Công việc của chúng tôi lúc ấy là rải đường dây bọc nối liền mạng lưới thông tin, phục vụ cho công tác chỉ huy chiến đấu. Đồng thời chúng tôi cũng có nhiệm vụ bảo vệ cho đường dây luôn luôn thông suốt.

Còn nhớ, tôi và hai chiến sĩ nữa họp thành một tổ bảo vệ đường dây. Chúng tôi trú ngụ trong một căn hầm nửa chìm nửa nổi ở trong khe núi. Hằng ngày, chúng tôi phải túc trực theo dõi, hễ đường dây có vấn đề là phải lập tức khắc phục, mà sự cố thường xuyên xảy ra nhất là đường dây bị bom địch đánh trúng.

Công việc ấy tuy có lúc rất nguy hiểm nhưng chúng tôi ít được tham gia trực tiếp chiến đấu nên không có gì đặc biệt. Với lòng khát khao của một người vốn ham mê sáng tác văn học, muốn được có mặt ở những nơi ác liệt nhất để tìm hiểu và nếm trải, tôi đã xin cấp trên được đi một chuyến dọc theo tuyến đường dây của chúng tôi trải dài từ phía bắc đến phía nam Đường 9, gọi là để viết bài cho Bản tin nội bộ của trung đoàn. Rất mừng là tôi được cấp trên đồng ý ngay và các đồng chí còn dặn dò phải hết sức cẩn thận vì không chỉ có máy bay địch thường xuyên đánh phá mà dưới đất cũng đầy bọn thám báo, chưa nói là các loại bom nổ chậm, mìn sát thương chúng còn gài lại.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Anh Ngọc (ở giữa) cùng đồng đội trước khi vào chiến trường Quảng Trị.

Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Buổi sáng tôi lên đường là ngày 29-5-1972, nhằm ngày 17 âm lịch, một mình khoác ba lô, đeo một khẩu súng lục bên hông và ra đi. Ngày ấy từ cấp chuẩn úy trở lên mới được mang súng lục, mà lúc ấy tôi chỉ là anh lính binh nhì, nên cũng rất lạ lẫm.

Sau một đêm nghỉ lại ở một tổ bảo vệ đường dây ở phía nam Đường 9, sáng hôm sau, tôi bước ra Đường 9, ngay chỗ ngã ba Tân Lâm, nơi có khẩu pháo “vua chiến trường” của địch còn bỏ lại sau khi chúng tháo chạy. Một cảm giác kỳ lạ ùa vào trong tôi. Tôi ghi vào nhật ký: “Con Đường 9 lừng danh có một đời sống lịch sử lâu dài, đẫm máu qua hai cuộc chiến tranh của dân tộc, giờ đây im ắng lạ thường. Vắt qua những triền núi thấp, trôi giữa cỏ gianh và những bụi cây thấp. Mặt đường rải nhựa, pha bê tông, dày và rộng, dễ phải đến trên 10m... Tiếng chim tu hú gọi vang bên sườn núi. Chim chào mào, chim chàng làng, chim chèo bẻo... toàn thứ chim quen thuộc của làng xóm Việt Nam. Máy bay OV-10 của địch cứ quần liên tục nên phải trú lại...”.

Tôi tiếp tục trú lại một đêm nữa với một tổ bảo vệ đường dây ở trong một cái cống ngay dưới lòng Đường 9. Một đêm tá túc không thể quên. Sáng 31-5-1972, tôi bước ra khỏi cống và một mình lầm lũi bước dọc Đường 9, ngang qua căn cứ của địch vừa bỏ chạy còn ngổn ngang xe tăng, vũ khí và chưa tan mùi khói súng. Dù dưới mặt đất, bộ binh địch ở nơi này đã bị đánh tan, nhưng bầu trời vẫn thuộc về chúng. Liên tục trên bầu trời tiếng máy bay trinh sát OV-10, loại máy bay vo ve dai dẳng rất khó chịu, hễ thấy dưới mặt đất có mục tiêu là nó bắn pháo khói xuống để chỉ điểm và gọi máy bay đến ném bom ngay lập tức. Vì thế tôi vừa đi vừa ngước nhìn, hễ thấy máy bay OV-10 là phải nhảy vội vào lùm cây bên đường để nấp.

Trong một lần như vậy, tôi nhảy vào bụi lau và giẫm ngay vào một lùm cây xấu hổ, mà ở quê tôi gọi là cây thẹn và có nơi gọi là cây trinh nữ. Gai xấu hổ cứa chân tôi đau đớn, nhưng tôi lại thích thú khi nhìn loài cây này đang khép vội những nhánh lá nhỏ li ti. Và chỉ một lúc sau, những nhánh lá li ti ấy lại từ từ mở ra như những con mắt nhỏ ngước nhìn lên. Nhìn hình ảnh đáng yêu của loài cây này, tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh e ấp của những cô gái mà mình từng gặp ở đâu đó trước đây và một ý thơ chợt vụt lên khiến tôi sung sướng khôn xiết, đến nỗi quên cả cái chân đang đau do chính cái cây này gây ra...

Sau đó, tôi còn tiếp tục cuộc hành trình đi dọc con đường dây chạy hun hút về phía nam, vượt sang bên kia dãy núi cao và chỉ dừng lại khi đến trạm bảo vệ đường dây của bạn tôi đang đóng ở làng Cùa, thuộc vùng đồng bằng của huyện Cam Lộ. Ở đấy mấy hôm rồi tôi mới quay về. Những chuyện ấy tôi đã viết trong những bài thơ khác về sau cũng in trên Báo Văn nghệ như: “Lúa chiêm ở Cùa”, “Mưa trên mái tôn”, “Cỏ may”.

leftcenterrightdel
 Bản thảo bài thơ "Cây xấu hổ". Ảnh chụp lại

Sau khi về lại tổ bảo vệ đường dây của chúng tôi ở trong khe núi như đã nói ở trên, những lúc rảnh rỗi, tôi lại mở cuốn sổ tay mang theo bên mình không lúc nào rời để bắt tay vào công việc làm thơ, dựa theo những chất liệu sống và cảm xúc ngổn ngang mà chuyến đi vô cùng lý thú, bổ ích đã để lại trong tôi. Ngoài mấy bài thơ tôi vừa nói ở trên, phải thú thật không hiểu sao những hình ảnh bom rơi đạn nổ và hiểm nguy lại không hấp dẫn được tôi, mà chính cái hình ảnh e ấp cực kỳ thú vị của lùm cây xấu hổ lại cứ ám ảnh tôi không rời. Tôi ngồi bên con suối nhỏ chảy qua bên hầm trú của chúng tôi, mở trang sổ ra và ghi những ý tứ đầu tiên vụt đến trong đầu. Bài thơ “Cây xấu hổ” đã ra đời bên con suối nhỏ ấy, sau bao lần dập xóa, sửa đi chữa lại như trong bức ảnh trang bản thảo mà tôi còn giữ được đến tận hôm nay và gửi kèm theo bài này để “làm chứng” (những trang bản thảo gốc này, tôi đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự).

Còn nhớ, sau khi Báo Văn nghệ trao giải nhì cho chùm thơ của tôi, nhà thơ Xuân Diệu trong ban giám khảo có viết một bài dài nhận xét về cuộc thi in trên 3 số báo liền, trong đó rất vui là ông dành cho tôi khá nhiều lời khen mà tôi rất cảm động và biết ơn. Riêng về bài thơ “Cây xấu hổ” thì nhà thơ Xuân Diệu nhận định nguyên văn như sau: “Trong các giải nhì, có chùm thơ của Anh Ngọc. Bài “Cây xấu hổ” của anh đã từ phản ánh sự vật nâng lên cấu tạo tứ thơ: “Bờ đường 9 có lùm cây xấu hổ/Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười...”. Như thế tức là cây xấu hổ, cũng gọi là cây thẹn, cây trinh nữ, vượt quá mức độ cây cối rồi... Nghĩ cho kỹ thì thơ là nhân những “lượng thông tin” của sự vật mà phát hiện những phản ánh và sáng tạo kỳ diệu trong tâm hồn người-Bài thơ này chứng minh cho điều tôi nói về cái sức “lục hóa” của tâm hồn chiến sĩ ta: Đây là bờ đường 9, giữa một vùng lửa cháy bom rơi!...”.

Nhà thơ Xuân Diệu đã nhận xét rất chính xác hai yếu tố làm nên giá trị của bài thơ này là làm cho loài cây xấu hổ này “vượt quá mức độ cây cối” và nói lên sức “lục hóa” tức là làm cho tươi xanh, như chúng ta vẫn nói là tinh thần lạc quan cách mạng trong tâm hồn các chiến sĩ chúng ta.

Cây xấu hổ

Bờ đường 9 có lùm cây xấu hổ

Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười

 

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi

Tất cả lộ nguyên hình trần trụi

Cây xấu hổ với màu xanh bối rối

Tự giấu mình trong lá khép lim dim

 

Chiến sĩ qua đây ai cũng bước rất êm

Khi bất chợt thoảng một bàn chân lạ

Cây vội vã nhắm nghìn con mắt lá

Nhựa dồn lên, cành khẽ ngả như chào

 

Người qua rồi bóng dáng cứ theo sau

Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm

Cây đã hé những mắt tròn chúm chím

Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo

 

Phút lạ lùng trời đất trong veo

Anh nghe có tiếng reo thầm gặp gỡ

Nhiều dáng điệu thoáng qua trong trí nhớ

Rất thân quen mà chẳng gọi nên lời

 

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi

Cây hiện lên như một niềm ấp ủ

Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ

Ướp vào trong trang sổ của mình

 

Và chuyện này chỉ cây biết với anh.

           Đường 9, ngày 31-5-1972

 

Nhà thơ ANH NGỌC