Thiếu tướng Võ Văn Chót, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 khẳng định: “Trong 26 ngày đêm giữ TP Huế, từ góc phố, chiến hào, trường học..., ở đâu có bộ đội thì ở đó có anh chị em nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên. Dưới làn bom đạn của kẻ thù, những lời ca, tiếng hát của các nghệ sĩ là vũ khí, sức mạnh tinh thần cổ vũ, động viên quân và dân Trị Thiên vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết, bám đất, bám làng, tiếp tục chiến đấu, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Dư âm đó còn lan truyền vào cả đồng bào vùng địch kiểm soát, len lỏi vào tâm tư, tình cảm của binh lính phía bên kia và thức tỉnh ở họ lòng yêu nước để trở về với cách mạng”.

Với nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương (vợ cố nhạc sĩ Thuận Yến), ký ức về 26 ngày đêm năm ấy vẫn còn vẹn nguyên. Bà kể: “Ngay sau khi được lệnh vào TP Huế biểu diễn, đoàn tiến hành họp nhanh và quyết định chia thành 3 mũi xung kích. Mũi thứ nhất do đồng chí Nguyễn Thế Linh, Đoàn trưởng phụ trách cùng các nhạc công, ca sĩ, diễn viên kịch (gồm: Tuấn Anh, Ngọc Diễn, Thu Lưỡng, Thu Sen, Minh Trí) vào trung tâm thành phố biểu diễn phục vụ quân và dân nội thành. Mũi thứ hai do nhạc sĩ Thuận Yến phụ trách cùng 6 đồng chí ưu tú nhất của đoàn (gồm: Quý Hùng, Thu Hồng, Trần Bính, Hồng Nhung, Kim Yến và Trung Triệu) vào phía bắc, tiếp cận và biểu diễn ngay khi bộ đội chiếm được đài phát thanh. Mũi thứ ba gồm các thành viên còn lại theo hướng nam về đóng quân ở khu vực Cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy), sẵn sàng bổ sung cho hai mũi khi cần thiết và biểu diễn phục vụ quân, dân ở đây”.

leftcenterrightdel

 Đồng chí Lê Khả Phiêu (sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng-ngoài cùng, bên phải)

với các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên, năm 1970. Ảnh tư liệu

Gặp các cựu chiến binh Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân mới đây, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về những buổi biểu diễn của đoàn trong 26 ngày đêm ở Huế. Đó là buổi biểu diễn mừng chiến thắng tại Trường Trung học Gia Hội vào 10 giờ sáng 10-2-1968. Hôm đó có rất đông khán giả đến xem, hết chỗ ngồi, nhiều người phải xem qua cửa sổ, đứng ở hành lang và cả ngoài sân trường. Lần đầu nhân dân được xem những bài ca, điệu múa cách mạng, ai cũng háo hức, phấn khởi. Đáp lại tình cảm của mọi người, anh chị em trong đoàn đều cố gắng biểu diễn hết mình.

Có tiết mục được khán giả yêu cầu biểu diễn lại tới 3-4 lần. Đang biểu diễn, bất ngờ nghe tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời khiến chương trình phải tạm dừng, khán giả sơ tán để tránh nguy hiểm. Còn anh chị em văn công vẫn ngồi trong sân khấu chờ biểu diễn tiếp. Tiếng máy bay vừa dứt, lời ca, tiếng hát vang lên, hội trường lại đông kín khán giả. Ngày hôm sau, buổi sáng đoàn phục vụ bà con ở ngoại thành vùng Bãi Dâu, buổi chiều lại vượt cầu Đông Ba qua khu phố 2 Huỳnh Thúc Kháng biểu diễn tại Hội quán Quảng Trị. Người xem đông chật cả hội trường, tiếng vỗ tay kéo dài không dứt sau mỗi tiết mục.

Ca sĩ trẻ Hải Hà say sưa trình bày bài “Hát bên dòng sông Hương”, “Vượt mấy dặm đường về bến Văn Lâu” trong tiếng reo vui chào xuân mới những ngày giải phóng TP Huế của quân và dân nơi đây... Nghệ sĩ, diễn viên kịch Thu Hồng nhớ lại: “Buổi biểu diễn cuối cùng trước khi chia tay TP Huế có rất đông người dân, bộ đội và cả binh sĩ bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng đến xem. Kết thúc buổi biểu diễn, các mẹ ùa đến ôm chặt các diễn viên trong đoàn và khóc làm chúng tôi rất cảm động”.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ quân và dân TP Huế trong 26 ngày đêm, Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên vượt Trường Sơn mang lời ca, tiếng hát của mình đến với các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam và nhân dân Lào anh em. Tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa của đoàn đã đem đến cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân không khí tươi mới, tinh thần lạc quan cách mạng, tin tưởng vào ngày chiến thắng.

VÕ ĐÔNG