Ông Vũ Kỳ (1921-2005), tên khai sinh là Vũ Long Chuẩn, quê ở xã Mễ Sơn (nay là xã Nguyễn Trãi), huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Ngày 28-8-1945, ông được đồng chí Trần Đăng Ninh dẫn đến ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội) gặp Bác và từ đó trở thành thư ký của Người. Khi tôi hỏi những câu chuyện Bác Hồ đi thăm người dân vào dịp Tết Nguyên đán có chính xác như báo chí miêu tả không, ông Vũ Kỳ cho biết, báo chí viết đúng, nhưng miêu tả dài dòng quá, không đúng với phong cách đối thoại sinh động và ngắn gọn của Bác.

Người thư ký tận tụy của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Tôi không bao giờ quên đêm Ba mươi Tết của mùa xuân độc lập đầu tiên năm 1946. Tôi theo Bác Hồ cải trang đến thăm gia đình một người đạp xích lô ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội). Ngày Tết mà người ấy lại đang sốt, chỉ đắp cái chiếu, nên không biết có khách. Trên bàn thờ gia tiên chỉ có một nén hương đang cháy dở, không bánh chưng, không mâm ngũ quả! Bác bảo tôi lấy ít bánh kẹo đã chuẩn bị ở nhà để lên bàn thờ, nhớ địa chỉ để sớm mai báo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết. Bác lặng lẽ quay ra, xúc động lấy khăn lau nước mắt... Sau đó, Bác đến một vài nhà người dân khác. Đúng Giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi nội dung “Thư chúc mừng năm mới” của Bác, thì chính Người lại đang đóng vai cụ già cùng đứa cháu là tôi đi vui xuân cùng nhân dân ở đền Ngọc Sơn...”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Trần Công Tốt, công nhân Nhà máy Điện Hà Nội đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý 1960. Ảnh tư liệu 

Ông Vũ Kỳ còn kể với tôi chuyện hai Bác cháu cùng một số cán bộ Hà Nội đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín ở phố Hàng Chĩnh (Hà Nội) vào tối Ba mươi Tết Canh Tý 1960. Chồng mất sớm, một nách nuôi 3 con nhỏ dại nên ban ngày chị đi làm công nhân, ban đêm làm nghề gánh nước thuê... Thấy Bác đến, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất. Chị òa khóc nức nở: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm”. Bác Hồ nén xúc động, nói: “Bác không đến thăm những gia đình như thím thì thăm ai...”.

Nhớ lại chuyện xưa, ông Vũ Kỳ cũng không khỏi nghẹn ngào. Trên khuôn mặt của một người già gần 80 tuổi, những nếp nhăn xô nhau không đủ sức để ép hai con mắt ứa ra những giọt nước mắt, trông càng xúc động bội phần. Tôi bối rối. Nhưng chính ông Vũ Kỳ đã gỡ khó cho tôi. Ngừng một lát, ông nói: “Anh ạ, anh là người nghiên cứu, chắc anh hiểu lời Bác Hồ không phải là lời nói thường, mà là lời của nỗi đau, của trách nhiệm. Lớn lắm! Chính vì thế mà Bác Hồ ấm áp vô cùng. Trái tim Bác Hồ vốn đã bao la tình thương, đến thăm người dân, Bác càng trở nên vĩ đại... Anh biết không, hôm ấy, trên đường về, Bác không hề nói gì, chắc Bác thương những người như chị Tín lắm. Và Bác nghĩ đến trách nhiệm của mình và Chính phủ. Còn tôi, tôi cũng không nói được gì với Bác, nhưng tôi cảm nhận rất rõ một điều, giữa đêm lạnh mà sao lòng mình ấm áp vô cùng. Vì được tình người của Bác sưởi ấm... Anh nghiên cứu gì về Bác cũng tốt, nhưng theo tôi, phải làm sao truyền đạt trung thực tình người của Bác, nhất là làm sao để cán bộ hôm nay học Bác, gần dân hơn!”.

Qua cơn xúc động, ông Vũ Kỳ kể tiếp: “Bác Hồ hỏi chị Tín: “Thím hiện nay làm gì?”. “Dạ, cháu làm phu khuân vác ở Văn Điển ạ”. “Như vậy là làm công nhân chứ. Ngày xưa mới gọi là phu”. Kể đến đây, gương mặt ông Vũ Kỳ bừng sáng: “Anh thấy đấy, chỉ một chữ của Bác thôi cũng thật chính xác. Anh học Bác, viết một chữ cũng phải chính xác!”.

Rồi ông nói tiếp: “Nhân tiện nói chuyện Bác Hồ dùng chữ, tôi kể tiếp anh nghe chuyện Bác về Pác Bó. Cũng cữ Tết, dịp xuân, ngày 20-2-1961, Người về thăm Pác Bó, vừa để mừng xuân, vừa để thăm bà con. Xe dừng bánh, bà con ùa ra xúm xít, Bác nhìn một lượt rồi hỏi rất tự nhiên như một người trong gia đình:

- Bà con làm gì mà đông thế này?

- Đón Bác ạ! Năm mới chúc Bác mạnh khỏe ạ!

Người âu yếm nhìn mọi người rồi nói:

- Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi?”.

Ông Vũ Kỳ dừng kể, nhìn tôi, rồi như nói với chính mình, giọng ông lắng lại, suy tư: “Nếu tôi trưởng thành, có tí chút đóng góp thì là nhờ Bác Hồ. Lúc ấy, nghe Bác nói mà tôi như lớn hẳn lên, qua một chữ Bác Hồ dùng mà toát ra cả một tư tưởng: Cả đất nước này là ngôi nhà, mọi người dân Việt Nam là anh em sống trong ngôi nhà ấy!”...

Tôi-người viết bài này-còn nói gì được nữa, chỉ thấy lòng mình cũng ấm áp vô chừng, vì được trực tiếp nghe một người gần gũi với Bác Hồ kể về Người. Tôi thấy mình may mắn vô cùng, cũng tự hào vô cùng khi nhiều lần được đến nghe ông Vũ Kỳ nói chuyện. Có lần, ông Vũ Kỳ kể: “Tết Kỷ Dậu 1969, Tết cuối cùng của Bác. Như linh cảm mình sắp đi xa, Bác đặt ra chương trình đi chúc Tết nhiều nơi. Tôi bàn với các bác sĩ. Ai cũng băn khoăn. Tôi nghĩ cách báo cáo anh Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng), may ra Bác thay đổi ý kiến. Trưa ấy, anh Tô sang ăn cơm với Bác và thưa: “Thưa Bác, các đồng chí có cho biết chương trình Tết của Bác. Được như thế thì rất phấn khởi. Nhưng xin Bác lượng sức mà giảm bớt một số nơi...”. Bác tỏ ý không bằng lòng: “Lại chú Kỳ gợi ý chứ gì? Tết đến Bác đi thăm dân mà các chú lại ngăn Bác sao? Chưa đi đã ngại, đã mệt thì làm được gì?”... 

Những lời kể của ông Vũ Kỳ về Bác Hồ không chỉ cho tôi thêm tư liệu, quan trọng hơn là cho tôi hướng đi và cảm hứng của người làm công tác nghiên cứu. Cuối bài viết, xin cho tôi kể lại những điều được biết về ông Vũ Kỳ-vị “tiểu đồng” của Bác Hồ vĩ đại. Sau Lễ quốc tang ngày 9-9-1969 vĩnh biệt Bác Hồ, ông Vũ Kỳ đóng chặt cửa, ở trong phòng 3 ngày liền. Ban Tổ chức Trung ương đến động viên, đề nghị ông nhận một chức vụ cấp Bộ. Ông cảm ơn Đảng và xin được tập trung vào việc nghiên cứu, giới thiệu về Bác Hồ, mà theo ông, việc đó cần thiết hơn. Với riêng tôi, ông Vũ Kỳ là một tấm gương sáng để tôi soi mình mà làm việc! 

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ