Xây trạm thủy điện

Cuối năm 1965, bác sĩ Lê Cao Đài đang là Phó viện trưởng Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y) có quyết định đi B để xây dựng một viện quân y cho toàn chiến trường Tây Nguyên. Sau hai năm, ông cùng những cán bộ, nhân viên đầu tiên của Viện Quân y 211 (nay là Bệnh viện Quân y 211, Quân đoàn 3) đã vượt qua muôn vàn gian khổ, thách thức để hình thành một cơ sở điều trị cho thương binh, bệnh binh với 1.200 giường bệnh. Giữa nơi đóng quân của Viện Quân y 211 có một con suối nước chảy khá mạnh do độ dốc cao. Ông nghĩ ngay đến việc phải xây dựng một trạm thủy điện nhỏ. Bởi nếu có thủy điện sẽ giải quyết được nhiều khó khăn cho máy X-quang, phòng mổ, lý liệu, hóa nghiệm. Vì tuy Viện đã có máy nổ nhưng công suất yếu và lâu nay vẫn rất thiếu xăng chạy máy.

Rồi có dịp ra Hà Nội công tác, ông chủ động tìm hiểu về cách làm thủy điện nhỏ. Ông đến Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Nhà máy Cơ khí Hà Nội tìm hiểu về các thông số kỹ thuật cho một trạm thủy điện, đặc biệt là có được mẫu bản vẽ chế tạo turbine (tuốc-bin). Được sự giúp sức của một số anh em biết về kỹ thuật cơ khí trong Viện, công trình thủy điện nhỏ được khởi công. Việc đắp đập giữ nước, chế tạo tuốc-bin được làm trước tiên. Ông dùng cây săng lẻ rỗng ruột làm đường dẫn nước vào tuốc-bin. Sau hai tháng khẩn trương thi công, các hạng mục đã hoàn thành, công trình thủy điện hiện lên giữa rừng núi thâm u, ngoài sức tưởng tượng. Nước chảy qua ống săng lẻ, tuốc-bin quay rung cả sàn gỗ bắc qua suối. Lúc đầu chạy cho máy 1,5kW, điện phát ra không ổn định, rất yếu do không đủ số vòng quay, sau chọn phương án với máy phát công suất nhỏ hơn thì bóng điện sáng bừng. Ngày 20-9-1967, trạm thủy điện nhỏ đầu tiên và duy nhất lúc ấy ở Tây Nguyên đã chính thức hoạt động cấp điện cho phòng X-quang, phòng mổ... của Viện Quân y 211.

Tự tạo đồ dùng phòng mổ

Trong điều kiện chiến trường gian khổ, ác liệt, ngay cả những dụng cụ tối thiểu trong phòng mổ cũng không có, bác sĩ Lê Cao Đài ngoài việc quản lý chung còn là “tay dao” chính của Viện. Ông đã kể cho tôi nghe về cách tự tạo ra các đồ dùng, vật tư phòng mổ: “Chúng tôi lấy mảnh kim loại, thường là từ số bom không phát nổ hoặc mảnh xác máy bay Mỹ để làm dao mổ và một số thiết bị khác. Bất cứ phế liệu chiến tranh nào cũng được tháo tung rồi cắt nhỏ, mài giũa, chế tác để sử dụng vào việc này việc kia. Chẳng hạn, pháo sáng cho nhiều ứng dụng: Thân được cưa ngang từng đoạn làm ống nghe; dây dù được tách ra làm chỉ khâu y tế; vải dù dùng để băng bó. Dây điện tháo từ máy bay rơi, rút vỏ cao su khỏi lõi kim loại để được dây vỏ dùng làm ống truyền tĩnh mạch...

leftcenterrightdel

Bác sĩ Lê Cao Đài (đeo kính, thứ hai, từ phải sang) cùng một số cán bộ, nhân viên Viện Quân y 211,

Mặt trận Tây Nguyên, tháng 10-1967. Ảnh tư liệu 

Bệnh viện thiếu ống tiêm, lọ đựng thuốc, chúng tôi quyết định nấu thủy tinh tại chỗ. Đúng lúc có một đơn vị mới từ Hà Nội vào, tôi hỏi chỉ huy, may mắn tìm được 3 anh lính vốn là thợ thổi thủy tinh. Họ đã cùng chúng tôi xây lò và thu nhặt thủy tinh vỡ khắp nơi về để nấu lại, thổi thành ống tiêm, chai lọ đựng thuốc nước và đã sản xuất ống tiêm đủ dùng trong suốt nhiều năm sau này. Ngày ấy còn thiếu cồn sát trùng. Chúng tôi gặp bà con dân tộc thiểu số trong vùng hỏi xem họ dùng thứ lá gì để gây men nấu rượu. Sau đó, chúng tôi trồng sắn lấy tinh bột phục vụ việc chưng cất cồn. Còn tự tạo được thuốc chữa bệnh nữa. Anh chị em Khoa Dược đi thu gom xương voi trong rừng mang về nấu cao. Mỗi bộ xương voi già cũng nấu được hàng chục cân cao tẩm bổ cho thương binh, bệnh binh. Có một loại củ rừng mà bà con dân tộc thiểu số trong vùng gọi là “bu man”. Họ thái nhỏ, ngâm dưới suối một tuần đem về nấu ăn chống đói, còn bảo “mình no cái bụng, còn ngủ tốt nữa”. Chúng tôi lấy củ bu man sống xát bột, rồi đem phơi khô tán thành thuốc an thần, anh em uống thấy khá hiệu nghiệm”.

Xuất bản tờ nội san chuyên môn 

Dù bận cả việc chuyên môn lẫn quản lý song bác sĩ Lê Cao Đài vẫn nghĩ tới cần có một tờ tạp chí quân y để trao đổi thông tin thiết thực và hiệu quả về phòng, chữa bệnh và điều trị vết thương. Thế rồi được sự đồng ý của Ban Quân y Mặt trận Tây Nguyên, Viện Quân y 211 chủ trì tờ nội san Quân y Tây Nguyên, là nơi trao đổi thông tin, kinh nghiệm về y học ở chiến trường. Ban biên tập gồm các chủ nhiệm khoa và một số cán bộ của Ban Quân y mặt trận. Nội san ra hằng quý, in roneo, mỗi số trên dưới 100 trang, phát hành tới tuyến quân y cấp trung đoàn, tiểu đoàn.

Không có quyết định chính thức, nhưng Viện trưởng Lê Cao Đài là Tổng biên tập; bác sĩ Lê Đức Tu, Chủ nhiệm Khoa Hóa nghiệm là Thư ký tòa soạn. Số nội san Quân y Tây Nguyên đầu tiên ra mắt tháng 11-1967 có thư và lời giới thiệu của Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và đồng chí Võ Văn Vinh, Trưởng ban Quân y Mặt trận Tây Nguyên. Số đầu tiên có 8 bài, là những nghiên cứu và kinh nghiệm điều trị cho thương binh, bệnh binh được đúc rút từ thực tế chiến trường. Từ đó, nội san ra đều đặn hằng quý trong nhiều năm, tổng cộng đã phát hành hơn 20 số. Đây là tờ nội san quân y duy nhất của một mặt trận trong thời kỳ chiến tranh.

Cần bổ sung làm rõ thêm nhận định được dẫn ra ở đầu bài viết này của nhà báo phương Tây về việc nghiên cứu chất da cam/dioxin của bác sĩ Lê Cao Đài. Sau ngày nước nhà thống nhất, ông là Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10-80), một ủy ban đặc biệt của Chính phủ ta điều tra về tác hại lâu dài của chất khai quang mà Mỹ đã thả xuống các cánh rừng miền Nam Việt Nam. Sau hàng chục năm lăn lộn thực tế tìm hiểu thông tin, gặp các nhân chứng và phối hợp với các nhà khoa học trong nước, quốc tế, ông đã có công trình tổng hợp nghiên cứu khá đồ sộ: “Chất da cam trong chiến tranh Việt Nam, tình hình và hậu quả” được xuất bản năm 1999. Công trình đã nêu nhiều bằng chứng, luận cứ khoa học, mang tính thời sự, có sức thuyết phục cao về chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã gây ra đối với hàng triệu nạn nhân, còn để lại hậu quả nặng nề cho con cháu họ. Bản thân bác sĩ Lê Cao Đài do nhiều năm sống, chiến đấu ở chiến trường cũng bị phơi nhiễm chất độc. Gan, lách, dạ dày... của ông đều bị hủy hoại. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, ông vẫn không ngừng làm việc. Thật xúc động khi nghe người bác sĩ chiến trường ấy yêu cầu: “Hãy mang máy tính vào đây cho tôi tra cứu, bổ sung thông tin, không thể nằm chờ tới khi chết!”.

PHẠM QUANG ĐẨU