Trước giờ hẹn 15 phút, từ cửa sổ phòng làm việc, tôi đã thấy nhà báo Khắc Tiếp thong thả chống gậy bước đi trên con phố nhà binh-phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Tôi vội chạy xuống để cùng ông sang nhà Đại tá Phạm Phú Bằng. Vừa đi, ông vừa nói: “Bao năm quân ngũ đã quen nếp rồi, giờ giấc cứ phải chính xác cháu ạ!”.

Tại nhà riêng cũng nằm trên phố nhà binh, vợ chồng Đại tá Phạm Phú Bằng đã sẵn sàng đón người bạn vong niên. Vừa nhìn thấy đồng đội, ông niềm nở: “Để ông anh phải sang thế này, đúng là tôi thua anh thật”. Nghe vậy, Đại tá Khắc Tiếp cười hóm hỉnh: “Điều này không còn gì phải bàn cãi. Ông làm sao mà bằng tôi được. Ông kém tôi đến cả chục tuổi đấy nhé!”.

Nếu không nhắc đến tuổi tác, chỉ chú ý đến cách nói chuyện dí dỏm, khúc chiết mà ngồn ngộn thông tin của hai nhà báo lão thành thì ít ai nghĩ họ đều đã ở tuổi đại thọ. Nhà báo Phạm Phú Bằng đã hơn cửu thập, còn nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp đã qua bách niên. Ấy vậy mà giọng nói của họ vẫn rất đanh gọn. Những kỷ niệm của một thời chưa xa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức, khiến cuộc trò chuyện hôm ấy của họ đến tận chiều muộn mới kết thúc.

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp (bên phải) và Đại tá Phạm Phú Bằng. Ảnh: TUẤN TÚ 

Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp sinh năm 1923, quê ở Hưng Yên. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông trở thành bộ đội Khu 10 (Khu Tây Bắc). Bằng học vấn và năng khiếu sẵn có, ở đơn vị, ông tích cực viết tin, bài về các sự kiện nơi ông đến, rồi trở thành một trong những phóng viên đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam. Khi Báo Vệ quốc quân và Quân du kích sáp nhập thành Báo QĐND, ông được chọn và trở thành phóng viên Báo QĐND từ ngày đó. Còn nhà báo Phạm Phú Bằng xuất thân trong một danh gia: Cụ nội của ông là quan Thượng thư Phạm Phú Thứ, từng là Tổng trấn Hải Yên (gồm 4 tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên) dưới triều Nguyễn. Cha của ông là Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), được Bác Hồ phong hàm Đại tá, làm đến Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam. Phạm Phú Bằng nhập ngũ vào đơn vị chủ lực ở Huế khi chưa tròn 15 tuổi. Với khát vọng được tiếp tục cầm súng bảo vệ đất nước, khi mặt trận Huế bị vỡ cuối năm 1945, ông theo đoàn quân Nam tiến vào chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; là cán bộ đại đội bậc trưởng. Năm 1950, khi Báo QĐND được thành lập, từ miền Trung nắng gió, ông được triệu tập về làm phóng viên.

Bấy giờ, phóng viên ít, trong khi chiến trường rộng, đơn vị Quân đội đông, chiến sự diễn ra ác liệt nên hai người đi suốt. Vì vậy, dù cùng được về Báo QĐND công tác từ những ngày đầu thành lập nhưng theo lời kể của họ, nhiều năm sau họ mới biết mặt nhau. Đi qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, rồi bảo vệ Tổ quốc, cùng với những người lính cầm súng đánh địch trên mặt trận quân sự, hai nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp và Phạm Phú Bằng dùng vũ khí là ngòi bút và cuốn sổ xông pha khắp các chiến trường để kịp ghi, thông tin nhanh tới bạn đọc về những chiến thắng của quân dân ta.

Tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh, nhưng phải đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, hai người mới gặp nhau nhiều và cùng “tác chiến” trong một mặt trận. Họ là 2 trong 5 phóng viên chủ chốt đầu tiên của Báo QĐND góp phần cho ra đời 33 số báo đặc biệt ngay tại Mặt trận Điện Biên Phủ. “Các số báo cung cấp nhiều tin tức từ hậu phương, về gương chiến đấu dũng cảm, kinh nghiệm đào hầm, làm trận địa và cả những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên, thơ ca... Tất cả tạo thành món ăn tinh thần thúc giục bộ đội giữ vững tinh thần, quyết tâm cho ngày chiến thắng. Phú Bằng thiên về ghi chép và phản ánh, còn tôi thế mạnh là phóng sự. Đang hồi sung sức nên số báo nào cũng có các bài viết của hai anh em”, nhà báo Khắc Tiếp chia sẻ.

Trong khi đó, nhà báo Phạm Phú Bằng thì nhớ mãi bao lần đi bộ hàng trăm cây số đường rừng theo đoàn quân chiến đấu để gặp và trò chuyện với những người lính ra trận. Cùng hành quân, cùng chiến đấu, ông tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, rồi chứng kiến nhiều hành động anh dũng của họ. Những ghi chép dọc đường ấy là chất liệu sống động để ông hình thành các bài viết. Chẳng thế mà hiện nay, trong căn phòng riêng tại tư gia, ông còn lưu giữ hàng trăm cuốn sổ, hàng nghìn mảnh giấy ghi chép các loại từ những ngày đầu tiên đến với nghề báo. Đại tá Phạm Phú Bằng bồi hồi kể: “Nhớ lần tâm sự, anh Tiếp nói với tôi, phóng viên chiến trường chúng mình phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của “người chết trước mình”. Tôi thấy đúng lắm! Người lính chiến đấu là người xông pha trận mạc, luôn ở tuyến đầu cho nên rất có thể họ sẽ hy sinh trước khi chúng tôi đến và kịp viết về họ. Chính vì điều đó, trách nhiệm của nhà báo là phải đi, đến thật nhiều đơn vị cơ sở. Trong mọi hoàn cảnh, nhà báo chiến sĩ phải bằng mọi cách khắc phục khó khăn của bản thân, ghi chép thật nhiều để nhớ và viết về những chiến binh quả cảm của Quân đội ta”.

leftcenterrightdel

 Bản thảo bài báo (viết vào mặt sau tờ truyền đơn) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tá Phạm Phú Bằng. Ảnh chụp lại

Tại cuộc trò chuyện hôm ấy, Đại tá Phạm Phú Bằng kể về một bài báo không được đăng khi làm báo tại Điện Biên Phủ mà ông nhớ mãi. Chuyện là hồi ấy, mỗi khi đi tác nghiệp, Phú Bằng có thói quen nhặt những tờ truyền đơn của ta từ những bao gói bị bom đạn địch làm tung ra. Vừa làm nhiệm vụ, ông vừa chuyển những bức truyền đơn mình nhặt được cho các đoàn dân công. Tuy nhiên, do liên tục di chuyển theo đội hình chiến đấu nên ông không phát hiện ra giấy viết của mình đã sắp hết. Ở mặt trận, giấy viết rất thiếu, ông đành sử dụng mặt sau của tờ truyền đơn để viết bản thảo. Tuy nhiên, một lần có đoàn dân công từ Thanh Hóa mới nhập tuyến nghe nói có thư của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp động viên lực lượng nên đã hỏi xin ông tờ truyền đơn để phổ biến cho anh em. Do bất ngờ, không kịp nghĩ nhiều, ông đưa luôn tờ đang cầm trên tay. Đến khi nhớ ra trên đó có bản thảo bài báo với tựa đề “Đội cao xạ hùng dũng trên Mặt trận Điện Biên” mình vừa hoàn thành thì đã là ngày hôm sau. “Đó là tờ giấy khổ 13x19cm, mặt trước in thư của Đại tướng, mặt sau là những dòng chữ viết tay bài báo của tôi. Rất may, tôi có ký tên nên sau này anh em gửi trở lại cho tôi khi Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Bài báo không được đăng nhưng lại phát hành đến tay bạn đọc, đấy là kỷ niệm đáng nhớ trong đời phóng viên nên tôi giữ gìn cẩn thận. Dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã trao tặng bảo tàng làm hiện vật”, nhà báo Phạm Phú Bằng cho biết.

Tiếp lời đồng đội, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp kể về việc đã đi lạc đường khi đạp xe từ Thái Nguyên về Phú Thọ nhận nhiệm vụ tường thuật buổi nói chuyện của Bác Hồ với bộ đội Đại đoàn 308-Đại đoàn Quân Tiên Phong tại đền Giếng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) vào sáng 19-9-1954. Ông nhớ lại: “Hôm đó, tôi đang công tác ở Thái Nguyên thì có lệnh về Đền Hùng để cùng Đại đoàn 308 nhận nhiệm vụ đặc biệt. Hồi ấy, đường sá đâu thuận tiện như bây giờ. Với chiếc xe đạp cũ, từ Thái Nguyên, tôi phải vừa đạp xe vừa hỏi đường để làm sao đến Phú Thọ trong thời gian sớm nhất. Ba lần đi nhầm đường, tổng số khoảng 25km, cuối cùng tôi cũng tới được thôn Cổ Tích, xã Hy Cương (nay thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đúng ngày quy định”. Bài tường thuật của ông sau đó được đăng trên trang nhất Báo QĐND, còn âm hưởng đến hôm nay với câu nói nổi tiếng của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”...

Những ngày vừa chiến đấu vừa cầm bút của đôi bạn Khắc Tiếp-Phú Bằng đã lùi về quá khứ hơn nửa thế kỷ, nhưng những kinh nghiệm cùng nhiều trải nghiệm một đời làm báo vẫn được họ tận tình chia sẻ cho thế hệ trẻ hôm nay. Dịp Quốc khánh 2-9-2022, cả hai ông cùng vinh dự đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Trong phát biểu trước cấp ủy, chính quyền địa phương, hai nhà báo-chiến sĩ vẫn thể hiện rõ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Ở đó, chúng tôi vẫn cảm nhận nội lực mạnh mẽ của hai ông. Dù mắt đã mờ, đôi chân đã mỏi nhưng các ông vẫn dõi theo thời cuộc qua các phương tiện truyền thông, nhất là tờ báo QĐND-món ăn tinh thần hằng ngày của hai nhà báo đại thọ!

BÍCH TRANG