Tháng 9-1968, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ quyết định sử dụng Sư đoàn 365 cơ động đánh địch trên chiến trường Quân khu 4. Thực hiện nhiệm vụ, Ban chỉ huy Trung đoàn 275 (Sư đoàn 365) giao Trung úy Nguyễn Huy Tưởng, trợ lý quân báo, hiệp đồng bảo vệ cuộc vận chuyển 8 quả tên lửa SAM-2 từ Hà Tĩnh vào miền tây Quảng Bình. Thời kỳ đó, các trọng điểm giao thông trên Quốc lộ 1 từ Vĩ tuyến 19 (nam sông Lam) trở vào bị địch đánh phá ác liệt. Mọi hoạt động vận tải chiến lược vào Nam chỉ còn cách đi Đường 15. Ông Tưởng kể:

“Ngày ấy, tôi phụ trách một nhóm khảo sát, nắm quy luật đánh phá của không quân Mỹ để lập phương án đưa tên lửa đi qua. Đường 15 với hàng chục trọng điểm giao thông, trong đó, cầu vượt ngầm Tùng Cốc dài 14m ở Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) và ngầm Rinh trên đoạn đường nối xã Hóa Thanh với xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) là hai trọng điểm không quân Mỹ đánh phá. Nhóm khảo sát dành nhiều thời gian thực địa hai trọng điểm này. Có ngày, chúng tôi chứng kiến hàng chục trận bom hủy diệt, đêm đêm lại quan sát pháo sáng, từ đó rút ra quy luật đánh phá của địch trên các trọng điểm.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Huy Tưởng (bên phải) trong lần gặp lại đồng đội, năm 2020. 

Tại ngầm Rinh, nhóm được thủ trưởng Phan Trọng Tuệ (khi ấy là Tư lệnh Bộ tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Quân khu 4) trực tiếp động viên. Đồng chí vẫy tôi, nói: “Mày mà để bọn Mỹ phá mất tên lửa là tao bẹo tai đấy!”. Mọi người cùng cười vui, bừng lên niềm lạc quan giữa khu rừng đèo trơ trọi, đen sì khói bom. 

Ngày thứ 8, trên đường quay ra, tại vị trí chỉ huy của Đại đội 2 thuộc Trung đoàn 210 pháo cao xạ 57mm, Sư đoàn 365 bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, tôi trình bày với Trung úy Nguyễn Ngọc Khánh, Đại đội trưởng: 

- Mấy hôm nữa, 8 quả SAM-2 đi qua cầu Tùng Cốc. Anh Khánh làm thế nào thì làm, đừng để mất quả nào nhé!

Trung úy Khánh hào hứng:

- Anh cho ngụy trang cẩn thận, vô hiệu hóa “mắt cú vọ”. Tính kỹ để xe tên lửa qua cầu Tùng Cốc không trùng vào giờ cao điểm. Còn nếu máy bay Mỹ đến, chúng tôi sẽ “tung” lửa cao xạ bủa vây, hạn chế tối đa hiệu suất đánh phá của chúng vào Tùng Cốc cũng như các trọng điểm.

Trên đường trở ra Đức Thọ, nơi Sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 275 đứng chân, tôi tổng hợp các yếu tố thực địa, hình thành kế hoạch ngay trong đầu, kịp thời báo cáo chỉ huy trung đoàn. Phương án như sau: Với 8 xe đặc chủng chở 8 quả SAM-2, trên mỗi xe có một chiến sĩ mang súng CKC, khi phát hiện tiếng máy bay Mỹ thì sẵn sàng báo hiệu cho lái xe và các xe khác biết. Xe kéo tên lửa qua các trọng điểm, đặc biệt là qua Ngã ba Đồng Lộc và ngầm Rinh, sẽ điều chỉnh tốc độ, thời gian trong khoảng trước lúc “gà lên chuồng”, chưa phải dùng đèn gầm. Xe cách xe 1km. Ngụy trang xe kéo và tên lửa sẽ không dùng lá cây mà bằng bùn đất tương tự màu mặt đường... Tên lửa khi vượt qua Ngã ba Đồng Lộc cũng như ngầm Rinh sẽ chuyển sang đường nhánh để tăng độ an toàn. Sau đó đi theo Đường 12 tiếp tục hành trình...".

Phương án của ông Tưởng được hội nghị đánh giá cao với hai yếu tố thiết thực là thời điểm vượt tọa độ lửa (vào lúc “gà lên chuồng”, chưa cần dùng đèn gầm ô tô) và ngụy trang bằng bùn đất giống màu mặt đường. Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 275 phê duyệt ngay. Một tuần sau, đoàn xe chở 8 tên lửa SAM-2 vào tới miền tây Quảng Bình. Từ đây, những quả tên lửa được sử dụng hiệu quả, lập chiến công oanh liệt, góp phần giữ vững mạch máu giao thông chiến lược trên địa bàn Quân khu 4.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG