Họa sĩ Tô Ngọc Vân học Khóa 2, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông tiếp xúc với mỹ thuật theo trường phái phương Tây từ các giáo sư người Pháp nên chịu ảnh hưởng bởi những khuynh hướng nghệ thuật cổ điển, ấn tượng và hậu ấn tượng. Giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông vẽ nhiều, trong đó có những tác phẩm gây tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước, như: “Thiếu nữ bên hoa sen” (1944), “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943), “Hai thiếu nữ và em bé” (1944), “Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa” (1942), “Buổi trưa” (1936), “Bên hoa” (1942)... Bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé” được công nhận là Bảo vật quốc gia, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Thành danh với những tác phẩm hội họa xuất sắc, được giải thưởng cao ở Pháp, chịu nhiều ảnh hưởng từ mỹ thuật châu Âu, nhưng có lẽ thay đổi lớn nhất và quan trọng nhất của danh họa Tô Ngọc Vân là việc chuyển hướng từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Giai đoạn 1945-1954 là một Tô Ngọc Vân khác, một chiến sĩ trên mọi nẻo đường chiến dịch với mẩu bút chì dùng gần hết và một cục tẩy.

leftcenterrightdel
 Họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Giai đoạn này, danh họa thay đổi quan điểm hội họa, từ bỏ tháp ngà hàn lâm sang vẽ những bà bầm, thiếu nữ chân quê, bộ đội hành quân, những người dân tộc thiểu số... Ông rung động và tìm được những xúc cảm chân thực nhất trong ký họa. Ông mang đến cho chúng ta những ký họa chiến trường và để lại những dấu ấn không thể quên trong hội họa Việt Nam, hội họa cách mạng kháng chiến”.

Giải thích về những thay đổi này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến cho rằng: “Bầu không khí Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mạnh mẽ với nhiệt huyết và tráng ca khiến không người nào dừng bước được. Trước đòi hỏi của nhân dân và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người nghệ sĩ cũng cảm nhận được trách nhiệm công dân. Điều đó giúp họa sĩ Tô Ngọc Vân nhìn được con đường mình sẽ đi”.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, tháng 9-1945, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đổi tên thành Trường Cao đẳng Mỹ thuật (thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục) do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Trường Cao đẳng Mỹ thuật tạm dừng đào tạo. Đến năm 1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật hoạt động trở lại với tên mới Trường Mỹ thuật Trung cấp (còn gọi là Trường Mỹ thuật Việt Nam) do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng. Cuối năm 1953, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng các anh em và học trò lên Tây Bắc, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ để ký họa chiến trường. Ông chính là linh hồn của hội họa kháng chiến. Ở đó, ông còn phát hiện những tài năng như: Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa... và truyền lửa cho họ mà không áp đặt quan niệm sáng tác với họ.

leftcenterrightdel
 “Nghỉ chân bên đồi”. Ký họa của Tô Ngọc Vân, năm 1948.

Có một cơ duyên nữa đã thay đổi thế giới quan của danh họa là khi ông được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một trong những người đầu tiên được vẽ Bác Hồ. Con trai danh họa, họa sĩ Tô Ngọc Thành kể lại: “Một lần cha tôi được vào vẽ Bác. Qua câu chuyện của Bác, cha tôi hiểu ra rằng người nghệ sĩ phải lưu tâm tới vấn đề dân tộc. Ý thức trách nhiệm trước thời cuộc nên dù có nhiều lời ngăn cản và biết có thể hy sinh nơi chiến trường ác liệt nhưng cha tôi vẫn cương quyết xin đi chiến dịch và xông pha ở Điện Biên Phủ để có được những tác phẩm chân thực nhất về chiến trường và người lính”.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh năm 1954 nhưng tầm ảnh hưởng nghệ thuật của ông rất lớn. Nhân cách của ông được các thế hệ sau luôn trân trọng, kính ngưỡng, bởi đó là con người hết mình cống hiến cho nghệ thuật, cho đất nước!

HOÀNG LÂM