Khi đó, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 968 chúng tôi đóng quân ở những cánh rừng bằng lăng phía Tây Bắc thị trấn Paksong. Đại đội ra lệnh đào hầm chữ A nhưng khu vực ấy đá nhiều đến nỗi cả đơn vị không thể đào nổi một căn hầm. Chỉ khoét đất bới được mấy hốc đá to bằng cái thúng là hết cỡ. Chúng tôi đành tìm chặt cành cây che vào đó tạo thành lều giả, coi như xong cái hầm.
Ngày 26-1-1973 (23 tháng Chạp năm Nhâm Tý), chúng tôi được lệnh ăn Tết sớm để chuẩn bị vào chiến dịch. Gọi là ăn Tết nhưng thực chất là được nghỉ ngơi, tắm giặt một ngày. Cạnh chỗ trú quân của đơn vị có một cái lạch nhỏ như rãnh, được cái nước trong veo và chảy cũng kha khá. Mỗi trung đội chúng tôi khi đó chỉ còn chục người. Thế là kéo nhau ra lạch nước, chia nhau từng đoạn, rải ni lông vào cái hõm đất làm chậu, dùng bát múc nước vào đó rồi tắm.
Bữa ăn hôm đó tươi hơn vì có thêm thịt lợn do Tiểu đoàn cấp xuống nhiều hơn một chút, ăn với cơm nếp. Tắm gội sạch sẽ, quần áo thơm tho, chúng tôi ngồi trên các phiến đá ăn cơm nếp với mấy miếng thịt lợn thái to, ngửa cổ ngắm sao trời rồi tán chuyện tiếu lâm với nhau, cũng coi như xong cái Tết.
Sau đó, chúng tôi tập trung đi gùi cõng gạo, đạn từ Saravane vào Paksong. Xe ô tô của cấp trên chở hàng vào đến sát vùng giáp ranh giữa Saravane và cao nguyên cách chỗ chúng tôi chừng 3 cây số. Chúng tôi ra đó lấy hàng và gùi vào vùng Paksong, thời gian đi khoảng bốn tiếng đồng hồ. Mỗi ngày đi được một chuyến. Thứ hàng phải gùi nhiều nhất là đạn hỏa lực của bộ binh.
Ngày thứ nhất rất thanh bình. Sang ngày thứ hai, máy bay B-52 bắt đầu thả bom tọa độ vào những cánh rừng già trên cao nguyên. Lúc này, Hiệp định Paris đã ký kết nên tuyến đường Trường Sơn lại là nơi bình lặng. Máy bay B-52 không thả bom ngoài đó nữa mà quay sang thả trên cao nguyên Bolaven để chi viện cho các đơn vị địch đóng ở những cao điểm quanh Paksong.
Đại đội trưởng Đại đội 6 chúng tôi là anh Nguyễn Thế Hùng. Anh vừa mới lên thay Đại đội trưởng Kim Băng hơn một tháng, sau khi anh Băng bị thương trong trận đánh ngoài Saravane. Anh Hùng đi họp ở trên về, phổ biến cho chúng tôi tình thế và biện pháp tránh bom B-52. May là cả tuần đó, Đại đội tôi chỉ gặp B-52 một lần trực diện.
    |
 |
Tác giả Vũ Công Chiến trở lại thăm chiến trường xưa (năm 2012). Ảnh: THU THỦY |
Ngày Ba mươi Tết, chúng tôi được nghỉ một ngày sau đợt gùi cõng lót đạn. Thêm một tin vui bất ngờ nữa là chúng tôi được ăn Tết lại. Ngoài món cơm nếp với thịt lợn như lần trước, lần này có cả hàng Tết ngoài Bắc đưa vào. Thế là tối Ba mươi Tết ấy, sau bữa cơm chiều, chúng tôi lại được quây quần liên hoan. 8 anh em được một hộp mứt Tết 250g. Mỗi người được 2 điếu thuốc lá Tam Đảo. Ngoài ra, còn có gói chè Ba Đình pha chung cho cả Đại đội, mỗi người được một bát sắt đầy. Chỉ tiếc là nơi trú quân phải giữ bí mật nên không có tiết mục văn nghệ tự biên, tự diễn mà chúng tôi rất thích.
Sáng mồng Một Tết, cả đơn vị nhổ trại tiến sâu vào khu vực Paksong. Thêm một ngày chuẩn bị nữa. Tất cả lĩnh đủ cơ số đạn cá nhân. Mỗi người chặt một vác gỗ làm hầm cá nhân chừng mươi, mười hai cây, dài chừng mét sáu. Chúng tôi chọn chặt những thân cây có đường kính cỡ 5-6cm. Loại cây lá nhỏ này mọc rất nhiều dưới tán các rừng già, gỗ rất chắc. Chiều tối mồng Hai Tết (ngày 4-2-1973), cả Tiểu đoàn hành quân vào trận. Cùng với Tiểu đoàn 1, chúng tôi tổ chức vây ép đánh địch trên một cao điểm phía Tây Bắc thị trấn Paksong. Trận đánh đó phải vây ép 5 ngày, Trung đoàn mới dứt điểm. Chiến lợi phẩm thu được nhiều, trong đó có cái đài bán dẫn. Hơn một năm vào chiến trường, lần đầu tiên tôi lại được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam vào một buổi sáng sương lạnh!
VŨ CÔNG CHIẾN