Giáo sư Lê Thế Trung sinh năm 1928, tại Lĩnh Nam, Thanh Trì, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Bưởi, năm 1946, ông theo học lớp y tá Vệ quốc đoàn khóa đầu tiên và từ đó gắn bó cả cuộc đời với ngành quân y. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Viện trưởng Viện Quân y 103, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Giám đốc Học viện Quân y, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn ghép thận, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chuyên môn ghép tạng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn y học thảm họa của Bộ Y tế... Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc, ông đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1978.

Trong số hiện vật Giáo sư Lê Thế Trung hiến tặng Bảo tàng Hậu cần Quân đội có chiếc hộp đựng thức ăn, chiếc kẹp bông là chiến lợi phẩm của Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) thu được trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sinh thời, ông đã từng kể về những vật dụng này khi chúng tôi đến thăm ông. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông từ cương vị một y tá Vệ quốc đoàn, được đào tạo thành quân y sĩ và được bổ nhiệm Phó trưởng ban rồi Trưởng ban Quân y Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312). Ngày 13-3-1954, đơn vị ông tham gia trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ ở đồi Him Lam. Chiếc kẹp bông và hộp đựng thức ăn là chiến lợi phẩm thu được của địch, bác sĩ Lê Thế Trung đã sử dụng để phục vụ cứu chữa, chăm sóc sức khỏe thương, bệnh binh và sinh hoạt, công tác của ông. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên mang tên “Kinh nghiệm chống sốt rét và điều trị sốt rét tại Tây Bắc”. Công trình đã giúp bộ đội chống chọi với những trận sốt rét ác tính từng quật ngã rất nhiều chiến sĩ, được giới chuyên môn đánh giá cao và cấp trên cho phép phổ biến trong toàn quân.

leftcenterrightdel
Một số kỷ vật của Thiếu tướng Lê Thế Trung được lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần. Ảnh: TUẤN DŨNG 

Những hiện vật gồm ba lô, tăng, võng được ông dùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hiến tặng Bảo tàng cũng có lý lịch phong phú. Nhận định Mỹ sẽ sử dụng nhiều loại vũ khí sát thương như bom napalm, bom lân tinh... trên chiến trường, Cục Quân y quyết định cử Lê Thế Trung sang Liên Xô học chuyên ngành điều trị vết bỏng. Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa với tấm bằng xuất sắc, bác sĩ Lê Thế Trung trở về nước, tham gia ngay vào việc thành lập Khoa Bỏng (nay là Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác) và trở thành chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Ông vào chiến trường để khảo sát, trực tiếp tham gia mổ cứu sống hàng trăm trường hợp bị các vết thương hiểm nghèo; hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị cứu chữa thành công các thương binh do bỏng. Quá trình nghiên cứu điều trị bỏng, ông đã tìm ra 50 loài cây thuốc chữa bỏng, bào chế thành công thuốc điều trị bỏng Maduxin (chiết xuất từ lá sến tươi), B76 (chiết xuất từ vỏ cây xoan trà)... Các nghiên cứu, phát hiện của ông được phổ biến rộng rãi và ứng dụng rất hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ tử vong cho bộ đội. Thời kỳ ấy, trong bộ đội lưu truyền câu chuyện “Mỹ có B-52, bác sĩ Trung có B76” ca ngợi bài thuốc của thầy thuốc Lê Thế Trung...

Cả đời làm công việc trị bệnh cứu người và truyền dạy cho các thế hệ bác sĩ quân y, Thiếu tướng Lê Thế Trung luôn đề cao và trau dồi y đức. Dù người bệnh là dân thường hay chính khách, chiến sĩ hay tướng lĩnh, ông đều tận tâm, tận lực cứu chữa. Năm 1975, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ với Đề tài “Nhiễm khuẩn mủ xanh trong bỏng” và năm 1986, ở tuổi 58, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Liên Xô với Đề tài “Điều trị bỏng trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam”. Ông cũng là người tích cực cùng đồng đội xây dựng, phát triển Trường Đại học Quân y, sau là Học viện Quân y do ông trực tiếp làm Giám đốc. Dưới sự chỉ đạo của ông, ca ghép thận rồi đến ca ghép gan đầu tiên được thực hiện thành công, gây tiếng vang lớn trong nước và quốc tế. Bộ quần áo ông mặc khi tham gia ca ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam năm 1992 được hiến tặng Bảo tàng có ý nghĩa như thế. Điều đặc biệt là trong ca phẫu thuật ghép gan đầu tiên, ông là chỉ huy trưởng kíp mổ, con trai cả của ông là bác sĩ Lê Trung Hải (sau này là Thiếu tướng, Phó cục trưởng Cục Quân y) cũng là phụ mổ cho bác sĩ chính người Nhật Bản Mashito Makuchi.

LƯU THỊ VÂN