Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả nước bước vào cuộc kháng chiến cực kỳ ác liệt, gian khổ, hy sinh. Nhiều phong trào, chương trình ủng hộ bộ đội được phát động. Chiều 17-11-1946, tại buổi lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ” tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lời Bác Hồ thật thấm thía, sâu nghĩa, nặng tình: “Nước ta được giải phóng là nhờ có xương máu của toàn dân và xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến... Ở hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp, ở tiền phương các binh sĩ phải chịu rét mướt... Bây giờ, tôi có hai chiếc áo rét. Một chiếc tôi mặc đã mấy năm nay và một chiếc của Ủy ban vận động “Mùa đông binh sĩ” vừa may biếu tôi. Cả hai chiếc tôi tặng các binh sĩ ngoài mặt trận”. Liền sau đó, Ủy ban vận động “Mùa đông binh sĩ” tổ chức bán đấu giá hai chiếc áo ấy để lấy tiền mua nhiều chiếc áo khác gửi cho bộ đội ngoài mặt trận.
Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20-SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật, tiền tuất cho thân nhân, tử sĩ”. Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh”, tháng 6-1947, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành họp ở Đại Từ (Thái Nguyên) nhất trí đề nghị lấy ngày 27-7-1947 là “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên trong cả nước. Để công việc triển khai cụ thể, nhanh chóng, hiệu quả, mang tính chất pháp lý, ngày 3-10-1947, Bác ký Sắc lệnh số 101-SL lập Sở và Ty thương binh, cựu chiến binh ở khu, tỉnh. Từ tháng 7-1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh-Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị số 223/CT-TW, ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27-7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ của cả nước.
Trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” (17-7-1947), Bác Hồ thay mặt đồng bào cả nước ghi công anh em thương binh và nhắc nhủ kêu gọi đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ họ: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Người dành sự quan tâm đặc biệt của mình tới anh em thương binh, bệnh binh, những người đã vì dân vì nước. Bị thương tật nên anh em vừa đau đớn về thể xác lại bất ổn về tinh thần nên rất cần sự động viên, giúp đỡ của đồng bào, đồng chí. Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và sự ứng xử đầy tình nghĩa “chị đau em xót”, “máu chảy ruột mềm”, với cương vị Chủ tịch nước, cũng đồng thời là tư cách đồng chí, anh em như trong một nhà, Bác Hồ đã thể hiện những hành động rất mực yêu thương, quan tâm hết lòng đến anh em, từ đó, khi thì Người gửi hiện vật, khi thì Người gửi tiền (thường là một tháng lương) “làm quà cho anh em”.
Sự quan tâm của Bác rất toàn diện, tới cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của thương binh, bệnh binh. Trong Thư gửi Hội nghị Quân y (tháng 3-1948), Bác yêu cầu: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Rất chú ý tới phương diện “tinh thần” nên trong lá thư nào Người cũng ân cần thăm hỏi, an ủi, động viên anh em. Người nhắc nhở ngành Quân y: “Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ”. Như vậy, Người rất đề cao tình thương giữa thầy thuốc đối với bệnh nhân. Người cũng rất hiểu tâm trạng anh em thương binh nôn nóng muốn mau khỏi bệnh để được ra trận, Người động viên và căn dặn: “Các chú đã anh dũng xung phong giết giặc. Nay bị thương tạm nghỉ ít lâu, Bác gửi lời thân ái chúc các chú mau khỏe, để sẽ đánh giặc nữa và dặn các chú cứ yên lòng dưỡng bệnh cho mau lành mạnh, chớ vội xin trở ra mặt trận”. Những câu nói thật chân tình, mộc mạc, giản dị ấy lại làm nổi bật lên một tư tưởng vì con người, quý trọng con người, coi con người quý hơn tất cả. Chỉ có sự thấu hiểu lẽ đời, thấu cảm lẽ người, đồng cảm nỗi đau, lời Bác mới có sức truyền cảm lớn như vậy. Đó là lời từ trái tim đến với trái tim!
Một mặt kêu gọi đồng bào thương yêu, giúp đỡ hết lòng, một mặt vẫn nhắc nhở anh em: “... cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần”. Ở một lá thư khác, Người yêu cầu thương bệnh binh: “Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân; - Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật; - Chớ bi quan chán nản. Phải luôn luôn cố gắng”. Như vậy, Người cũng rất quan tâm giáo dục họ về đạo đức cách mạng-cái gốc của cây nhân cách Bộ đội Cụ Hồ.
Rất mực đề cao, quý trọng con người nên với anh em thương binh, bệnh binh, Bác quan niệm, họ có thể “tàn mà không phế”, vẫn coi họ là những công dân có ích. Bác Hồ khuyên anh em phải năng lao động vừa để tạo ra của cải vật chất, vừa để nâng cao sức khỏe: “Anh em thương binh sẽ tùy sức mà làm những công việc nhẹ, như học may vá, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, giúp việc bình dân học vụ trong làng”.
Từ năm 1947 đến khi đi từ trần, hầu như năm nào vào dịp 27-7, Người cũng có thư thăm hỏi động viên gửi anh em thương binh và gia đình liệt sĩ. Từ ngày 27-7 dương lịch, chỉ còn mấy ngày nữa là bước sang tháng Bảy âm lịch, theo quan niệm nhân văn cổ truyền của dân tộc, là tháng “xá tội vong nhân”. Đấy là cách khơi gợi tình thương con người sâu sắc mà kín đáo, ý nhị: Người Việt thương cả những linh hồn xấu số, lang thang, cơ nhỡ. Chắc chắn với những anh hùng liệt sĩ vì nghĩa lớn mà hy sinh, thiệt thòi, sự tri ân sẽ tròn đầy. Càng thấy Bác vĩ đại, lớn lao vô cùng và cũng nhân hậu, tinh tế vô cùng!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ