Cánh chuồn kim say miền bão lửa

Hai nữ nhà thơ ấn tượng năm 2022 Huệ Triệu và Trần Mai Hường hẹn chúng tôi tại nhà riêng của nhà thơ Đặng Nguyệt Anh ở quận 7, TP Hồ Chí Minh để phối hợp với biên tập viên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) thực hiện chương trình về thơ. Từ nhiều năm nay, nhà riêng của “chị Cả” đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của các nhà thơ ở Thành phố mang tên Bác, nhưng với chúng tôi thì đây là lần đầu tiên. “Chị Cả” Đặng Nguyệt Anh nhuận sắc và trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi “cổ lai hy”. Từ khi thế hệ chúng tôi còn chưa sinh ra thì chị đã được những đồng nghiệp cùng thời coi như một người hùng, ròng rã hết xuân đến hạ đi bộ vượt Trường Sơn vào Nam tham gia kháng chiến.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh và tác phẩm "Thơ lẻ" mới xuất bản của chị. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Câu chuyện ngỡ như cổ tích của chị đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ cùng thời. Nguyên mẫu Đặng Nguyệt Anh đã đi vào nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật sân khấu, điện ảnh... của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Bản thân chị cũng đã thể hiện những dấu ấn sâu sắc của cuộc đời mình trong các tập thơ. Lần này, trong số các nhà thơ tiêu biểu của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh được HTV giới thiệu tác giả, tác phẩm, Đặng Nguyệt Anh là cái tên tạo ấn tượng mạnh với ê-kíp thực hiện chương trình. Ký ức kháng chiến với những câu chuyện cảm động về nếp nhà, tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa... và ngọn lửa yêu nước rừng rực cháy trong trái tim tuổi trẻ của chị như những thước phim cận cảnh quay ngược, khiến các nhà thơ trẻ thán phục.

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh sinh năm 1948 tại Trực Ninh, Nam Định. Tuổi thơ và thanh xuân của chị gắn bó với dòng sông Ninh êm đềm, thơ mộng. Con sông quê hương, vì thế, đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của chị. Vào tuổi hai mươi, chị được chọn đi học sư phạm hệ 7+2 tại trường sư phạm tỉnh Nam Định. Cô nữ sinh xinh đẹp lọt vào “mắt xanh” của thầy giáo cùng quê dạy toán Phạm Thanh Liêm. “Tháng Giêng sao quá vội vàng/ Sông Ninh bối rối ngỡ ngàng mùa yêu...”! Chị đã viết về tình yêu đầu đời dành cho thầy giáo của mình như vậy. Ngày chị tốt nghiệp, đi làm cô giáo dạy học thì mối tình thầy trò mới chính thức công khai. Cuối năm 1967, hai người làm đám cưới. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Phạm Thanh Liêm tình nguyện gia nhập đội ngũ trí thức trẻ lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Sau khi tham gia lớp huấn luyện do Ban Thống nhất Trung ương tổ chức, ngày 5-3-1969, Phạm Thanh Liêm khoác ba lô cùng đoàn trí thức trẻ vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Từ đó, cô giáo trẻ ở hậu phương vò võ ngóng tin chồng. Cuối năm 1971, một đồng đội của anh từ chiến trường miền Đông Nam Bộ ra Bắc công tác, báo tin cho chị biết, anh bị sốt rét ác tính kéo dài, sức khỏe yếu. Ruột gan như lửa đốt, lòng thương chồng vô hạn. Chị quyết định bỏ dở công việc ở Phòng Giáo dục huyện Hải Hậu (Nam Định), xin được vào chiến trường miền Nam phục vụ chiến đấu để có điều kiện chăm sóc chồng. “Biết rằng bom đạn gian nan/ Xin cha mẹ con vào Nam tìm chồng...”. Lý do chị thuyết phục gia đình đồng ý để thân gái dặm trường vượt Trường Sơn vào chiến trường là như thế. “Phận gái như cánh chuồn kim/ Lại say miền bão lửa...”! Ròng rã hơn 3 tháng trời băng rừng, trèo đèo, lội suối với trăm ngàn gian khổ, hiểm nguy, Đặng Nguyệt Anh được đồng nghiệp trí thức trẻ yêu nước tôn vinh là “Hoa hậu Trường Sơn”. “...Đội câu Kiều đi suốt Trường Sơn/ Dép cao su mòn đá/ Gót chân son không đợi dấu hài/ Dồn dập những trận bom tọa độ B-52/ Trường Sơn rùng rùng đất đá/ Vẫn mơ phương trời lạ/ Khát cháy lòng một ban mai...”.

- Thực hiện cuộc hành trình đầy gian khổ, hy sinh ấy, có lúc nào chị thấy nản chí, định bỏ cuộc không? - Chúng tôi hỏi.

- Không bao giờ! Ngay từ khi cất bước ra đi, tôi đã thề với lòng mình là sẽ đến đích bằng được. Trong hoàn cảnh tất cả cho tiền tuyến lúc bấy giờ, ai tình nguyện vào chiến trường cũng có ý chí, bản lĩnh ấy. Với tôi, cứ nghĩ đến anh là nguồn sức mạnh từ nội lực lại bùng lên...

Thanh thản tích nghĩa nhân

Ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, biết được cuộc hành trình của người vợ vào Nam tìm chồng, ai cũng cảm động. Đồng đội, đồng nghiệp bố trí đưa Phạm Thanh Liêm từ Căn cứ Trung ương Cục miền Nam lên Lộc Ninh (Bình Phước) chờ đợi thời khắc vợ chồng đoàn tụ. “Chiều hè vui thật là vui/ Cao su lòa nắng xanh trời Lộc Ninh/ Đi qua trăm thác nghìn ghềnh/ Gặp chồng con ngỡ là mình chiêm bao...” - cảm xúc giây phút vợ chồng gặp nhau đã được chị tái hiện trong thơ. Hai người ôm chầm lấy nhau, mừng vui, xúc động khóc không thành tiếng. “Ngày gặp lại, tôi không cầm được nước mắt khi thấy cơ thể anh gầy tong teo, nhỏ thó như một con mèo trên cánh võng. Anh ốm yếu quá nên dù được tổ chức quan tâm cũng không đủ sức ra Bắc chữa bệnh. Nếu tôi không vào kịp, chắc anh không sống được bao lâu nữa” - Chị nghẹn ngào hồi tưởng.

Đặng Nguyệt Anh được cấp trên điều về Tiểu ban Giáo dục, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam công tác cùng chồng để tiện chăm sóc anh. Hơi ấm tình yêu và sự ân cần chăm sóc của chị giúp anh bình phục. Những năm tháng ở chiến khu, anh chị tham gia dạy học, biên soạn tài liệu, viết sách giáo khoa... góp phần duy trì, phát triển sự nghiệp giáo dục kháng chiến. Nơi gian khổ, ác liệt của chiến tranh, tình yêu vẫn đơm hoa kết trái. Con gái đầu lòng của anh chị chào đời trong lòng chiến khu như một câu chuyện cổ tích về tình yêu.

Năm 1975, vợ chồng anh chị tham gia tiếp quản Sài Gòn. Anh Liêm làm Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng ở một trường đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, chị tiếp tục học lên đại học rồi làm giáo viên dạy văn tại Trường THPT Marie Curie. “Đất nước thống nhất, chúng tôi muốn trở về quê hương tiếp tục công tác, nhưng được các anh ở Bộ Giáo dục động viên, vận động ở lại TP Hồ Chí Minh làm nòng cốt tham gia xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục cho thành phố. Mình đã đi qua những năm tháng gian khổ, ác liệt nhất trong chiến tranh nên chẳng nề hà bất cứ nhiệm vụ gì. Thế là TP Hồ Chí Minh trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi từ đó”, chị kể.

Vừa làm công tác giảng dạy, vừa nuôi dưỡng, phát triển niềm đam mê sáng tác văn học, Đặng Nguyệt Anh lần lượt cho ra đời nhiều tác phẩm tạo tiếng vang trong giới chuyên môn và độc giả. Thơ chị có nét dịu dàng chân quê, mang nét đẹp gia phong của người phụ nữ con nhà gia giáo bên bờ sông Ninh; có ký ức khói lửa đạn bom quyện trong tình yêu Tổ quốc và khát vọng hòa bình, thống nhất cháy bỏng; có tình yêu đôi lứa nồng nàn và lòng nhân hậu, bao dung... Những năm gần đây, các sáng tác của Đặng Nguyệt Anh thể hiện triết lý nhân sinh và nghĩa tri ân rõ nét. Và dù sáng tác về đề tài gì, thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật nào thì bao trùm lên tất cả tác phẩm của Đặng Nguyệt Anh vẫn là tính dân tộc, ý thức bảo tồn di sản, văn hóa dân tộc.

Thơ là người! Đặng Nguyệt Anh được anh chị em đồng nghiệp, nhất là thế hệ văn nghệ sĩ đi sau yêu quý, kính trọng như người chị cả trong đại gia đình ở sự chỉn chu, trân quý nếp nhà và nghĩa tri ân. Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày hiến trọn thanh xuân cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trên giá sách và các không gian văn hóa trong ngôi nhà của chị vẫn vẹn nguyên những bức liễn được viết bằng mực tàu, bút lông, giấy dó. Đó là những nét chữ như “phượng múa rồng bay” của thân phụ chị, một nhà Nho nổi tiếng bên bờ sông Ninh. Đó là chữ dạy đạo làm người của người xưa, được thân phụ chị chắt lọc từ hàng nghìn trang sách để lại cho con cháu. Qua thời gian, nó trở thành những vật gia bảo vô giá. Chị trân quý và lấy đó làm phương châm sống, thiên hướng sáng tác của cuộc đời mình...

Tuổi cao, sức yếu, sau khi bị dịch Covid-19 hành hạ, sức khỏe của chồng chị suy giảm nhiều. Hiện anh phải nằm một chỗ nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Nhìn cách chị chăm chồng, nghe tiếng chị động viên chồng, chứng kiến tận mắt căn phòng tươm tất, ấm áp, sạch sẽ, thơm tho... chị bố trí để chồng dưỡng bệnh dưới bàn tay chăm sóc của chị, tất cả chúng tôi đều nghẹn ngào xúc động, càng thêm cảm phục, cảm mến chị nhiều hơn.

Đến với không gian cuộc sống, không gian văn hóa của nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, chúng tôi liên tưởng đến thông điệp văn hóa mà Đảng ta đang bảo tồn, xây dựng. Tính dân tộc, tâm hồn dân tộc, bản sắc dân tộc... trong môi trường văn hóa, văn học-nghệ thuật được thể hiện từ những dẫn chứng, những câu chuyện rất bình dị mà sinh động như thế. Và cách để văn nghệ sĩ thực hiện sứ mệnh cao cả ấy cũng bắt đầu từ những con người, những không gian cuộc sống rất cụ thể và thuyết phục như thế...

NGUYỄN PHAN