Khi đi tìm tư liệu viết về lực lượng dân quân, tự vệ TP Hà Nội, những người sát cánh cùng với Bộ đội Phòng không-Không quân chiến đấu, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, tôi nhớ đến bà Phạm Thị Viễn, nữ tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động (Hà Nội). Hình ảnh nữ tự vệ Phạm Thị Viễn đã được khắc họa trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu, viết ngày 28-1-1973 - một ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết. “Trắng khăn tang, em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt rơi, làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn, trúng đầu giặc Mỹ”...
|
|
Nữ tự vệ Phạm Thị Viễn trực chiến, tháng 12-1972. Ảnh: VĂN BẢO |
Tại hội thảo khoa học kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (1972-2017), tôi được nghe nữ tự vệ Phạm Thị Viễn kể về những năm tháng trực chiến đánh máy bay Mỹ với tư cách là nhân chứng: “Tháng 11-1967, khi đang là công nhân Nhà máy Cơ khí Mai Động, tôi đau đớn nhận được tin mẹ mất do bom bi của Mỹ oanh tạc vào làng Tương Mai (nay thuộc phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Căm thù giặc, thề trả thù nhà, tôi xung phong vào lực lượng tự vệ của nhà máy. Từ đó, tôi cùng các anh chị em trong Trung đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động tích cực học tập, huấn luyện, sử dụng thành thạo các loại súng máy phòng không 12,7mm và 14,5mm. Chúng tôi hằng ngày chia ca trực chiến, khi máy bay Mỹ đến đánh phá, chúng tôi không rời trận địa, kiên cường nổ súng đánh địch. Lưới lửa phòng không tầm thấp của chúng tôi khiến máy bay địch phải bay lên cao, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa và pháo tầm cao tiêu diệt địch”, bà Viễn kể.
Trong cuộc chiến đấu chống không quân Mỹ sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 (còn gọi là “pháo đài bay” B-52) tập kích Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, bắt đầu từ đêm 18-12-1972, các đơn vị dân quân, tự vệ đều bước vào trực chiến cả ngày lẫn đêm. Trung tướng Phí Quốc Tuấn, nguyên Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Đến tháng 12-1972, các công ty, xí nghiệp, khu phố của Hà Nội đều thành lập các tiểu đội, trung đội dân quân, tự vệ phòng không. Hệ thống trận địa bắn máy bay bay thấp của dân quân, tự vệ được tổ chức thành 62 trận địa trực chiến, bố trí sát mục tiêu bảo vệ. Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) còn tổ chức 414 trạm quan sát, 36 đài quan sát và 95 cơ sở thông tin liên lạc điện thoại phục vụ tác chiến phòng không. Trong quá trình chiến đấu, LLVT Thủ đô phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, linh hoạt điều chỉnh thế trận, tạo thành lưới lửa phòng không tầm thấp dày đặc, không cho địch tự do đánh phá các mục tiêu. Dân quân, tự vệ làm nhiệm vụ tham gia bắn máy bay bay thấp, máy bay chiến thuật là chủ yếu, để Bộ đội Phòng không-Không quân tập trung tiêu diệt “pháo đài bay” B-52”.
Bị tổn thất nặng nề, không quân Mỹ tăng cường sử dụng các máy bay chiến thuật hiện đại như F-4, F-111 “cánh cụp, cánh xòe” hoạt động ở độ cao thấp, đánh phá các trận địa tên lửa và cơ sở hậu cần, kỹ thuật, kho tàng của ta. Trước thực tế đó, Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô kịp thời điều chỉnh lực lượng và triển khai đội hình, trận địa phòng không hợp lý. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan tổ chức liên đội tự vệ phòng không; các xã, phường tổ chức liên đội dân quân phòng không, với những trận địa liên hoàn, hỗ trợ lẫn nhau, kịp thời cơ động bắn máy bay địch...
Bà Phạm Thị Viễn nhớ lại: “Theo sự điều chỉnh lực lượng của trên, 3 trung đội tự vệ của Nhà máy Gỗ Hà Nội, Nhà máy Cơ khí Mai động và Nhà máy Cơ khí Lương Yên lập thành Liên đội tự vệ phòng không Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng (tương đương cấp đại đội), trang bị súng máy phòng không 14,5mm, do đồng chí Hoàng Minh Giám làm Liên đội trưởng. Liên đội tổ chức trực chiến bắn máy bay bay thấp, bảo vệ các nhà máy, mục tiêu trong khu vực như: Cảng sông Hồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô (nay là Bệnh viện Hữu nghị), Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)... Ngày 22-12-1972, tôi cùng các anh chị em tự vệ cơ động đến trận địa Vân Đồn, bố trí đội hình phục kích, đón lõng đường bay đột nhập của máy bay địch. Đến 20 giờ, Liên đội nhận lệnh vào cấp 1. Chúng tôi vào vị trí đón lõng. 20 giờ 18 phút, máy bay địch bay thấp vào khu vực hỏa lực hiệu quả. Đồng chí Liên đội trưởng Hoàng Minh Giám hạ lệnh bắn. Các khẩu đội đồng loạt nhả đạn. Là pháo thủ số 1 nên sau khi khẩu đội tôi bắn loạt đạn dài, tôi nhìn rõ chiếc máy bay rẹt qua đầu, phần đuôi của nó lóe sáng.
Sáng hôm sau, Liên đội tự vệ phòng không Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng của chúng tôi nhận được thông báo từ Sở chỉ huy phòng không Hà Nội cho biết, trận địa phòng không Vân Đồn đã bắn cháy chiếc máy bay F-111 của địch, rơi tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dân quân địa phương còn bắt sống 2 phi công lái chiếc máy bay này. Chúng tôi ôm nhau vui sướng. Thế là tôi đã trả thù được cho mẹ và những người dân làng tôi bị bom Mỹ sát hại. Chiến công này củng cố niềm tin chiến đấu cho Liên đội tự vệ chúng tôi, đồng thời góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội...”.
Thi đua với Liên đội tự vệ phòng không Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng bắn rơi máy bay Mỹ, các trung đội, đại đội dân quân các xã, phường hăng hái tổ chức trực chiến, đánh máy bay địch. Ông Nguyễn Ngọc Tòng, nguyên Xã đội trưởng xã Định Công, huyện Thanh Trì (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai); trú tại tổ 17, phường Định Công, trong một cuộc gặp mặt cựu dân quân Định Công đã kể: “Trong những năm Mỹ tiến hành Chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, sân bay Bạch Mai, ga Giáp Bát là những trọng điểm không quân Mỹ tập trung đánh phá. Xã Định Công nằm gần hai mục tiêu này nên cũng chịu nhiều tổn thất về người và tài sản do những trận bom Mỹ tàn bạo ném xuống. Vì vậy, Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô và Huyện đội Thanh Trì đã thành lập ở Định Công một trung đội dân quân thường trực, bắn máy bay bay thấp. Trung đội dân quân hằng ngày luyện tập sử dụng thành thạo các loại súng phòng không được trang bị.
Tháng 12-1972, Mỹ tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc bằng “pháo đài bay” B-52. Khi cơ động tác chiến, máy bay
B-52 được các biên đội máy bay chiến thuật bảo vệ, phá hủy các trận địa phòng không, kho tàng, cơ sở hậu cần của ta. Trung đội dân quân Định Công được lệnh trực chiến liên tục suốt ngày đêm. Đêm 26-12-1972, Mỹ huy động số lượng lớn “pháo đài bay” B-52 ném bom rải thảm xuống Khâm Thiên và nhiều nơi khác ở Hà Nội. Máy bay Mỹ cũng trút xuống xã Định Công hàng trăm quả bom. Bộ đội Phòng không-Không quân và dân quân, tự vệ kiên cường đánh trả máy bay địch. Một chiếc B-52 bốc cháy, rơi tại chỗ xuống cánh đồng thôn Hạ, xã Định Công. Vui mừng vì máy bay B-52 bị bắn cháy, song đau thương do bom đạn Mỹ gây ra cũng rất lớn. Sau trận đánh, cả đêm trung đội dân quân cùng các lực lượng của xã tích cực khắc phục hậu quả, cứu người trong đống đổ nát...”.
Trận oanh tạc Hà Nội của máy bay B-52 đêm 26-12-1972 đã khiến nữ tự vệ Phạm Thị Viễn nhận thêm nỗi đau thương. Bom Mỹ rải thảm đã đánh trúng căn hầm của bố cô. Sau khi tìm kiếm và hậu táng cho bố, nữ tự vệ Phạm Thị Viễn trở lại đơn vị, chít khăn tang trên đầu, vào trực chiến phòng không, quyết trút những loạt đạn căm thù lên đầu giặc Mỹ. Cuối tháng 12-1972, khi đi thực tế tại trận địa phòng không của Liên đội tự vệ phòng không Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng, thấy Phạm Thị Viễn đang trực chiến cùng khẩu đội, đầu còn chít khăn tang, phóng viên chiến trường Văn Bảo đã ghi lại hình ảnh này.
|
|
Bà Phạm Thị Viễn. Ảnh: HỒNG THU |
Mấy chục năm sau, phóng viên Văn Bảo mới gặp lại và tặng bà Phạm Thị Viễn bức ảnh đã chụp hồi tháng 12-1972. Bức ảnh sau đó được bà Phạm Thị Viễn trao tặng lại Bảo tàng Chiến thắng B-52 để trưng bày, phục vụ khách tham quan, học tập.
DƯƠNG HÀ