Từ chiến khu tiến về thành đô

Năm 1975, dược sĩ Trần Tựu mới 27 tuổi, nhưng đã có nhiều năm ở “cứ”, đảm nhiệm cương vị Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Ban Đón tiếp. Ngày ấy, bệnh viện được xây dựng để an dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho hàng chục nghìn đồng chí, đồng bào từ các nhà tù, trại giam của Mỹ-ngụy trao trả theo Hiệp định Paris tại vùng giải phóng Lộc Ninh, Bình Phước. Trước đó, năm 1972, giữa lúc chiến trường khốc liệt nhất, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Dược khoa Hà Nội, chàng trai sinh ra và lớn lên từ đồng đất chiêm trũng Hà Nam đã tình nguyện lên đường đi B. Sau hai tháng ròng rã vượt Trường Sơn vào tuyến lửa, ông đã có mặt tại Chiến khu R, lập tức triển khai công tác và chiến đấu.

Suốt những năm gian khổ đó, dù có khó khăn về nhân lực, nhiều loại thuốc phải tự bào chế, chưng cất, song Khoa Dược đã luôn nỗ lực vượt khó. Thường xuyên phải di chuyển để tránh những trận càn của địch, máy móc, trang thiết bị thiếu thốn, Trần Tựu cùng đồng đội luôn sát cánh, quyết tâm nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại dịch truyền mặn, ngọt, pha chế các loại thuốc tiêm, vitamin và một số loại thuốc cảm cúm, thuốc trị đường ruột và vaccine ngừa tả... cung ứng đầy đủ cho một bệnh viện và 7 trạm y tế. Ngày 2-8-1974, Trần Tựu được kết nạp Đảng.

leftcenterrightdel

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm dây chuyền sản xuất cao Sao Vàng của Xí nghiệp Dược 2/9. (Trong ảnh, Giám đốc Trần Tựu ngoài cùng, bên trái). Ảnh tư liệu

“Khi tập kết chuẩn bị vào tiếp quản Sài Gòn, tôi được giao cho một danh sách 120 cơ sở bào chế dược của chính quyền ngụy. Tôi cảm thấy rất hoang mang vì địa bàn thì rộng, lại lạ lẫm, trong khi chúng tôi chỉ có số lượng người ít ỏi. Chúng tôi được phát quân trang như các đơn vị Quân Giải phóng để bảo đảm chính quy khi tiếp quản”, ông Tựu nhớ lại.

Nhưng rồi không khí sục sôi trong ngày đoàn quân chiến thắng tiến về Sài Gòn đã xua đi mọi hoang mang, lo lắng. Ông Tựu kể lại, trên đường đi, nhìn về phía trước là dòng xe trùng điệp rạng rỡ những lá cờ hai màu xanh đỏ tiến về trung tâm đô thành với sự bảo vệ của các chiến sĩ Quân Giải phóng. Hai bên đường, người dân hân hoan đón mừng cách mạng. Trên các ngả đường, hệ thống loa phát thanh công bố danh sách Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định...

Tiếp thu và xây dựng hệ thống cơ sở y - dược

Trong suy nghĩ của dược sĩ Trần Tựu, đó là ngày khởi đầu một hành trình cách mạng mới của các lực lượng tham gia tiếp quản Sài Gòn-Gia Định. Các ban tiếp quản đều có kế hoạch kỹ lưỡng từ khi còn ở chiến khu để có thể nhanh chóng tiếp cận các mục tiêu. Ai cũng hối hả trong niềm tin phơi phới.

Nhưng khi màn đêm buông xuống, Trần Tựu cùng các đồng chí trong Ban Y tế-Xã hội lại nhận được tin báo kẻ xấu đang lên kế hoạch phá hoại một nhà máy và một kho hàng gần đó. Ngay lập tức, ông cùng 3 chiến sĩ bảo vệ mang theo súng chạy đến tiếp ứng cho đội bảo vệ nhà máy. Chỉ ít phút sau, những thanh niên có hành vi phá hoại bị khống chế và thu hung khí, đèn điện được bật sáng xung quanh nhà máy. Sau đó, họ tỏa đi tuần tra các nẻo đường, các khu cư xá để kịp thời ngăn chặn những hành vi chống phá hoặc những trò chơi dại dột của đám thanh niên mới lớn.

leftcenterrightdel

Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu. Ảnh: TUỆ LÂM 

Ngày hôm sau, nắng mai vừa lên, thành phố như bừng tỉnh sau một đêm dài hoang mang, bỡ ngỡ. Sương sớm làm tan loãng dần mùi khói súng và mùi khét cháy tỏa ra từ những công trình bị tàn quân phá hoại. Đội ngũ cán bộ y-dược trang phục chỉnh tề tiến đến cơ quan Bộ Y tế của ngụy-nơi sau này trở thành trụ sở của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Mọi hoạt động của cơ quan này vẫn nền nếp, đội ngũ cán bộ khá bình tĩnh khi gặp cán bộ tiếp quản. Ngay khi được yêu cầu, họ bàn giao cho dược sĩ Trần Tựu hệ thống sổ sách ghi chép đầy đủ, cụ thể về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong một thời gian ngắn, nhờ sự phối hợp của họ, lực lượng y tế của ta đã tiếp quản nguyên vẹn các cơ sở y-dược, bao gồm các viện bào chế, các công ty kinh doanh dược phẩm tại Sài Gòn.

Danh sách chính xác lúc này là 125 viện bào chế, được chia cho 5 nhóm tiếp quản gồm các cán bộ của Ban Dân y từ cứ về, một số cán bộ y tế là cơ sở của cách mạng và số khác là nhân viên y tế cơ quan quản lý dược của ngụy. Dược sĩ Trần Tựu phụ trách một nhóm có nhiệm vụ tiếp quản các cơ sở dược vắng chủ. Nhớ lại những ngày đó, ông Trần Tựu cười hiền bảo không biết mình lấy đâu ra sức lực để làm việc miệt mài từ sớm tới tận khuya, vừa tiếp nhận tài liệu, kiểm tra thực trạng các cơ sở rồi làm báo cáo... Ngày nối ngày cùng đồng nghiệp thức tới nửa đêm để hoàn chỉnh hồ sơ, lên phương án thay đổi tên gọi, quy trình quản lý, ông cũng đề xuất tiếp tục sử dụng lại cán bộ, nhân viên của các viện bào chế dược có nhân thân tốt, trình độ cao.

Những nhân viên này từ chỗ nghi ngại, e dè, qua quá trình chứng kiến cán bộ giải phóng làm việc đã nể phục và tin tưởng hơn, nhiệt tình giúp đỡ, giải thích cặn kẽ mọi phương pháp, kỹ thuật bào chế thuốc tiên tiến nhất của các viện. Họ nấu thêm những phần cơm mang đến cho cán bộ tiếp quản ăn khuya và ngỏ ý muốn mua tặng Trần Tựu hai bộ đồ dân sự vì thấy ông chỉ mặc miết hai bộ quân phục. Họ lo ngại còn có tàn quân ẩn núp đâu đó sẽ nhằm vào bộ đội để ám sát. Trước tấm lòng của họ, Trần Tựu khéo léo chối từ: “Tôi cảm ơn tấm lòng của anh em đã chia sẻ với tôi. Tôi cũng được Ủy ban Quân quản cung cấp đầy đủ hết cả, nhưng tôi thấy mặc thế này thoải mái hơn”. 

leftcenterrightdel
Ông Trần Tựu cùng tác giả. Ảnh: TUỆ LÂM 

Hoàn thành công tác tiếp quản, dược sĩ Trần Tựu được cấp trên bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2/9 trên cơ sở sáp nhập 7 viện bào chế tư nhân. Bằng bản lĩnh và sự tận tụy với nghề, ông đã kết hợp với nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành dược để nghiên cứu thành công việc chiết xuất từ cây vàng đắng chất berberin; từ cây cỏ sữa lớn lá làm thuốc chữa bệnh lị và bệnh đường ruột; từ cây râu mèo sản xuất thuốc lợi tiểu; từ các cây tinh dầu Việt Nam để sản xuất dầu gió nâu, dầu gió xanh... Đặc biệt, ông đã nghiên cứu, ứng dụng thành công “Dây chuyền sản xuất dầu cao Sao Vàng xuất khẩu”, sản lượng bằng 50% của cả nước, thu về nguồn ngoại tệ lớn, góp phần kiến thiết quốc gia.

Sau này, dược sĩ Trần Tựu tiếp tục được đi đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II; giữ các cương vị: Tổng giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm SaVi, được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, ông vẫn luôn ghi nhớ những tháng ngày thanh niên sôi nổi và tràn đầy nhiệt huyết khi tham gia tiếp quản thành phố Sài Gòn-Gia Định...

PHẠM VÂN ANH