Ngay sau đó, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Thiếu tướng, Tư lệnh Nguyễn Hữu An (sau là Thượng tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng) và Thiếu tướng, Chính ủy Lê Linh (sau là Trung tướng, Phó viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao, nay là Học viện Quốc phòng) thông qua kế hoạch hành quân. Với phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, lực lượng của Quân đoàn được tổ chức thành 5 khối, bảo đảm nguyên tắc chiến đấu binh chủng hợp thành.

Khối 1 gồm Sư đoàn 325 được tăng cường Trung đoàn Cao xạ 284, Tiểu đoàn Xe tăng, thiết giáp 4 và 2 tiểu đoàn công binh. Khối 2 gồm sở chỉ huy cơ bản, cơ quan Quân đoàn, các đơn vị trực thuộc, Sư đoàn Phòng không 673 và Trung đoàn Cao xạ 243. Khối 3 gồm Lữ đoàn Xe tăng 203 (thiếu 1 tiểu đoàn), Lữ đoàn Pháo binh 164, 1 tiểu đoàn công binh của Lữ đoàn 219. Khối 4 gồm Sư đoàn 304, được tăng cường Trung đoàn Cao xạ 245. Khối 5 là Sư đoàn 3 (Quân khu 5) sẽ sáp nhập vào đội hình hành quân của Quân đoàn từ Phan Rang.

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 làm chủ dinh tỉnh trưởng Ninh Thuận, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu

“Lần đầu tiên trong đời làm chỉ huy, tôi phải điều hành một đội hình lớn, có nhiều binh chủng, hành quân cơ giới tới hàng nghìn cây số như vậy. Qua vùng giải phóng, chúng tôi lập các đội tiền trạm và các trạm điều chỉnh đội hình. Vào nơi địch đang án ngữ thì tổ chức các chi đội đi trước, nhất là phải luôn luôn duy trì chặt chẽ mạng thông tin chỉ huy. Quân dừng ở nơi nào cũng được nhân dân giúp đỡ. Tôi nhớ khi đến một chiếc cầu hỏng, một gia đình ở gần đó chuẩn bị gỗ làm nhà, đã tự mang số gỗ đó giúp bộ đội sửa cầu. Trên đoạn đường từ Quy Nhơn vào Nha Trang, khối 4 thiếu xe, nhân dân Bình Định đã huy động cho mượn 56 xe ca, xe vận tải và cả người lái... Nhờ vậy cuộc hành quân của Quân đoàn bảo đảm tốc độ”-Thượng tướng Nguyễn Hữu An kể trong hồi ký.

Khi sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 2 tới Cam Ranh cũng là lúc có thông tin mới về tình hình địch. Bấy giờ, quân ngụy đã dựng lên một tuyến phòng thủ mạnh với khoảng 10 nghìn quân án ngữ ở thị xã Phan Rang, lấy Xuân Lộc là mũi nhọn với hy vọng chặn đứng cánh quân Duyên Hải của ta. Chúng lập Bộ tư lệnh tiền phương Quân khu 3 đóng tại Thành Sơn do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy.

Trước việc địch dùng không quân và tàu chiến cùng lực lượng tại chỗ chống trả quyết liệt, để nhanh chóng mở đường tiến, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định đưa Sư đoàn 325 vào chiến đấu. Ở tuổi 94, minh mẫn và khỏe mạnh, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, nhớ lại: “Hồi đó tôi là Trung tá, Phó tư lệnh Sư đoàn 325. Ngày 16-4-1975, Bộ tư lệnh Sư đoàn giao cho Trung đoàn 101 tổ chức binh chủng hợp thành, đảm nhiệm mũi thọc sâu theo Đường 1 đánh thẳng vào thị xã Phan Rang. Dẫn đầu đội hình là Tiểu đoàn 1 ngồi trên 20 xe tăng, thiết giáp, tiếp sau là các xe của Tiểu đoàn 2 và 3.

Chúng tôi còn bố trí một số khẩu pháo nòng dài 85mm và cao xạ 37mm cơ động trong đội hình, sẵn sàng ngắm bắn trực tiếp các mục tiêu mặt đất và trên không. Ngoài ra còn có Lữ đoàn Pháo binh 164 đi phía sau làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho đội hình thọc sâu. Phối hợp với mũi chính diện, chúng tôi đã tiến công một số mục tiêu trong thị xã và sân bay Thành Sơn”. Bị ta tấn công mạnh và bất ngờ, quân địch nhanh chóng rối loạn, không còn đủ sức chống cự. Sau hai giờ chiến đấu, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ thị xã và nhanh chóng tiến ra chiếm cảng Ninh Chữ và Tân Thành, bịt chặt đường rút của địch ra hướng biển. Một bộ phận phát triển theo Đường 1 đánh chiếm cầu Đạo Long và quận lỵ Phú Quý, khóa chặt đường bộ, không cho địch chạy về phía Nam.

Để ứng cứu, địch đã huy động hàng chục lần máy bay ném bom vào phía sau đội hình ta, đồng thời đưa quân từ Thành Sơn ra. “Trung đoàn 101 và lực lượng phối hợp đã kiên cường đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Trên đà thắng lợi, chúng tôi sử dụng xe tăng, thiết giáp chọc thẳng vào chiếm sân bay Thành Sơn. Toàn bộ quân địch hơn 1 vạn tên ở Phan Rang đã bị tiêu diệt, bắt sống và tan rã. Hai tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang cùng nhiều sĩ quan ngụy bị bắt”-Thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng, nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, kể.

leftcenterrightdel
  Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (bên phải) và Thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi kể chuyện chiến đấu. Ảnh: TUẤN TÚ  

Năm 2015, chúng tôi có dịp gặp đồng chí Vũ Thuộc, nguyên bí thư của Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An. Trong thời gian bên cạnh Tư lệnh Nguyễn Hữu An, ngoài nhiệm vụ ghi chép những chỉ thị, mệnh lệnh của thủ trưởng, ông còn cẩn thận ghi lại những chiến công của các đơn vị và giờ phút lịch sử giải phóng các thị xã, thành phố dọc Đường 1. “Những ngày ấy, hầu như không có đêm nào anh Nguyễn Hữu An ngủ trọn giấc. Tấm bản đồ tác chiến, một bình tông nước, một ống nhòm và một túi lương khô 702 luôn đeo bên mình. Anh sẵn sàng hành quân bộ hàng chục cây số như những chiến sĩ bộ binh, rồi ngồi ngay cạnh đường, dưới gốc cây xà cừ để chỉ huy bộ đội tấn công”-đồng chí Vũ Thuộc kể. Và dưới sự chỉ huy trực tiếp, sát sao, quyết liệt của Tư lệnh Nguyễn Hữu An cùng tập thể Bộ tư lệnh Quân đoàn 2, từ ngày 7 đến 16-4-1975, Quân đoàn đã phá vỡ phòng tuyến cửa ngõ của địch ở miền Đông Nam Bộ. Chỉ hơn 10 ngày đêm, Quân đoàn 1 được trang bị mạnh, hành quân cơ giới đã tập kết ở Bình Dương chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn từ hướng Bắc ngày 15-4-1975. Cùng ngày, Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên đến Dầu Tiếng, chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn từ phía Tây Bắc theo đúng kế hoạch.

Phòng tuyến của địch đã bị phá vỡ, chúng vội vàng xử trí chắp vá, bắt liên lạc với tàn quân của Lữ đoàn Dù 3 và các lực lượng địa phương quanh vùng để tổ chức ngăn chặn ta. Nhớ lại khoảng thời gian căng thẳng, giằng co quyết liệt ấy, đồng chí Nguyễn Hữu An từng kể: “Ngày 18-4, khối 2 của Quân đoàn tiến đến quận lỵ Tuy Phong. Hàng chục tàu chiến của địch ở ngoài khơi đã bắn phá dữ dội vào đoạn đường từ Tuy Phong tới ấp Vĩnh Hảo. Quan sát thấy tàu địch nằm trong tầm bắn hiệu quả, tôi lệnh cho Lữ đoàn 164 dùng pháo D74 và pháo 130mm bắn. Anh em triển khai thật nhanh trận địa pháo đặt gần Nhà máy nước suối Vĩnh Hảo, chuẩn bị rất nhanh phần tử bắn. Chỉ vài loạt đạn, ta đã bắn chìm 3 tàu chiến, các tàu khác vội vã chạy ra khơi. Cùng với pháo mặt đất, các chiến sĩ Sư đoàn Phòng không 673 đã quyết liệt đánh máy bay địch tới bắn phá. Một quả tên lửa vác vai A-72 của Thiếu úy Lê Đại Cương đã bắn rơi tại chỗ chiếc F-5 đang bổ nhào ném bom vào đoàn xe của Quân đoàn. Đại đội 10 cao xạ 37mm dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Lê Cấp Bằng cũng bắn cháy một chiếc F-5 khác. Thật tự hào về các đồng chí mình!”.

Tác chiến trong hành tiến, Quân đoàn 2 phối hợp với lực lượng tại chỗ đã giải phóng tất cả các vùng đất trên đường tiến của mình. Ngày 20-4, Tư lệnh Nguyễn Hữu An nhận được điện của Tư lệnh Sư đoàn 325 Phạm Minh Tâm báo cáo, bộ phận đi đầu đã tới Rừng Lá. Đến ngày 24-4, Quân đoàn 2 kết thúc cuộc “đánh trong hành tiến” có một không hai trong lịch sử. Quân đoàn đã vượt 3 quân khu của địch, đi mỗi ngày 100km, trải qua hàng chục trận chiến đấu hiệp đồng, đánh tan các đơn vị của địch gồm: Sư đoàn Bộ binh 2, Lữ đoàn Dù 2, Liên đoàn Biệt động quân 24 và 31, Trung đoàn 40, 8 tiểu đoàn bảo an, 500 tên cảnh sát dã chiến; bắt sống 2.162 tên địch, trong đó có 2 cấp tướng; đánh chìm 4 tàu, thu nhiều kho tàng, vũ khí, trang bị... Phối hợp với các hướng chiến dịch, ta đã đánh tan tuyến phòng thủ Sài Gòn từ xa, làm thất bại chiến thuật co cụm của địch, mở thông tuyến Đường 1 nối từ Huế đến cửa ngõ Sài Gòn. Theo kế hoạch, các lực lượng đã vào vị trí tập kết chiến dịch đúng thời gian quy định, sẵn sàng chờ lệnh tiến công tới sào huyệt cuối cùng của địch.

VĂN TÁM