Tháng 12-1972, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 ném bom Hà Nội với tuyên bố sẽ biến Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá”. Trái ngược với ý đồ của chúng, đúng như Tố Hữu khẳng định: “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm” (Việt Nam máu và hoa). Những ngày cuối năm 1972, công lý và lương tri nhân loại đã bừng sáng trên mảnh đất và bầu trời Hà Nội. Trường ca đã làm tròn sứ mệnh ghi lại những phút giây lịch sử Hà Nội trong bi thương, hào hùng, chiến thắng. Ngàn năm sau lịch sử không quên những tội ác ghê rợn nhất của chủ nghĩa đế quốc: “Thế kỷ qua/ Thiên niên kỷ qua rồi/ Chẳng dễ gì quên những ngày tháng Chạp/ Bom trộn trời vào đất/ Đạn trộn ngày vào đêm.../ Bom B-52 rải vào nửa đêm/ Sớm mai thi hài xếp dọc đê Yên Phụ/ Mẹ chết rồi, con còn khóc đòi bú...” (Vương Trọng-Hà Nội của tôi).
    |
 |
Thủ đô Hà Nội yên bình hôm nay. Ảnh: HÒA AN |
Thời gian sẽ qua đi nhưng ký ức dân tộc không thể nào quên, không được phép quên những ngày khủng khiếp mà cả dân tộc này phải gánh chịu. Câu thơ của Vương Trọng tái dựng rất thật: “Bom trộn trời vào đất/ Đạn trộn ngày vào đêm”. Đạn bom nhiều đến mức xóa nhòa không gian, thời gian vật lý! “Sớm mai thi hài xếp dọc đê Yên Phụ/ Mẹ chết rồi, con còn khóc đòi bú”! Câu thơ đạt tới độ ám ảnh. Phải hiểu cụ thể thế này: Giặc Mỹ ném bom khu vực Yên Phụ với dã tâm phá cầu Long Biên, cây cầu huyết mạch của Hà Nội ngày đó và Yên Phụ thời điểm đó lại là nơi đông dân cư, có nhà máy điện, nhà máy nước phục vụ dân sinh. Chúng ném bom nhằm phá hủy hạ tầng giao thông, kinh tế và uy hiếp tinh thần, ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Và đây, những cánh bay của không quân lao lên bầu trời vít cổ kẻ thù, cùng các lực lượng làm nên chiến thắng: “Đêm B-52 khốc liệt/ Những cánh bay mặt đất/ Phóng lên trời/ Anh cháy sáng/ Anh nổ tung thiên thạch/ Anh hóa thành vệt chớp/ Ánh sao rơi...” (Nguyễn Đức Mậu-Mở bàn tay gặp núi).
Trường ca “Lòng chảo khác” của Anh Vũ lại liên tưởng chiến thắng ở “lòng chảo” Điện Biên Phủ năm 1954 đến “lòng chảo” Hà Nội năm 1972. Tuy tương phản về mô hình nhưng thật giống về ý nghĩa với “lòng chảo” Điện Biên Phủ: “Đừng quên 1972/ Mười tám năm sau Chiến thắng Điện Biên/ Khối bộc phá nghìn cân lật tung đồi A1/ Lật tung lòng chảo đất/ Đến/ Mười hai ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”/ Tên lửa đạn pháo cao xạ đỏ lừ thảm bom Thủ đô Hà Nội/ Úp chụp lòng chảo trời/ Xác B-52 còn cắm bùn ao làng hoa Ngọc Hà...”.
Nếu ví bài thơ như là một con sóng thì trường ca là những lớp sóng, hết lớp này đến lớp khác vỗ vào trái tim độc giả. Trường ca đòi hỏi tầm vóc quy mô lớn, có kết cấu phức hợp theo kiểu dàn hợp xướng nhiều bè, đa giọng, kết cấu nhiều tầng bậc, lớp lang, trùng phức những lớp không gian, thời gian. Lại có thể hình dung trường ca là một cơ thể thì xương sống là cốt truyện (tự sự) còn máu huyết, da thịt là thơ (trữ tình). Bao quát một không gian bề thế, dài về câu chữ, phong phú về chi tiết, đa dạng về nhân vật, không ngẫu nhiên Hà Nội, Trường Sơn là những địa danh có mặt nhiều nhất trong trường ca đương đại. Cũng vì thế, trường ca phải luôn tìm tới những điểm tựa. Đó có thể là cảm hứng về một chiến dịch, về một trận đánh lớn. Một điểm tựa mới mẻ của nhiều trường ca viết về trận “Điện Biên Phủ trên không” là điểm tựa đạo lý. Kẻ thù mang bom đến hòng hủy diệt một Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam là vi phạm trắng trợn chân lý lịch sử và đạo lý loài người. Hô ứng với thực tế cuộc sống, trường ca đã kiến tạo một giọng điệu mới-giọng chất vấn hoài nghi mà biểu hiện ra bên ngoài cú pháp là các dấu hỏi, rất nhiều câu hỏi: “Nhiều đêm nhìn sao trời. Tôi tự hỏi/ Không biết ở nơi cách ta hàng triệu năm/ Ánh sáng/ Có tinh cầu nào cuộc sống sinh sôi/ Có tinh cầu nào không chiến tranh...?” (Mở bàn tay gặp núi); “Hòa bình bị phản bội/ Rồi sao?/ Lời hứa hẹn ngọt ngào chỉ là giả dối/ Hay sao?... (Hà Nội của tôi).
Như một dòng chảy thao thiết giữa hai bờ tự sự và trữ tình, trường ca phải có ngôn ngữ tự sự, mà đặc trưng nổi bật là ngôn ngữ kể. Điều này lại liên quan đến điểm nhìn. Có rất nhiều điểm nhìn trong thế giới trường ca. Nhân vật trữ tình “tôi” tự kể lại câu chuyện của đời mình hoặc “tôi” biết nên rất thật. Nhờ thế mà các chi tiết hiện lên rõ mồn một, cụ thể, chính xác: “Mùa đông 1972/ 18 tháng 12/ 19 giờ 44 phút/ Quả tên lửa đầu tiên vào cuộc.../ 29 tháng 12/ 23 giờ 16 phút/ Chiếc B-52 cuối cùng/ Đã rụng xuống...” (Hà Nội của tôi). “Ga Hàng Cỏ trúng sáu trái bom/ Ngôi nhà cổ bị chia làm ba khúc...” (Vũ Đức Tân-Đất sóng).
    |
 |
Một số trường ca về Hà Nội của các tác giả đã xuất bản. Ảnh: NGUYỄN THANH
|
Khi câu chuyện này là của “tôi”, do “tôi” kể lại, tác phẩm sẽ đậm tính tự truyện. Cho nên, phẩm chất cao nhất của các trường ca là tâm huyết, chân thành, chân thực. Các nhà thơ đã viết những thiên phóng sự bằng thơ về chiến tranh. Những giọng kể của các thiên phóng sự hình như có lúc bất lực trước các sự kiện, tình huống, không thể đủ ngôn từ diễn tả đành nhờ đến một giọng kể, một điểm nhìn khác (?). Có thể gọi đó là ngôi kể khách quan, của một người nước ngoài, là một ký giả, là một ca sĩ...: “Giôn Baê/ giọng hát hay của Mỹ/ chị nhìn vào những căn nhà đổ nát/ chị nhìn những xác người.../ chị ngửi thấy mùi cồn/ chị thấy tanh mùi máu/ - bi kịch này là của nước Mỹ/ chị xấu hổ là một người dân Mỹ...” (Đất sóng); “Đến đây/ Nhà báo phương Tây/ Vừa chụp ảnh vừa khóc/ Qua đây/ Nữ ca sĩ Mỹ trứ danh/ Chẳng dám nhìn, lấy tay che mặt/ Đôi vai rung lên trong tiếng nấc...” (Hà Nội của tôi). Đây là một cách khách quan hóa ngôi kể: Tội ác của Mỹ có cả người Mỹ chứng kiến, các nhà báo nước ngoài chứng kiến! Thì ra không phải là chuyện nhiều ít về vốn ngôn từ mà là một thủ pháp kết tội: Tội ác của đế quốc Mỹ có chính người Mỹ ghi nhận. Thế là từ địa vị nhà thơ, các tác giả lại trở thành những vị quan tòa của tòa án chống chiến tranh kết tội những kẻ chống lại nhân loại!
Nguyên tắc lấy lịch sử làm nền để xây tòa tháp trường ca không mới. Nó dễ biến tác phẩm thành diễn ca lịch sử nếu tác giả không phải là người thợ tài hoa. Các nhà thơ rất ý thức được điều này nên ngoài cảm hứng về lịch sử đã chú ý khai thác các yếu tố văn hóa, hòa trộn chất liệu văn hóa với ý nghĩa lịch sử tạo ra một điểm tựa kép nâng đỡ thi phẩm. Đó cũng là hai nguồn cảm hứng để tạo ra hai âm hưởng chủ đạo là âm hưởng tráng ca của lịch sử hào hùng và âm hưởng trữ tình văn hóa dân gian sâu lắng da diết, bổ sung cho nhau, nâng đỡ nhau làm nên một sắc điệu riêng của trường ca. Bạn đọc thấy rõ hơn trong chiến thắng oanh liệt của hiện tại có sự tiếp sức của văn hóa lịch sử trong quá khứ. Hà Nội, 12 ngày đêm năm 1972 sống lại những trang hào hùng của Thăng Long-Đông Đô thuở trước: “Hà Nội bồng bềnh không gian thần thoại.../ Hà Nội bịt bùng lưới lửa.../ đất nỏ thần/ rồng lửa bay lên...” (Đất sóng). Hình tượng đất nỏ thần gợi về truyền thuyết An Dương Vương xây loa thành, cha ông ta từng có thứ vũ khí thần kỳ đuổi giặc, rồng lửa bay lên có nghĩa gốc gợi về truyền thuyết đất Thăng Long là đất rồng bay!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ