Chị Hoàng Thị Quỳnh Trang, Phó chánh văn phòng Công ty Cổ phần Than Đèo Nai, đưa cho chúng tôi những tập tài liệu lịch sử về công ty và giới thiệu: “Mỗi khi Tết đến xuân về, Đảng ủy, Ban giám đốc công ty đều cử đoàn công tác đến chúc Tết, tặng quà cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách và cán bộ, công nhân tiêu biểu đã từng công tác ở công ty. Những dịp như thế, chúng tôi được nghe kể nhiều chuyện về truyền thống, chiến công của cán bộ, công nhân, tự vệ ngành than, đặc biệt là kỷ niệm lần đầu tiên Bác Hồ về thăm công trường than Đèo Nai vào mùa xuân năm 1959”.

Theo chị Quỳnh Trang, mới đây, đoàn công tác của công ty đã đến thăm ông Mai Hữu Phần, nay đã gần 90 tuổi, trú tại khu Nam Tiến, phường Cẩm Bình (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh), được nghe ông kể:

“Năm 1959, tôi là công nhân kiêm thư ký Công đoàn bộ phận của công trường than thủ công mỏ than Đèo Nai, thuộc Xí nghiệp Khai thác than Cẩm Phả. Ngày 30-3-1959, chúng tôi được tin Bác Hồ đến thăm công trường, trong lòng ai cũng vui sướng, mong chờ. Đầu giờ chiều hôm đó, Bác đến công trường khi chúng tôi đang làm việc. Thấy Bác, tôi cùng anh em công nhân đồng thanh reo lên: “Bác Hồ, Bác Hồ!”. Bác dừng lại hỏi chuyện chúng tôi, rồi không quản bụi bặm, Bác leo lên tận tầng 10 công trường khai thác cơ khí mỏ Đèo Nai, đến từng cỗ xe goòng, hỏi chuyện công nhân. Sau đó, Bác vào thẳng nhà ăn trên công trường. Bác hỏi chị em cấp dưỡng cho anh em ăn mấy món, rồi Người dặn dò: “Anh em công nhân mỏ làm việc vất vả. Các cô phải cơm dẻo, canh ngọt cho mọi người”.

leftcenterrightdel
 

Bác Hồ thăm khai trường mỏ than Đèo Nai (tháng 3-1959). Ảnh tư liệu

Nói chuyện với cán bộ và công nhân tại công trường, Bác căn dặn: “Phải cố gắng thi đua..., muốn thi đua tốt phải giúp đỡ lẫn nhau, người giỏi giúp đỡ người kém để cùng tiến bộ”. Hơn một năm sau khi Bác Hồ về thăm, ngày 1-8-1960, mỏ than Đèo Nai chính thức được thành lập. Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, công nhân mỏ than Đèo Nai đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, năm nào cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao và liên tục đạt sản lượng than cao nhất vùng mỏ Quảng Ninh. 

Tháng 2-1965, Bác Hồ về đón Tết với nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Ninh, Bác đã tặng “Cờ thi đua luân lưu khá nhất” cho ngành than và mỏ than Đèo Nai được giữ cờ thi đua luân lưu đó. Ngày 25-4-1965, khi nghe tin mỏ than Đèo Nai hoàn thành vượt mức kế hoạch quý I năm 1965, Bác đã gửi thư khen ngợi: “Bác vui lòng nhận được báo cáo mỏ đã hoàn thành tốt kế hoạch quý I năm 1965. Bác mong các cô chú nhân đà thắng lợi đó cố gắng hoàn thành kế hoạch cao hơn nữa”... 

Ngày 15-11-1968, Bác Hồ gặp mặt đoàn đại biểu cán bộ, công nhân ngành than ở Phủ Chủ tịch, hai đồng chí Nguyễn Thị Cầm, nhân viên cấp dưỡng và Ngô Dần, công nhân mỏ, là Chiến sĩ thi đua, đại diện cho hàng nghìn công nhân mỏ than Đèo Nai vinh dự được gặp Bác Hồ...”.

Chị Quỳnh Trang kể tiếp với niềm tự hào: Hơn 60 năm xây dựng, phát triển, Công ty Cổ phần Than Đèo Nai vinh dự 5 lần được nhận “Cờ thi đua luân lưu khá nhất” của Bác Hồ; được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998 và Anh hùng Lao động năm 2000. Nhiều cán bộ, công nhân, chiến sĩ tự vệ được phong tặng danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc... Phát huy truyền thống công nhân mỏ, Công ty Cổ phần Than Đèo Nai đẩy mạnh thi đua với tinh thần “Người thợ mỏ-người chiến sĩ”.

HƯƠNG NGÂN