Tư lệnh xắn quần...

Dù ở Thủ đô ngót nửa thế kỷ nhưng chất giọng xứ Nghệ vẫn đậm đặc, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể: “Sau khi đất nước thống nhất, tôi nhận nhiệm vụ đi công tác thực địa tại quần đảo Trường Sa và các vùng biển nước ta ở Biển Đông. Trong thời gian đó, tôi có rất nhiều lần đi cùng đồng chí Giáp Văn Cương. Con người này thật đặc biệt với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Hải quân nhân dân Việt Nam”.

Sau khi đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, đồng chí Giáp Văn Cương nhanh chóng nghiên cứu thực tiễn, đề xuất với Đảng ủy Quân chủng xây dựng lực lượng hải quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tư lệnh Giáp Văn Cương chỉ đạo xây dựng các trung đoàn, lữ đoàn cơ động trực thuộc Quân chủng thành những đơn vị thiện chiến; xây dựng các căn cứ, các vùng hải quân, các lữ đoàn thuộc vùng và các cơ sở bảo đảm kỹ thuật trên bờ để phục vụ các lực lượng của vùng và Quân chủng; quy rõ trách nhiệm cho các lãnh đạo vùng trong việc bảo vệ khu vực biển được phân công... Qua đó từng bước nâng cao sức mạnh chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam. Một trong những vấn đề mà Tư lệnh Giáp Văn Cương rất trăn trở là công tác huấn luyện, rèn luyện bộ đội như thế nào để tác chiến thắng lợi. Vì thế, ông yêu cầu cán bộ, chiến sĩ hải quân phải nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tập trung huấn luyện, khai thác làm chủ vũ khí, trang bị để làm chủ biển, đảo của Tổ quốc...

leftcenterrightdel

Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trên đảo Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh tư liệu 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho hay, tên đảo Phan Vinh ở Trường Sa ngày nay chính do Tư lệnh Giáp Văn Cương đề xuất. Đầu năm 1978, Tư lệnh Giáp Văn Cương cùng một số cán bộ Quân chủng Hải quân ra Trường Sa cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo. Nhiều ngày đêm lặn lội khảo sát khu vực bãi ngầm, bãi cạn, đo độ nông, sâu của các bãi, đảo trong khu vực thềm lục địa; ông ví khu vực thềm lục địa phía Nam là sân, là thềm của căn nhà Việt Nam, nên phải có chiến lược lâu dài để bảo vệ biển, đảo.

Trong chuyến công tác này, tại đảo Hòn Sập, Tư lệnh Giáp Văn Cương và đoàn công tác nhớ tới câu chuyện về người lính hải quân dũng cảm-Trung úy Nguyễn Phan Vinh, Thuyền trưởng Tàu 235, Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125 Hải quân). Trong một lần vận chuyển vũ khí vào Nam, tàu của Nguyễn Phan Vinh gặp bão lớn, anh và đồng đội cố gắng điều khiển tàu vào tránh bão ở đảo Hòn Sập. Đầu năm 1968, Tàu 235 trên đường vào miền Nam làm nhiệm vụ thì gặp đội tàu tuần tiễu của hải quân ngụy bao vây. Không để lọt vào tay địch, Nguyễn Phan Vinh và đồng đội quyết chiến đấu với kẻ thù. 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. Xúc động khi kể cho bộ đội câu chuyện về người thuyền trưởng dũng cảm, Tư lệnh Giáp Văn Cương quyết định đề xuất lên trên, xin đổi tên đảo Hòn Sập thành đảo Phan Vinh như ngày nay.

Trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, thời gian 9 năm làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân, năm nào đồng chí Giáp Văn Cương cũng ra các đảo. Hình ảnh vị tư lệnh với bộ quân phục bạc màu, xắn quần qua đầu gối, lội hết bãi này sang bãi khác ở quần đảo Trường Sa để kiểm tra thực địa không còn xa lạ. Không kể sóng to, bão lớn, vì bộ đội, vì chủ quyền biển, đảo, Tư lệnh Giáp Văn Cương sẵn sàng vượt trùng khơi xông pha ra nơi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Có những lần mưa bão đang vào, sóng to, gió lớn rất nguy hiểm, nhiều đồng chí đề nghị Tư lệnh không nên ra biển nhưng ông vẫn quyết đi, vừa để kiểm tra vừa để động viên bộ đội yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Hình ảnh Tư lệnh Giáp Văn Cương lên thăm từng nhà giàn, ôm từng chiến sĩ vào lòng như người thân trong nhà, đến giờ Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh còn nhớ mãi.

Chiến lược bảo vệ biển, đảo Tổ quốc

Nhớ về Tư lệnh Giáp Văn Cương, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh không nén được cảm xúc: Với nhãn quan chính trị nhạy bén, năm 1986, đồng chí Giáp Văn Cương đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân phối hợp với cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam khảo sát xong hầu hết đảo nửa chìm, nửa nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, anh Cương nhận định: Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa sẽ khó bình yên. Và thực tế là, đầu năm 1988, nhiều tàu hải quân nước ngoài đã đưa quân xâm phạm khu vực quần đảo Trường Sa và chiếm một số đảo chìm của ta ở đây. Sau trận chiến đấu giữ Trường Sa năm 1988, Tư lệnh Giáp Văn Cương đã đề xuất nhiều chủ trương có tầm chiến lược, góp phần nâng cao sức chiến đấu của bộ đội hải quân, bảo vệ chủ quyền vùng biển và lãnh hải Tổ quốc.

Ngày ấy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh và Tư lệnh Giáp Văn Cương cùng một số cán bộ Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã đồng cam cộng khổ vượt những con sóng bạc đầu ra các đảo giữa trùng dương tâm sự, chia sẻ cùng chiến sĩ; lắng nghe, bàn bạc với chỉ huy từng đảo, từng con tàu tìm ra phương án bảo vệ từng đảo, cả quần đảo; xây dựng và phát triển ngày một vững chắc, xanh, đẹp hơn; đưa đón một bộ phận nhân dân ra làm ăn lâu dài ở đảo và các vùng biển của ta.

Những ngày đầu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh và Tư lệnh Giáp Văn Cương đến các đảo lớn như: Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Trường Sa Lớn, An Bang; rồi lần lượt đi khắp các đảo, đến các nhà giàn DK1: Tư Chính, Huyền Trân, Ba Kè... “Tôi và Tư lệnh Giáp Văn Cương đến các đảo, đặt chân lên từng đảo, chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, làm nhiệm vụ của bộ đội, chúng tôi rất cảm kích, xúc động trước sự hy sinh, tận tụy của những người lính Trường Sa, nhà giàn DK1, các biên đội tàu hải quân...”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói.

leftcenterrightdel
Duyệt đội hình hải quân trên biển. Ảnh: TRỌNG THIẾT

Ông vẫn nhớ như in ngày 7-5-1988, nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Quân chủng Hải quân, tại đảo Trường Sa Lớn, trong cuộc mít tinh của quân và dân trên đảo, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dõng dạc tuyên bố lời thề: “Chúng ta xin thề, trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắc nhở với các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa-một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”. Lời thề ấy được Tư lệnh Giáp Văn Cương yêu cầu các đơn vị trong toàn Quân chủng quán triệt và thực hiện nghiêm. Thấm nhuần lời thề ấy như tiếp thêm ý chí, nghị lực cho cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng trong thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng được giao.

SƠN BÌNH