giang đánh địch ở tuyến sông Sở Hạ”.
Trong khi ta vẫn tiếp tục kiên trì giải quyết vấn đề biên giới với Campuchia bằng biện pháp hòa bình, hữu nghị, hợp tác thì Khmer Đỏ gấp rút phát triển lực lượng. Từ tháng 5-1978, địch bắt đầu gom các trung đoàn địa phương và tăng cường bắt lính thành lập thêm 4 sư đoàn, tổ chức tiến công vào các xã biên giới huyện Phú Châu (An Giang). Đến tháng 12-1978, Khmer Đỏ đã huy động 10 sư đoàn mở cuộc tổng tiến công trên toàn tuyến biên giới ở địa bàn này.
Trước hành động dã man của Khmer Đỏ xâm lược và sát hại đồng bào, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (thành lập tháng 12-1978), Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc tổng phản công-tiến công trên toàn tuyến biên giới, phá vỡ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của Khmer Đỏ, lần lượt tiêu diệt và làm tan rã cơ bản 3 cụm quân chủ lực của Khmer Đỏ án ngữ các trục đường tiến vào thủ đô Phnom Penh, đầu não của chế độ diệt chủng.
|
|
Các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh An Giang quyết tâm bám chốt ngăn chặn quân Pol Pot xâm lược biên giới, năm 1977. Ảnh tư liệu |
Trong thực hành tổng phản công giúp cách mạng Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary, LLVT Quân khu 9 được giao nhiệm vụ phối hợp với Quân đoàn 4 tiến công trên hướng chủ yếu đánh chiếm thủ đô Phnom Penh. Bộ Quốc phòng tăng cường cho Quân khu 9 Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 (nay Sư đoàn thuộc Quân khu 2); riêng Sư đoàn 4 và Sư đoàn 8 làm nhiệm vụ truy quét ở khu vực Takeo, Kirivong và Kampong Trach.
Ngày 6-1-1979, các đơn vị trên những hướng tiến công của Quân khu đã đập tan các tuyến phòng thủ ngăn chặn của địch. Trong đội hình Sư đoàn 330, Trung đoàn 3 có xe tăng chi viện, từ phía Nam đánh thẳng vào núi Sangcông và chiếm được khu vực này. Trung đoàn 2 phát triển theo hướng Thnốtbak đánh chiếm các mục tiêu ở Tàni. Đêm 6, rạng ngày 7-1-1979, Quân khu 9 điều động xe quân sự và xe dân sự từ Tịnh Biên sang, nối dài trên Quốc lộ 2, sẵn sàng cho cuộc hành quân thọc sâu vào Phnom Penh.
Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9 kể: “Sáng 6-1-1979, đội hình của Sư đoàn 4 hành quân bằng các loại xe quân sự, xe dân sự huy động từ các tỉnh hậu phương sang. Từ Tàni và phía Bắc điểm cao 87, Sư đoàn 4 hành quân cấp tốc, vừa chiến đấu vừa mở đường mà tiến. Đến 9 giờ ngày 7-1-1979, Sư đoàn 4 làm chủ hoàn toàn Tàni. Sau khi phá vỡ tuyến ngăn chặn Tàni, các sư đoàn thực hiện thọc sâu theo phương án. Sư đoàn 330 được tăng cường Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 339 hành tiến theo Quốc lộ 3, nhanh chóng thọc sâu tiêu diệt các mục tiêu quy định. Chiều 7-1-1979, các lực lượng đã phối hợp giải phóng hoàn toàn thủ đô Phnom Penh”.
Có thể khẳng định, LLVT Quân khu 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu mà Bộ Quốc phòng giao, cùng các đơn vị của Bộ Quốc phòng và lực lượng bạn giải phóng hoàn toàn đất nước Campuchia, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp bạn xây dựng hệ thống chính trị và ổn định đời sống nhân dân, phát triển đất nước.
CHÂU SA