Lần duy nhất nói dối mẹ

Người viết bài có dịp gặp và trò chuyện với ông Nghiệp, 93 tuổi, tại nơi ông ở (phố Đông Quan, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) khi hai nước Việt-Lào đang sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 / 5-9-2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18-7-1977 / 18-7-2022). “Tôi được kết nạp Đảng vào tháng 10-1946, khi mới 17 tuổi. Hai năm sau, tôi xung phong tham gia đơn vị Quân tình nguyện sang giúp nước bạn Lào đầu tiên của Khu 5”, ông mở đầu câu chuyện về cuộc đời hơn 40 năm hoạt động cách mạng, gắn bó mật thiết với đất nước Triệu Voi.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Văn Nghiệp (thứ tư, từ phải sang) gặp lại các đồng chí lão thành cách mạng của Lào

tại Thủ đô Vientiane, tháng 8-1995. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ông Nghiệp kể, ban đầu, vì không đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe nên ông không được lựa chọn. Đến ngày đơn vị tập trung, trong số những đồng chí được lựa chọn của tỉnh Quảng Nam-quê hương ông-một người không thể có mặt do mẹ ốm nặng. Và kết quả là ông Nghiệp được triệu tập đi thay. “Tôi mồ côi bố từ khi mới lên 8, dưới tôi còn có 3 em nhỏ nên đến lúc lên đường tôi vẫn không dám nói sự thật với mẹ. Tôi nói dối là mình đi công tác ở Bình Định để bà bớt lo lắng. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong đời tôi nói dối mẹ. Đến năm 1953, khi mẹ mất, vì nhiệm vụ tôi không thể về được”, ông nhớ lại.

Người có ơn cứu mạng

Ông Nghiệp cùng đồng đội là một trong nhiều thế hệ con em của nhân dân Việt Nam đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ cách mạng Lào. Với ông, chặng đường mấy chục năm ấy tuy khó khăn, gian khổ nhưng đong đầy ân tình, đặc biệt, ông chưa bao giờ quên ơn nữ cán bộ Lào tên Bua Kommadam. Giọng ông xúc động: “Nếu như không nhờ có chị ấy thì có lẽ tôi đã không còn sống nữa”.

Năm 1955, sau chuyến công tác ở tỉnh Saravane, ông Nghiệp có ý định ghé vào một huyện của tỉnh Champasak để gặp một chuyên gia Việt Nam tên là Tấn. Do quãng đường xa xôi nên nếu đi theo đường giao liên bí mật qua từng bản đã bố trí trước thì ông sẽ không kịp đến nơi trước khi trời tối. May mắn thay, ông gặp một cán bộ của tỉnh Champasak và được đồng chí ấy bố trí một người trực tiếp dẫn đường. Đến địa bàn huyện, người dẫn đường giao ông cho một cụ già đang trông nương rẫy, nhờ đưa đến huyện ủy. Tiếc là đồng chí Tấn cùng các cán bộ của huyện ủy hôm ấy đều xuống cơ sở, không có ở nhà nên cụ già đành báo cho dân bản ra đón ông Nghiệp. “Do cụ già bị lãng tai, không nghe rõ nên chỉ hiểu đại ý người dẫn đường nói là cần đưa tôi đến huyện ủy. Cũng vì thế mà cụ già không thể giới thiệu tôi với dân bản một cách rõ ràng. Tôi lại không theo đường giao liên bí mật qua từng bản nên họ nghi ngờ tôi là người của địch đóng giả chuyên gia Việt Nam, nhằm thâm nhập nội bộ, bắt bớ cán bộ cách mạng như đã từng xảy ra trước đó. Tôi giải thích thế nào cũng không được. Thế là họ bố trí người trông chừng tôi cẩn thận. Trời càng tối, họ càng bàn tán sôi nổi cách xử lý “kẻ giả danh”, ông Nghiệp nhớ lại.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Nghiệp được người dân địa phương chào đón khi thăm lại vùng căn cứ kháng chiến ở Tây Nam Attapeu, tháng 4-1997. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Đúng lúc ấy, ông Nghiệp chợt nhớ vùng này có nữ cán bộ Bua Kommadam, vốn thân quen với ông khi cùng tham gia gây dựng cơ sở ở Tây Nam Attapeu trong kháng chiến chống Pháp nên đề nghị dân bản cho gặp. Nghe họ bảo rằng, nữ cán bộ ấy đã theo chồng đi tập kết ở Sam Neua, ông không biết xoay xở ra sao. Sau đó, các thanh niên trai tráng của bản mang củi chất thành đống to trước mặt ông, rồi đốt lên sáng rực cả góc rừng. Trời về đêm lạnh mà mồ hôi ông chảy ròng ròng. Bỗng từ trong đám đông, một phụ nữ chạy vội về phía ông. “Hóa ra lúc đầu, dân bản nói dối tôi để có thời gian đi báo tin cho chị Bua. Họ đốt đống lửa to để có đủ ánh sáng cho chị nhận diện. Chị Bua chạy đến ôm chầm lấy tôi, nói to: “Bà con ơi, đây là cục vàng của chúng ta đấy”. Nghe vậy, mọi người vui mừng vây quanh hai chúng tôi. Có cụ già nói rằng, thật là may cho tôi và cho cả bản bởi suýt xảy ra họa lớn. Trước khi chị Bua đến, có người đã đề nghị giao nộp tôi cho địch để lừa lại chúng, trong khi có người bảo rằng cứ xử cho êm chuyện. Vì thế mà tôi nhớ mãi ơn cứu mạng của chị Bua”, ông kể.

Sau này, mãi đến năm 1982, khi có dịp quay về Champasak công tác, ông Nghiệp mới gặp lại ân nhân của mình năm xưa. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi, hai chị em hàn huyên hàng giờ đồng hồ.

Những kỷ niệm với lãnh tụ Kaysone Phomvihane

Trong suốt hơn 40 năm hoạt động cách mạng, ông Nghiệp có 18 năm làm công tác nghiên cứu về Lào ở trong nước, 25 năm trực tiếp hoạt động bên Lào với 6 năm làm bộ đội tình nguyện và 19 năm làm chuyên gia giúp nước bạn. Đặc biệt, ông vinh dự có 10 năm được làm trợ lý cho đồng chí Kaysone Phomvihane-lãnh tụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, người đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng vững chắc cho quan hệ đoàn kết đặc biệt, mẫu mực, hiếm có Việt Nam-Lào.

Ông Nghiệp vẫn nhớ được đồng chí Kaysone Phomvihane đối xử như người thân trong gia đình. Trước mỗi chuyến công tác nước ngoài, nhà lãnh đạo Lào-người mà ông Nghiệp gọi một cách gần gũi là “cụ” mỗi khi nhớ đến-thường hỏi thăm xem ông có cần mua gì không. Vị trợ lý người Việt Nam luôn từ chối bởi ý thức rằng “không thể lợi dụng tình cảm của cụ để mang lại lợi ích riêng cho mình”. Thế nhưng, lần nào từ nước ngoài trở về, đồng chí Kaysone Phomvihane cũng đều tặng quà, có khi là chiếc đồng hồ, cũng có lúc là chiếc áo sơ mi hay chiếc áo khoác mà cho đến tận bây giờ, ông Nghiệp vẫn còn mặc. “Hằng năm, trước khi anh em trong tổ chuyên gia Việt Nam giúp Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Lào về quê đón Tết cổ truyền của dân tộc, bao giờ đồng chí Kaysone Phomvihane cũng mời dùng chung bữa cơm và có quà tặng từng người. Tình cảm của đồng chí đối với Việt Nam, với Bác Hồ rất chân thành. Trong quá trình làm việc, cụ luôn tôn trọng ý kiến của các chuyên gia Việt Nam”, ông Nghiệp kể.

Khi làm trợ lý cho đồng chí Kaysone Phomvihane, ông Nghiệp thuộc biên chế của Ban Đối ngoại Trung ương ở trong nước. Đến năm 1990, ông nhận quyết định nghỉ hưu của Ban Đối ngoại Trung ương. Biết tin, đồng chí Kaysone Phomvihane đề nghị ông ở lại thêm một năm để giúp theo dõi việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. “Tôi chính thức nghỉ hưu vào tháng 9-1991, kết thúc chặng đường 43 năm công tác, trong đó 25 năm trực tiếp giúp cách mạng Lào với 6 năm kháng chiến chống thực dân, 9 năm kháng chiến chống đế quốc và 10 năm làm trợ lý cho cụ Kaysone. Cả cuộc đời tôi trọn tình trọn nghĩa với cách mạng Lào. Tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước Lào trao tặng 3 Huân chương Issara (Huân chương Tự do) hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và 1 Huân chương Hữu nghị”, ông Nghiệp tự hào về những năm tháng công tác tại nước bạn Lào.

HOÀNG VŨ