Thực tế thì sau thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là đồng chí Chu Văn Tấn, người đã tham gia Ban lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa từ trước đó. Đồng chí Chu Văn Tấn giữ cương vị này từ cuối tháng 8-1945 đến ngày 2-3-1946, sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 6-1-1946 diễn ra thành công và Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập. Luật sư Phan Anh được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ ngày 2-3-1946. Ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cho tới khi bàn giao lại chức vụ này cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, tháng 10-1946.
Luật sư Phan Anh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và rất hiếu học ở làng Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Cha ông là nhà nho Phan Điện tài hoa và sắc sảo. Dù sớm mồ côi mẹ, phải theo cha lưu lạc khắp nơi nhưng Phan Anh cùng người em trai là Phan Mỹ (về sau cũng trở thành luật sư và là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ thủ tướng) đã rất chịu khó học tập để tự vươn lên bằng con đường học vấn dưới thời Pháp thuộc... Theo lời thuật lại của bà Đỗ Thị Hồng Chỉnh (đã mất năm 2022), phu nhân của luật sư Phan Anh, ngay từ nhỏ, cậu bé Phan Anh đã được cha mình dạy học chữ Hán và truyền thụ cho cách thấu hiểu đạo Khổng một cách kỹ lưỡng. Ông đã kế tục từ cha mình câu đối gối đầu giường: “Độc tẩm bất quý khâm, độc hành bất quý ảnh” (Ngủ một mình không thẹn với cái chăn của mình, đi một mình không thẹn với bóng của mình)...
    |
 |
Luật sư Phan Anh. Ảnh tư liệu
|
Những khó khăn vật chất đã không cản bước được chàng trai hiếu học và thông minh quê Hà Tĩnh. Với những nỗ lực của mình, Phan Anh đã thi đậu vào Khoa Luật, Trường Đại học Đông Dương. Năm 1937, Phan Anh tốt nghiệp cử nhân luật và sang Pháp để học tiếp. Ngay từ những ngày đầu đặt chân lên đất Pháp, Phan Anh đã xác định rất rõ ràng hai mục đích sống và hành động: Vừa học luật để lấy bằng cấp cao hơn, vừa tìm hiểu xã hội Pháp để hoạt động chính trị, phục vụ sự nghiệp ích nước, lợi dân. Ông đã ngộ ra được con đường cần đi để giúp nước, bỏ lối rập khuôn mô hình chính trị Pháp để chuyên tâm học ngành luật... Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Phan Anh phải bỏ dở việc học và về nước vào năm 1940. Tại Việt Nam, luật sư Phan Anh không cam chịu hành nghề chỉ để làm giàu, mà ông công khai bộc lộ quan điểm ái quốc thương nòi, cố gắng làm mọi việc để góp phần vào cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Ông đã cùng ông Vũ Đình Hòe và ông Vũ Văn Hiền lập ra Tạp chí Thanh Nghị năm 1941, thoạt đầu ra hằng tháng, rồi ra hằng tuần. Tạp chí Thanh Nghị tồn tại cho tới năm 1945, tập trung nhiều cây bút trí thức tâm huyết với dân, với nước lừng lẫy một thời...
Luật sư Phan Anh cũng tham gia bào chữa cho nhiều chiến sĩ hoạt động cách mạng không may bị sa vào tay chính quyền thực dân, phong kiến. Tất nhiên, do cơ chế thời thuộc địa nên những nỗ lực và thiện ý của luật sư Phan Anh không thể mang lại kết quả như mong muốn, nhưng ít ra ông cũng thể hiện được lòng dũng cảm và trượng nghĩa của mình.
Uy tín đạo đức và chuyên môn cao của luật sư Phan Anh đã khiến Trần Trọng Kim, người đứng đầu chính phủ thân Nhật, mời ông vào Huế làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Ở thời điểm đó, không phải luật sư Phan Anh không suy tư trước khi nhận lời tham gia vào một nội các mà trong con mắt của đa số người dân Việt Nam lúc ấy, không thể nào không bị mang tiếng là Việt gian. Sau này, ông bộc bạch rằng: Những thành viên nội các Trần Trọng Kim như ông “tuyệt đối không ai có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự...”.
Việc làm trước hết của Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh là quyết định lập ra Trường Thanh niên tiền tuyến như sách Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế nhận định “hướng thanh niên theo Mặt trận Việt Minh”. Không ít học viên của cơ sở này về sau trở thành những cán bộ cao cấp của Quân đội và Nhà nước ta...
Thực tế cho thấy, trong mọi hoạt động của mình, thái độ nhập thế của luật sư Phan Anh luôn thể hiện ham muốn phụng sự dân tộc và đất nước. Ông thức thời chứ không bao giờ xu thời, không bao giờ nhằm vào mục đích vinh thân phì gia. Chính vì thế nên sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, luật sư Phan Anh đã nhẹ nhàng từ chức cùng nội các
Trần Trọng Kim và vui vẻ nhận nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho là thành lập và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết quốc gia, tập hợp hầu hết trí thức tiến bộ ở Hà Nội thời ấy. Sau cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, luật sư Phan Anh được mời làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong thành phần Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (thành lập ngày 2-3-1946).
Bộ Quốc phòng do luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng đã lựa chọn được nhiều trí thức yêu nước, tuổi trẻ tài cao vào các vị trí quan trọng: Hoàng Đạo Thúy-Chính trị Cục trưởng; Phan Tử Lăng-Quân chính Cục trưởng; Vũ Văn Cẩn-Quân y Cục trưởng; Vũ Anh-Chế tạo Cục trưởng; Phan Phác-Quân huấn Cục trưởng; Lê Văn Chất-Quân pháp Cục trưởng... Tất cả nhân vật này khi mới gia nhập Quân đội đều chưa là đảng viên, nhưng đã mang sẵn trong mình bầu máu nóng phụng sự chính nghĩa, vì độc lập, tự do của Tổ quốc...
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, luật sư Phan Anh được tín nhiệm cử làm Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó chủ tịch Quốc hội... Ông cùng với luật sư Nguyễn Mạnh Tường sáng lập Hội Luật gia Việt Nam, làm Chủ tịch Hội và Thường vụ Hội Luật gia quốc tế; Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới của Việt Nam và Phó chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới. Từ năm 1988, ông còn là Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Ông mất năm 1990 tại Hà Nội.
Cả đời mình, trên các cương vị, luật sư Phan Anh luôn được mọi người kính trọng, quý mến không chỉ vì trí lực xuất chúng mà còn vì nếp sống chân thành, liêm khiết của một người trí thức đích thực. Ông đối xử với mọi người theo đúng tinh thần mà thân phụ mình đã dạy: “Nhân nhượng hưng quốc gia”. Từng có hạnh ngộ được tiếp chuyện bà Đỗ Thị Hồng Chỉnh cùng một số người con và cháu ruột của ông, tôi có thể nói rằng, tinh thần ấy cũng đang được những thế hệ sau của dòng họ Phan làng Tùng Ảnh cố gắng nối tiếp, dẫu những điều kiện sống hiện nay đã khác trước rất nhiều.
HỒNG THANH QUANG