Hơn một tuần liên tục, chúng tôi hành quân dọc phía Tây Quốc lộ 14 từ Tây Bắc đến Tây Nam quận lỵ Buôn Hồ (nay là thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) làm nhiệm vụ nghi binh. Chiều 8-3-1975, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) cùng các lực lượng tăng cường, trong đó có Đại đội 1, Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12,7mm tạm trú quân trong một cánh rừng ở Tây Nam quận lỵ Buôn Hồ để làm công tác chuẩn bị tiêu diệt Chi khu Buôn Hồ.

Tại đây, chúng tôi được thông báo, sáng nay, Trung đoàn 48 (thiếu Tiểu đoàn 3) đã tiến công làm chủ Chi khu Thuần Mẫn nằm án ngữ ngã ba Đường 14 và Đường 7b, cách thị xã Pleiku hơn 60km về phía Nam, diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, thu nhiều vũ khí trang bị. Tin vui đó làm chúng tôi hết sức phấn khởi. Ngay sau đó, chúng tôi được lệnh cùng các đơn vị của Trung đoàn 64 vào chiếm lĩnh trận địa tiến công Chi khu  Buôn Hồ.

Chi khu Buôn Hồ nằm trên Đường 14, cách thị xã Buôn Ma Thuột 50km về phía Bắc. Ở đây, quân địch có ban chỉ huy chi khu, 1 tiểu đoàn bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 1 trận địa pháo 105mm cùng nhiều vũ khí hỏa lực khác... Trong đó, ban chỉ huy chi khu cùng tiểu đoàn bảo an đóng trên quả đồi có độ cao 721m, cách phía Tây Quốc lộ 14 khoảng 500m khống chế được toàn bộ khu vực xung quanh quận lỵ. Cấu trúc quận lỵ thực sự là một cứ điểm quân sự theo hình chữ nhật, chiều dài 250m, chiều ngang 150m. Phía Đông là khu hành chính quận, sở chỉ huy chi khu và một đại đội bảo an có hầm ngầm, hầm chỉ huy. Phía Tây là khu nhà lính tiểu đoàn bảo an. Phía Bắc là khu truyền tin. Phía Nam là trận địa pháo cối hỗn hợp. Tất cả liên kết với nhau bằng hệ thống lô cốt, ụ súng liên hoàn nối với nhau bằng chiến hào. Xung quanh căn cứ, địch bố trí từ 6 đến 8 lớp rào kẽm gai được gài dày đặc mìn chiếu sáng, mìn sát thương.

leftcenterrightdel
 Quân Giải phóng đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột (tháng 3-1975). Ảnh tư liệu

Để tiêu diệt Chi khu Buôn Hồ, Trung đoàn 64 đã chọn cách đánh bí mật, bất ngờ, tiến công tiêu diệt địch trong công sự vững chắc trên căn cứ Đồi Tròn bằng hiệp đồng binh chủng, sau đó phát triển vào trung tâm tiêu diệt các lực lượng địch còn lại, làm chủ mục tiêu.

Khi đó, tôi là Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 16. Do yêu cầu tác chiến, đại đội tách ra thành hai hướng: Trung đội 1 của tôi được tăng cường cho Tiểu đoàn 7 ở hướng chủ yếu, phía Tây Bắc; còn Trung đội 2 tăng cường cho Tiểu đoàn 8 ở hướng Tây Nam.

Đây là trận đánh theo yêu cầu, không có chuẩn bị trước nên đơn vị chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đường vào chiếm lĩnh trận địa chủ yếu luồn rừng đi theo góc phương vị. Do mang vác nặng nên trung đội tôi được ưu tiên đi đầu đội hình. Đi phía trước, tôi thấy đồng chí Nguyễn Văn Bốn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 tay cầm tập bản đồ cùng một tổ trinh sát vừa đi vừa dọn cây mở đường, thỉnh thoảng lại dừng lấy địa bàn dóng trên bản đồ kiểm tra phương vị. Đến gần tối hôm ấy, đơn vị ra tới đường mòn, vượt qua mấy cái rẫy lớn của đồng bào đã thấy quận lỵ Buôn Hồ với hàng đèn nhấp nháy ở phía trước. Càng gần mục tiêu địch, địa hình càng trống trải.

Khó khăn nhất là phải vượt qua cây cầu độc mộc bắc qua con mương rộng 5-6m, trời tối đen như mực. Đại đội trưởng Trần Quang Duy phải vượt sang trước cầm đèn pin đã che chỉ còn như đồng xu soi dọc lại cho từng người nhìn vừa rõ cây gỗ, rồi với tay kéo anh em sang. Qua khỏi cầu, chúng tôi rẽ phải đi thêm một đoạn ngắn vòng qua mé đồi xuống khu ruộng cũ có con mương cạn chạy ngang, lợi dụng bờ mương triển khai trận địa. Ở phía trước khoảng 200m là cứ điểm địch, thỉnh thoảng những đám cháy trên đỉnh đồi do địch đốt ánh lửa lại bùng lên lập lòe.

Chúng tôi tận dụng thời gian chỉ kịp đào hố chiến đấu cá nhân mà không đào được hầm trú ẩn. Mọi việc đều phải mò mẫm trong đêm tối nên mãi đến mờ sáng mới tạm ổn. Tôi cùng đồng chí Thắng, xạ thủ 1 vừa lấy thăng bằng súng xong thì Đại đội trưởng Trần Quang Duy bò tới sát chỗ chúng tôi, anh nói vừa đủ nghe: “Khoảng 20 phút nữa là nổ súng, anh em tranh thủ ăn cơm đi còn lấy sức mà cơ động!”. Rồi anh trườn đi rất nhanh. Tôi bò đến từng anh em truyền đạt chỉ thị của Đại đội trưởng...

Trời sáng dần, cứ điểm địch với dãy lô cốt vòng ngoài dần lộ ra qua màn sương sớm. Đúng 5 giờ ngày 9-3, một quả pháo 105mm của ta bay rèo qua đầu rồi nổ oành trên đỉnh đồi. Lập tức, tiếng Trung đội trưởng Phạm Văn Hán vang lên: “Mục tiêu lô cốt địch, điểm xạ dài, chuẩn bị...!”.

Sau khẩu lệnh “Bắn!” của Trung đội trưởng, tôi phất mạnh tay. Lập tức, khói bụi kèm theo tiếng nổ đinh tai từ khẩu súng phát ra. Cùng lúc hai đường đạn lửa vút lên chụp vào thành lô cốt địch trên điểm cao. Hòa cùng tiếng nổ giòn từng chập của đạn 12,7mm là tiếng rít của đạn pháo 105mm, tiếng nổ ùng oàng của bộc phá đánh hàng rào, của đạn cối 120mm và 82mm, tiếng nổ đinh tai của ĐKZ... giội vào vị trí địch.

Đòn tiến công hỏa lực bất ngờ và dày đặc của ta đã làm cho quân địch không kịp trở tay, một số tên bị diệt ngay từ những loạt đầu, số còn lại chống cự yếu ớt rồi chui vào các ngách hầm hào tránh đạn. Pháo ta vừa dứt, các chiến sĩ bộ binh Tiểu đoàn 7 từ hướng Tây Bắc và Tiểu đoàn 8 từ hướng Tây Nam đồng loạt xông lên. Anh em vừa tiến vừa hô xung phong, tiếng hô mỗi lúc thêm vang động, rồi tiếng B40, B41, AK, lựu đạn, thủ pháo nổ rền trên điểm cao... Tiếng súng thưa dần rồi lại rộ lên ở phía trong. Bỗng tiếng Đại đội trưởng hô lớn: “Tháo súng cơ động!”.

Theo phản xạ tự nhiên, tôi cùng anh em bật dậy tháo súng. Chỉ một loáng khẩu súng đã được tháo ra thành 3 bộ phận. Tôi dẫn khẩu đội bám theo cán bộ trung đội và đại đội băng qua khu ruộng bỏ hoang men theo đường bộ binh vừa xung phong. Khi lên đỉnh đồi, chúng tôi thấy một bãi chiến trường ngổn ngang, xác địch nằm rải rác trong các đường hào, vắt trên bờ công sự. Một bộ phận binh lính địch đầu hàng đang được bộ đội ta chỉ dẫn về khu tập trung. Chúng tôi tiếp tục tiến qua khu nhà lính ra cổng phía Đông xuống Quốc lộ 14 rồi rẽ trái chạy ngược lên theo một mũi bộ binh tiến vào trung tâm quận lỵ.

leftcenterrightdel

Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo chiếm lĩnh các điểm cao ở Pleiku. Ảnh: TTXVN 

Phía trước tiếng súng của bộ đội ta vẫn nổ giòn từng loạt. Lên đến ngã ba thì thấy ở góc bên kia đường, đồn cảnh sát cửa đóng kín, phía ngoài 4 chiếc xe cảnh sát (loại xe Jeep sơn trắng) đậu châu đầu vào phía trong. Phía trên ngã ba, các chiến sĩ Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 48 tăng cường) sau khi tiêu diệt lực lượng cảnh sát dã chiến đang tràn vào các dãy phố tìm bắt binh lính địch chạy trốn. Chúng tôi rẽ phải vào phố cùng bộ binh truy kích đến vườn thông ở phía Đông thị trấn, tiêu diệt và bắt thêm một số tên địch chạy về đây. Khi quay lại ngã ba, chúng tôi thấy bà con hai bên đường đổ ra cùng cán bộ cơ sở và lực lượng vũ trang địa phương chiếm giữ các cơ sở của địch, tìm bắt bọn ác ôn, ngụy quyền...

Kết quả, chưa đầy 3 giờ, Trung đoàn 64 (thiếu Tiểu đoàn 9) và các lực lượng tăng cường đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Chi khu Buôn Hồ, thu 3 khẩu pháo 105mm, 2 khẩu cối 106,7mm, hơn 10 xe quân sự các loại cùng nhiều vũ khí trang bị của địch, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Buôn Hồ. Chi khu Buôn Hồ cùng với Chi khu Thuần Mẫn-hai căn cứ mạnh nhất của địch trên tuyến Quốc lộ 14 đã bị quân ta tiêu diệt. Quốc lộ 14 nối Nam-Bắc Tây Nguyên bị chặt đứt, cô lập hoàn toàn địch giữa Pleiku với Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta ở hướng chủ yếu tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột sáng sớm hôm sau và làm chủ thị xã này vào trưa 11-3-1975.

Đại tá NGUYỄN HÙNG TẤN (Nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Quân đoàn 3)