“Ông Bụt” ở hội sách

Chị Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, cơ quan giữ vai trò “bà đỡ” cho những tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, đã gọi cụ như vậy trong sự kiện ra mắt công trình nghiên cứu đồ sộ nêu trên. Quả đúng như vậy, ở tuổi 103, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư mặc trang phục dân tộc đỏ, họa tiết màu vàng, khoan thai, nhân từ giữa những vòng tay, ánh mắt trìu mến, ngưỡng mộ của các học trò và thế hệ trẻ. Gương mặt phúc hậu, râu tóc trắng như bông, nụ cười hiền từ, cụ xuất hiện như một “ông Bụt” bước ra từ miền chữ nghĩa. “Cuối năm 2022, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ngồi xe máy do con trai của cụ chở đến nhà xuất bản bàn giao bản thảo công trình nghiên cứu cho chúng tôi. Nhận bản thảo của cụ, chúng tôi rất xúc động và bắt tay ngay vào việc biên tập, xuất bản”, chị Đinh Thị Thanh Thủy kể lại.

leftcenterrightdel

Cụ Nguyễn Đình Tư nhận hoa chúc mừng của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ảnh: QUỲNH MY 

Theo chị Đinh Thị Thanh Thủy, để hoàn thành bộ sách “Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã dành 20 năm miệt mài tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, khảo cứu và biên soạn. Cụ tiếp cận hàng trăm cuốn sách, tài liệu chữ Hán Nôm, tiếng Pháp, tiếng Anh và hơn 200 tập sách tiếng Việt. Cụ còn đến khắp các thư viện và Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tại TP Hồ Chí Minh để tìm kiếm, đọc và tập hợp tài liệu. Đây là công trình nghiên cứu về lịch sử-văn hóa nên sự thật, độ chính xác và tính ứng dụng là những yêu cầu được cụ đặt lên hàng đầu. Cụ ghi chép cẩn thận, đánh dấu mốc thời gian, chú giải nguồn... rất tỉ mỉ. Sách của cụ dễ đọc, dễ tra cứu, thỏa mãn nhu cầu đa dạng của các giới độc giả vì cụ sắp xếp nội dung, tiến trình lịch sử của vùng đất Sài Gòn-Gia Định theo các chủ đề, đề mục rất khoa học, thể hiện bằng bút pháp, ngôn ngữ giản dị, gần gũi, đậm đà sắc thái văn hóa Sài Gòn-Nam Bộ. Công trình nghiên cứu của cụ đã cung cấp cho độc giả nguồn sử liệu đồ sộ, trong đó có rất nhiều nội dung độc đáo, giá trị cao, là cơ sở cho giới nghiên cứu, sáng tác tham khảo, vận dụng.

leftcenterrightdel

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong ngày ra mắt sách “Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”. Ảnh: QUỲNH MY 

Không chỉ để lại cho đời khối lượng lớn công trình nghiên cứu lịch sử và các tác phẩm khảo cứu văn hóa đa dạng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư còn là người thầy lớn cả về đạo đức, nhân cách, tài năng, tinh thần làm việc, thái độ cống hiến... của hàng trăm nhà khoa học, văn nghệ sĩ, học giả... tại Thành phố mang tên Bác và cả nước. Vì vậy, trong buổi ra mắt tác phẩm của cụ tại Đường sách TP Hồ Chí Minh, có rất nhiều chuyên gia, học giả, nhà khoa học, cán bộ quản lý, văn nghệ sĩ, bạn đọc trẻ tuổi đam mê nghiên cứu lịch sử-văn hóa đến dự.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ: “Để xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ và bền vững, mọi công dân thành phố cần hun đúc niềm tự hào, tình yêu với nơi mình sống, từ đó nuôi dưỡng, bừng lên khát vọng dân tộc. Với tác phẩm này, tôi muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể về các giai đoạn lịch sử của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Thẩm thấu văn hóa-lịch sử để mỗi người dân thêm tự hào, tri ân công lao to lớn của các bậc hiền nhân từ thuở khai khẩn đến hành trình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiên phong đổi mới, hội nhập... Tác phẩm này là một cẩm nang về lịch sử-văn hóa. Các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, mọi gia đình khi muốn tìm kiếm vấn đề liên quan đến lịch sử Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, chỉ việc mở sách ra là có”.

Tấm gương ngời sáng về lao động, sáng tạo

Trong ngày ra mắt sách, giao lưu với độc giả, nhà nghiên cứu bách niên Nguyễn Đình Tư nhận được nhiều hoa và lời chúc mừng, bày tỏ tình cảm trân quý, lòng ngưỡng mộ của các giới độc giả, trong đó có giỏ hoa tươi của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh gửi đến chúc mừng cụ với lòng kính trọng sâu sắc.

Với các thế hệ học trò và đồng nghiệp, độc giả hiện nay, cụ Tư là cây tùng, cây bách đại thụ. Đồng chí Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh xúc động bày tỏ: “Tinh thần lao động, nhiệt huyết cống hiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là một tấm gương sáng ngời, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức và thanh, thiếu niên TP Hồ Chí Minh. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tham gia giới thiệu, quảng bá công trình nghiên cứu của cụ không chỉ mong muốn mang đến cho đông đảo bạn đọc một tác phẩm văn hóa-lịch sử có giá trị to lớn mà còn là dịp để lan tỏa tinh thần lao động, cống hiến của một tấm gương sáng rất đáng trân quý, một tấm lòng sâu nặng với Thành phố mang tên Bác.

leftcenterrightdel
 Bìa hai tập sách “Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”. Ảnh: QUỲNH MY

103 tuổi, hơn 80 năm làm công tác nghiên cứu, cụ Nguyễn Đình Tư đã cho ra đời gần 60 tác phẩm, công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, địa chí... của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh và các vùng, miền khác. Cuối năm 2022, cụ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao tặng Bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục Việt Nam, với nội dung: “Nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng, miền, tỉnh, thành phố Việt Nam với gần 60 tác phẩm đã được xuất bản”.

Được tiếp xúc, trò chuyện với cụ, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì cụ mắt vẫn sáng, đọc sách, sử dụng máy tính không cần đeo kính, tai vẫn tinh và trí tuệ uyên bác. Mỗi ngày, cụ đều đặn làm việc 8 tiếng. Cụ mê và chăm đọc sách. Không gian sống và làm việc của cụ ở nhà riêng toàn sách, sách và sách. Cụ đọc Đông-Tây, kim-cổ, am tường triết học, thiên văn, địa lý, lịch sử, văn hóa, tôn giáo của Việt Nam và các nền văn minh trên thế giới. Hỏi bí quyết trường thọ và sức khỏe dẻo dai, cụ nói, đó là lòng yêu nước, thương dân, tình yêu lao động và cách sống đạm bạc. “Mỗi người, tùy theo năng lực, địa vị công tác, hãy cố gắng lao động, cống hiến bằng tất cả sức lực, khả năng, nhiệt huyết của mình cho khát vọng dân tộc và tương lai của thành phố chúng ta”, cụ tâm sự với thế hệ trẻ như vậy.

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh ngày 12-3-1920, tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hiện sống cùng gia đình ở TP Hồ Chí Minh. Cùng với gần 60 tác phẩm, công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, địa chí... cụ còn có những đóng góp quan trọng trong công tác nghiên cứu, đặt tên đường cho TP Hồ Chí Minh. Cụ là người đề xuất đặt tên hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc theo hai bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè ở TP Hồ Chí Minh hiện nay


NGUYỄN THẾ TRUNG