1. Đứng giữa những già làng, trưởng bản cao niên thuộc nhiều dân tộc đến từ 44 tỉnh, thành phố, người lính biên phòng từ vùng đất ngã ba biên giới ấy thoải mái trò chuyện khiến tôi khá ngạc nhiên. Hóa ra, ngoài tiếng Việt, Lý Hừ Cà còn thông thạo tiếng Hà Nhì, tiếng Mông, tiếng Lào, tiếng Thái... và am hiểu rất rõ phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới huyện Mường Nhé.
Thấy tôi nhìn món quà là bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng, người cán bộ dân vận ấy khẽ cười hiền, cho biết sẽ tặng bức ảnh này cho cha mẹ mình để các cụ đặt lên ban thờ. Anh giải thích để tôi hiểu thêm rằng, đồng bào Hà Nhì ở Mường Nhé luôn tâm niệm Bác Hồ là vĩ nhân của dân tộc Việt Nam, đồng bào Hà Nhì làm việc gì cũng nhớ đến Bác Hồ. Trên ban thờ đặt ảnh Bác cùng với gia tiên là để nhắc nhở bản thân và con cháu luôn phải làm điều thiện, để tổ tiên và Bác Hồ chứng giám. Rồi Lý Hừ Cà mời tôi dịp nào đến thăm quê anh, sẽ đưa tôi đi thăm vùng biên được mệnh danh là nơi “mặt trời lặn sau cùng trên đất nước Việt Nam”.
Phải vài năm sau tôi mới có dịp đến thăm vùng đất ấy, khi Lý Hừ Cà đã được điều động tăng cường cho cơ sở, được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu. Và khắp chín bản, mười thôn dưới chân núi Khoan La San này, người ta nhắc đến anh với niềm tin yêu. Thậm chí có người còn bảo, Lý Hừ Cà đã và đang tiếp nối con đường cống hiến, phụng sự nhân dân của các thế hệ cha anh nơi cuối trời Tây Bắc, được nhân dân tin yêu chẳng khác gì Anh hùng Trần Văn Thọ năm xưa.
|
|
Thiếu tá Lý Hừ Cà (thứ hai, từ trái sang) tuyên truyền vận động phụ nữ Hà Nhì tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. |
Lý Hừ Cà sinh ra và lớn lên trên thung lũng Sín Thầu, uống nước dòng Păng Pơi để trưởng thành. Là một cán bộ dân vận được đào tạo cơ bản trong Quân đội, với phong cách làm việc hoạt bát, tính cách cởi mở, nhiệt tình, lại thông thạo nhiều thứ tiếng nên anh tựa như sợi lanh dệt nên tình đoàn kết, thân ái giữa các dân tộc nơi đây. Khi là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, anh tham gia giải quyết rất hiệu quả những vụ việc mâu thuẫn giữa các dân tộc do tình trạng di cư tự do, tranh chấp đất sản xuất... Rồi cứ thế, nhiều tình huống xảy ra khi người nhập cư mâu thuẫn với dân địa phương lâu đời, phá rừng làm nương rẫy; mâu thuẫn đường đi chung; mâu thuẫn ngay trong anh em họ hàng, chồng vợ... người ta cũng chỉ tin và nghe theo lời phân giải của anh.
2. Cùng với đó, Lý Hừ Cà đã vận động thành công nhiều hộ dân sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, không nghe theo các đối tượng phản động xúi giục đòi ly khai, tự trị, thành lập “Nhà nước Mông”. Khi Mường Nhé đã ổn định, anh cùng đồng đội tham gia khảo sát, thực hiện Đề án 79 của UBND tỉnh Điện Biên về việc sắp xếp, ổn định người Mông di cư vào Mường Nhé. Khi bản mới thành lập, anh là người đầu tiên có mặt để động viên bà con ổn định đời sống, không du canh, du cư, tổ chức họp dân, bầu cán bộ cốt cán của bản... Đưa chúng tôi đến thăm hai bản Hua Sin 1 và Hua Sin 2, Lý Hừ Cà chia sẻ: “Việc thành lập hai bản mới này rất tốn công sức, bởi bà con đã quen sống trong rừng, đốn chặt cây rừng bán kiếm sống và lấy đất làm nương rẫy. Chúng tôi tuần tra, ứng trực đêm ngày mà vẫn không thể ngăn được sức phát cây, phạt rừng của người Mông”.
Là người con của núi rừng Mường Nhé, Lý Hừ Cà yêu rừng như người thân ruột thịt nên rất buồn khi thấy rừng ngày một lùi sâu. Anh quyết tâm cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết vấn đề sinh kế lâu dài để người dân được sống quần tụ, tương trợ lẫn nhau, hình thành các khu dân cư có văn hóa lâu bền. Một cách lặng lẽ, người đảng viên quân hàm xanh ấy đã cùng chính quyền và nhân dân nơi đây vượt qua nhiều thử thách trong cuộc chiến vô hình. Cuộc chiến này không phân định giới tuyến, cũng không hình thành mặt trận hay kẻ thù rõ mặt, mà là cuộc đấu tranh với đói nghèo, lạc hậu dai dẳng, với sự chống phá của các thế lực thù địch.
Khi tình hình chung đã ổn định hơn, Lý Hừ Cà có điều kiện và thời gian xuống từng xóm, bản để bám nắm tình hình các hộ dân. Một lần xuống bản Nậm Sin-nơi tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc Si La ở xã Chung Chải, huyện Mường Nhé-anh được bà con kể chuyện về hai đứa trẻ dân tộc Si La không có cha, mẹ tàn tật mới qua đời chưa lâu. Đứa chị là Hù Có Ngài khi đó 10 tuổi, phải nghỉ học ở nhà chăm nuôi đứa em Hù Chà Ngoại mới 5 tuổi, trong ngôi nhà tranh đổ nát, đất đai bị hàng xóm chiếm giữ. Vậy là anh nhanh chóng đến xem tận mắt, rồi quay về báo cáo chỉ huy đơn vị và đề xuất hỗ trợ hai em nhỏ. Lý Hừ Cà cùng già làng, trưởng bản vận động hàng xóm trả lại đất và dân bản hỗ trợ ngày công xây dựng nhà. Thoáng cái, một căn nhà khang trang xuất hiện đã trở thành mái ấm cho hai em thơ bất hạnh. Đồn Biên phòng Leng Su Sìn còn hỗ trợ thêm các em mỗi tháng 15kg gạo. Đến nay, hai em đều đã trưởng thành, cô chị Hù Có Ngài đã lập gia đình, còn cô em Hù Chà Ngoại đang đi học trên thành phố Điện Biên Phủ.
3. Năm 2020, khi nhận nhiệm vụ mới tại xã Sín Thầu, Thiếu tá Lý Hừ Cà đặt ra cho mình quyết tâm thay đổi nhận thức của người dân về phát triển kinh tế, giúp họ thoát nghèo và đưa chủ trương của Đảng vận dụng vào thực tiễn. Thiếu tá Lý Hừ Cà tâm sự: “Khi nhận nhiệm vụ đặc biệt này, tôi luôn xác định ý thức trách nhiệm cao nhất trong mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần một chút chểnh mảng hoặc thiếu kinh nghiệm là đánh mất sự chủ động trên địa bàn phụ trách; những truyền thống tốt đẹp của cha anh sẽ không còn phát huy tác dụng và lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ không còn là lực lượng tiên phong “3 bám, 4 cùng”, được nhân dân tin yêu...”.
|
|
Đồng chí Lý Hừ Cà kiểm tra vở viết của em Sừ Giá Nu, con đỡ đầu của Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, năm 2017. |
Phát huy kinh nghiệm của những đảng viên cao niên, cùng với sức nghĩ, sức làm của các đảng viên trẻ, Lý Hừ Cà đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã Sín Thầu xây dựng chương trình, xác định mục tiêu, đề ra nhiều giải pháp cụ thể để triển khai và phân công tổ chức thực hiện. Anh đã cùng với lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể và bà con nơi đây chuyển đổi từ một xã có hơn 70% hộ nghèo, đến nay giảm còn khoảng 30%. Sín Thầu đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Giờ đây, Sín Thầu không chỉ nổi danh với cột mốc số 0, với câu chuyện về người anh hùng Trần Văn Thọ hay những chiến công vang dội trong bảo vệ biên cương mà còn là điểm sáng nông thôn mới. Điển hình nổi tiếng là lão nông triệu phú Sùng Phì Sinh-người đã mạnh dạn băng suối Mo Phí, vượt dốc Khoan La San để xây dựng trang trại nuôi trâu, bò, ong, gà, vịt... trải rộng mấy ngọn đồi với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng. Là “vua bò” Chang Váng Sinh đã ngoài 70 tuổi nhưng là chủ trang trại bò và tích cực hướng dẫn dân bản cách chăn nuôi bò hiệu quả, không bị nhiễm bệnh.
Gặp chúng tôi, ông Sùng Phì Sinh phấn khởi bộc bạch: “Dù không biết chữ phổ thông nhưng tôi đã cố gắng đúc rút kinh nghiệm chăn nuôi từ thực tiễn và từ các cụ đi trước. Hơn nữa, được cấp ủy, chính quyền xã động viên, Phó bí thư Lý Hừ Cà hướng dẫn vay vốn nên tôi đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, khai khẩn đất đai. Hiện nay, ngoài nuôi trâu, bò, tôi nuôi thêm ong lấy mật và chăn nuôi gia cầm các loại. Nguồn con giống được thuần hóa từ trang trại của tôi cũng được xã khuyến khích bà con nhân dân đến mua để cùng tạo nên một vùng nguyên liệu thực phẩm sạch trong vùng cũng như cung cấp về thành phố”.
Còn Phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Thào A Dế tự hào về sự đổi thay của địa phương mình: “Dù là xã biên giới, xuất phát điểm thấp nhưng với sự đồng lòng, bền tâm, vững chí của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Sín Thầu là ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững của huyện Mường Nhé. Hiệu ứng từ Sín Thầu đã tiếp thêm động lực để các xã trong huyện nỗ lực phấn đấu, sớm hoàn thiện những tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Có được thành quả đó, phần lớn là nhờ đội ngũ cán bộ, đảng viên của Sín Thầu đã thực sự gương mẫu đi đầu và sự quyết tâm đột phá, đưa quê hương đi lên của Đảng bộ xã và Phó bí thư Lý Hừ Cà”.
Bài và ảnh: ĐẶNG TUỆ LÂM