Đúng như vậy, bà con cô bác ở Long An không mấy ai không biết Chín Huê. Tên anh là Hồ Văn Huê, nếu còn sống thì nay đã hơn “bách tuế”. Anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhưng nhờ sự đùm bọc của anh chị em trong nhà, lại thông minh và có chí đèn sách nên anh học rất khá. Năm 1939, anh từ giã quê hương ra Hà Nội học Trường Y dược khoa Đông Dương (nay là Trường Đại học Y Hà Nội). Những năm học ở Hà Nội, anh được các thầy giáo, các bạn giác ngộ nên tích cực hoạt động trong phong trào sinh viên yêu nước. Tốt nghiệp y khoa, anh trở về Nam Bộ, làm việc tại một cơ sở y tế ở Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương).

Hằng ngày chứng kiến cảnh sống cơ cực của những người xứ cao su: “Cá hôi, gạo mục quanh năm/ Vẫn không đầy bụng, đói nằm gốc cây”, Chín Huê tự xác định cho mình một lẽ sống: Đem nghề nghiệp, hiểu biết của mình cứu giúp đồng bào lao khổ. Nhiều anh chị em phu đồn điền cao su coi Chín Huê như một vị cứu tinh.

Mùa thu năm 1945, trong cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật, anh lăn lộn trong phong trào công nhân, vận động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Đáp lời kêu gọi của Xứ ủy, Tổng Công đoàn Nam Bộ, anh đã từ bỏ cuộc sống tiện nghi đô thị ra bưng biền, sống cuộc đời chiến sĩ. Anh được Quân đội phân công làm Trưởng ban Quân y Chiến khu Lạc An (sau này là Chiến khu Đ), Trưởng ban Quân y Khu 7, Trưởng phòng Quân y Nam Bộ.

Trở ra Bắc, anh được Bộ Quốc phòng giao làm Phó cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần.

leftcenterrightdel
Bác sĩ Hồ Văn Huê (thứ hai, từ phải sang) tại Chiến khu Đ miền Đông Nam Bộ. Ảnh tư liệu 

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra sôi sục ở miền Nam, năm 1964, bác sĩ Hồ Văn Huê về lại chiến trường xưa, chiến trường miền Đông Nam Bộ, nơi anh đã sống và chiến đấu suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Trung ương Cục, Quân ủy Miền, Bộ tư lệnh Miền giao cho anh trọng trách là Phó cục trưởng Cục Hậu cần Miền (B2), kiêm Trưởng phòng Quân y Miền. Anh là Thứ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Anh đi khắp chiến trường, cùng các tuyến hậu cần, quân y giải quyết cụ thể việc điều trị thương binh, bệnh binh, chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.

Những ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, với chiếc xe đạp cà tàng, bác sĩ Hồ Văn Huê đi xuống các bệnh viện dã chiến của Đoàn 82, giải quyết kịp thời, tại chỗ việc ùn tắc thương binh. Anh được các tuyến phía trước rất hoan nghênh. Một bệnh viện trưởng nói: “Có anh Chín Huê xuống, chúng tôi rất an tâm!”.

Chiến trường ngày càng đánh mạnh, lực lượng tại chỗ phát triển nhanh, nhu cầu cán bộ quân y rất lớn, bác sĩ Hồ Văn Huê ngày đêm lo toan việc đào tạo cán bộ quân y cho chiến trường. Vượt lên vô vàn khó khăn, trong 10 năm, Trường Quân y Miền đã đào tạo được 600 bác sĩ, chưa kể hàng nghìn cán bộ, nhân viên, trung cấp, sơ cấp y dược. Nhà trường đánh giá cao sự đóng góp của bác sĩ Hồ Văn Huê. Mỗi học viên ra trường đều ghi nhớ hình ảnh và lời dặn dò của ông: “Vị trí, lương tâm của người thầy thuốc là ở nơi sức khỏe đồng bào, đồng đội”.

Cuối năm 1973, bác sĩ Hồ Văn Huê được Bộ Y tế cử dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị y tế các nước xã hội chủ nghĩa. Sau đó ông xin ở lại chiến trường, mặc dù lúc này sức khỏe của ông đã giảm sút nhiều do sốt rét liên miên.

Mùa xuân năm 1975, ông phụ trách bộ phận Quân y 7, tiền phương trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông bước vào trận mạc với tác phong xông xáo như hồi Xuân Mậu Thân 1968.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông mắc bệnh hiểm nghèo và mất năm 1976.

TRẦN LÊ MINH