Thung lũng Phù Trường dài hơn 3km, chiều rộng nhất gần 1km và kẹp giữa hai dãy núi. Từ đỉnh dãy núi phía Tây của thung lũng có thể nhìn thấy cả một vùng rộng lớn của huyện Viêng Thoong, tỉnh Saravan. Nơi ấy, dưới những tán rừng có “Đường kín” 22 chạy ngang qua. Còn bên kia thung lũng là Kho H1-kho đầu mối tiếp nhận vũ khí, đạn dược từ Binh trạm 34 chuyển vào và là nơi có Đường 128 chạy qua. Phía Bắc thung lũng là Trạm giao liên 54 của Tiểu đoàn 12 giao liên bộ-nơi có bãi khách rộng lớn có thể đón cùng lúc nhiều tiểu đoàn nghỉ lại. Từ Trạm giao liên 54 đi xuyên rừng theo đường giao liên khoảng một giờ đồng hồ, ta sẽ gặp sân bay trực thăng Phù Trường được Pháp xây dựng từ trước năm 1945. Sau khi Binh trạm 35 đặt sở chỉ huy ở thung lũng Phù Trường, toàn bộ mặt bằng của sân bay đã được Đại đội 2 hậu cần Binh trạm phát cây để trồng ngô, sắn...

leftcenterrightdel

Bộ đội Binh trạm 35 tăng gia sản xuất ở thung lũng Phù Trường, năm 1971.  Ảnh: THÀNH LONG

Thung lũng Phù Trường là một khu rừng nguyên sinh với rất nhiều cây cổ thụ. Một con suối bắt nguồn từ dãy núi chạy dọc phía Đông của thung lũng. Hai bên suối là rừng lim cao, thẳng tắp. Từ con suối này phóng tầm mắt ra hai bên có thể nhìn xa hàng trăm mét dễ dàng, bởi dưới tán lim gần như không có thảm thực vật che phủ. Trong rừng, lá rụng đầy mặt đất. Giữa trưa mùa khô, cả một vạt rừng hai bên bờ suối mà ánh nắng mặt trời chỉ loáng thoáng lọt qua tán cây chiếu xuống mặt đất. Vì thế, nước suối mát lạnh. Giữa mùa khô mà nước suối lạnh tới mức chúng tôi chỉ dám ngâm mình tắm mấy phút là phải lên ngay. 

Rất tò mò, tôi (nhân viên phụ trách ảnh và tuyên truyền của Ban Chính trị Binh trạm 35) rủ mấy anh bạn trong tổ điện ảnh đi ngược con suối để khám phá. Đi mãi, chúng tôi mới tới đầu nguồn của con suối. Để tới được đây, chúng tôi đã phải bước qua cả một thảm thực bì vô cùng dày của cánh rừng. Có chỗ, chân tôi thụt xuống gần ngang đầu gối. Tôi dùng dao găm bới lá cây thăm dò xem lớp thực bì dưới chân mình dày như thế nào. Xuyên qua lớp lá rừng dày tới gần nửa mét mới chạm được một lớp bùn đen. Bới tiếp qua lớp bùn đen ngập cả con dao găm mới tới lớp đất nâu. Chắc chắn lớp bùn đen này là do lá cây thối rữa mà thành. Bên trên lớp bùn đen là một lớp cây rừng mục nát và tơi xốp... Tôi nghĩ, khu rừng này dễ đến hàng trăm năm không một dấu chân người nên mới tạo thành thảm lá cây dày như thế. Nhìn thảm lá dưới chân mình, tôi bỗng nhớ lời bài hát mô tả thật đúng về Trường Sơn của nhạc sĩ Trần Chung: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người”...

leftcenterrightdel
 Đoàn Văn công Thái Nguyên phục vụ Binh trạm 35 tại Phù Trường. Ảnh: THÀNH LONG

Thời gian Binh trạm 35 đặt sở chỉ huy ở Phù Trường đã diễn ra nhiều sự việc đặc biệt mà tôi nhớ mãi. Trước hết phải kể đến lần Đại tá, bác sĩ Nguyễn Hữu Quốc trên đường vào Nam Bộ đã ghé Binh trạm để nghỉ lại hồi cuối tháng 3-1971. Khi trò chuyện cùng Chính ủy Binh trạm Nguyễn Tam Anh, tôi được giới thiệu, Đại tá Nguyễn Hữu Quốc là Cục trưởng Cục Quân y. Đồng chí Nguyễn Hữu Quốc vô cùng ngạc nhiên khi biết đồng chí Tam Anh chiến đấu từ năm 1948 đến 1953 ở Bắc Lào, vào Trường Sơn từ đầu năm 1968 mà vẫn chưa một lần bị sốt rét. Đồng chí Nguyễn Hữu Quốc hẹn với Chính ủy Tam Anh: “Khi nào trở ra Bắc, tôi muốn xin anh một ít máu để mang ra Hà Nội nghiên cứu về hiện tượng lạ này của cơ thể anh”... Nhưng tiếc rằng lời hẹn ấy đã không thành hiện thực, bởi sáng 27-2-1972, Phó chính ủy Sư đoàn 471 Nguyễn Tam Anh (được bổ nhiệm tháng 8-1971) đã anh dũng hy sinh khi ra Sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn (ở bên kia Phù Trường) phổ biến nghị quyết.

Cuối tháng 12-1971, Trung tướng Trần Văn Trà (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam trên đường trở lại chiến trường B2 đã nghỉ lại tại Sở chỉ huy Binh trạm 35 ở Phù Trường. Ông và đoàn công tác vừa rời khỏi được hai ngày thì rạng sáng 2-1-1972, máy bay B-52 đã trút xuống thung lũng Phù Trường những loạt bom đủ các loại: Bom phá, bom phát quang, bom bi nổ chậm, bom bi nổ ngay, bom bi khoan... Khói lửa, bom đạn B-52 đỏ rực thung lũng, kéo dài trùm lên cả bãi khách của Trạm giao liên 54. Mấy chiến sĩ tại đài quan sát phòng không trên đỉnh núi nhìn xuống thung lũng chỉ thấy một biển lửa, cứ nghĩ cả Binh trạm bộ không một ai sống sót. Nhưng có lẽ “trời có mắt” đã phù hộ cho bộ đội ta và cả Binh trạm 35 của chúng tôi. Đêm ấy, tại bãi khách không có đơn vị hành quân nào nghỉ lại. Trong khi đêm trước, bãi khách của Trạm giao liên 54 đón một lúc 6 tiểu đoàn hành quân vào chiến trường nghỉ lại. Nếu B-52 đánh trước một ngày thì chắc chắn cả nghìn người đã hy sinh, vì bãi khách không có hầm hào kiên cố. Điều rất may nữa là B-52 quăng bom lúc 4 giờ sáng. Lúc này, bộ đội đều còn ngủ trong nhà hầm, thấy bom là lăn ngay vào hầm chữ A kiên cố nên khá an toàn. Chỉ cần B-52 quăng bom sau giờ báo thức sáng, bộ đội đều xuống suối vệ sinh cá nhân thì... chắc chắn sẽ hy sinh rất nhiều. Trong trận B-52 ấy có đồng chí Nguyễn Văn Anh, Trợ lý Công binh, quê ở Ân Thi, Hưng Yên, hy sinh vì trúng bom bi. Hai đồng chí khác bị thương nhẹ.

leftcenterrightdel
Xe của Tiểu đoàn 59, Binh trạm 35 vượt trọng điểm ngầm Bạc. Ảnh: THÀNH LONG 

Thung lũng Phù Trường vô cùng kín đáo vì được che phủ dưới tán rừng nguyên sinh và không bị lộ bởi khói lửa. Tại sao Sở chỉ huy ở Phù Trường của chúng tôi lại bị B-52 đánh bom? Sau này chúng tôi được biết, cuối mùa khô năm 1971, Tỉnh đội phó Tỉnh đội Tà Ven Oọc là Bun Nha vào thung lũng Phù Trường làm việc với chỉ huy Binh trạm xin hỗ trợ vũ khí và quân nhu cho Tỉnh đội. Ít tháng sau đó, y chạy sang lực lượng ngụy Lào. Do tên này chỉ điểm nên B-52 Mỹ đã giội bom xuống căn cứ của chúng tôi!

Lại nhớ mấy tháng mùa mưa, chúng tôi hoàn toàn không nhìn thấy một hạt cơm. Bữa ăn, mỗi người chỉ được một bát sắn khô. Thức ăn chỉ là măng le, măng nứa, rau tàu bay, củ chuối, củ báng và nước mắm kem (nước mắm cô đặc như muối lỏng pha với nước sôi làm nước chấm). Hằng tháng, chúng tôi phải ra Huội Mơn giáp với Binh trạm 34 để lấy sắn. Tại đây, Đại đội 1 của Binh trạm có một trung đội làm nhiệm vụ chế biến sắn. Một bãi sắn rộng được trồng từ nhiều năm trước, giờ những gốc le đã mọc ken dày đua chen với những gốc sắn lưu niên. Việc đào lấy củ sắn cũng là cả một kỳ công. Những củ sắn giờ đã to bằng bắp chân. Nhiều củ nặng gần chục ký. Sắn được thái ra và sấy khô ngay trong mùa mưa Trường Sơn. Cũng năm này, hậu cần Binh trạm đã cho lắp đặt một dây chuyền chế biến miến sắn. Sắn tươi được máy nghiền thành bột. Từ bột sắn lại được máy ép thành những sợi miến. Bộ đội các đơn vị tới đây gùi sắn khô và miến sắn về ăn. Trong khó khăn, thiếu thốn, càng cảm phục sự sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn.

leftcenterrightdel
Một trạm tập kết của lực lượng xe Binh trạm 35. Ảnh: THÀNH LONG

Đói kém là vậy, nhưng khi chuẩn bị đón Tết năm 1972, Ban Hậu cần Binh trạm đã tổ chức thi chế biến bữa ăn cho các đơn vị toàn Binh trạm. Cuộc thi đã kích thích sự sáng tạo của các đơn vị trong việc khai thác rừng Trường Sơn phục vụ bộ đội. Chỉ riêng rau tàu bay, có đơn vị chế biến thành các món: Luộc, xào với măng; nộm với hoa chuối; muối dưa... Rất nhiều món ăn được sáng tạo từ chế biến củ chuối, hoa chuối rừng, từ lõi cây búng báng, lá bứa, hay các loại măng rừng...

Những sự kiện diễn ra trong thung lũng Phù Trường vẫn hằn sâu trong ký ức của tôi hơn nửa thế kỷ qua. Tôi đã viết được rất nhiều mẩu truyện in trong 4 cuốn sách: “Lính Trường Sơn kể chuyện Trường Sơn”, “Thuốc tiên Trường Sơn”, “Truyện Trường Sơn, người Trường Sơn” và “Chuyện lạ lính Trường Sơn”. Đó đều là những câu chuyện, kỷ niệm mà người lính chúng tôi không bao giờ quên!

Nhà văn PHẠM THÀNH LONG

Nguyên Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn