Trong chiến dịch phản công ở Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào) mang tên “Chiến dịch 139”, theo tôi được biết, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312) của chúng tôi đã đánh 158 trận lớn, nhỏ, diệt gọn 3 tiểu đoàn địch, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn khác, loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.500 tên địch, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, thu và phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Với những thành tích trên, tất cả đại đội, tiểu đoàn của Trung đoàn đều được tặng thưởng Huân chương Chiến công. 98 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân chương các loại, 576 cá nhân được tặng danh hiệu dũng sĩ.

Cuối tháng 8-1970, Trung đoàn 165 cùng với đội hình của Sư đoàn 312 được lệnh hành quân về nước, đứng chân tại địa bàn huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa để tổ chức rút kinh nghiệm, tổng kết chiến dịch. Vinh dự cho Tiểu đoàn 4 của chúng tôi, lực lượng chủ yếu của Trung đoàn suốt chiến dịch, đã nhận được phần thưởng cao nhất so với các đơn vị trong Trung đoàn: Huân chương Chiến công hạng Nhất.

leftcenterrightdel
 Tác giả Nguyễn Đức Sơn (bên trái) cùng em trai. Ảnh do tác giả cung cấp

Tiểu đoàn 4 còn có một đặc điểm nổi bật đó là lực lượng nòng cốt trong đơn vị đều là con em của nhân dân huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Từ tháng 3-1967, trong buổi lễ giao quân cho Trung đoàn 165, lãnh đạo huyện Phú Xuyên thống nhất đặt tên truyền thống cho Tiểu đoàn 4 là “Đoàn Quang Trung B”. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc Chiến dịch 139, Đảng ủy Trung đoàn 165 có chủ trương tổ chức một đoàn đại diện con em của nhân dân huyện Phú Xuyên đang ở Tiểu đoàn 4 về báo công với cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện. Qua đó, tuyên truyền về thành tích chiến đấu của Tiểu đoàn 4 và những cá nhân là con em của nhân dân huyện nhà. Đồng thời bày tỏ sự biết ơn của đơn vị đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên trong phối hợp giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 từng bước trưởng thành.

Đoàn báo công gồm 5 người. Trưởng đoàn là Đại úy Vũ Văn Nhậm, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, thời điểm dẫn đoàn về huyện Phú Xuyên, anh là cán bộ tham mưu của Trung đoàn, quê ở xã Bạch Hạ. Các thành viên còn lại trong đoàn là những cá nhân có thành tích chiến đấu xuất sắc ở 4 đại đội, nhập ngũ tháng 3-1967 và đều quê ở Phú Xuyên. Đại đội 1 là chiến sĩ B40 Phùng Khắc Phường, quê ở xã Nam Phong, chiến đấu gan dạ, dũng cảm, thường đưa súng B40 vào sát lô cốt địch mới bóp cò nên hiệu suất chiến đấu rất cao. Trung đoàn đã phát động Phong trào học tập “Thế bắn B40 Phùng Khắc Phường”.

Đại đội 2 là tôi-Nguyễn Đức Sơn, Trung đội trưởng Trung đội 4, quê ở xã Bạch Hạ. Trong trận chiến đấu ngày 19-12-1969 ở Măng Mô, tôi (lúc đó là Trung đội phó) đã dũng cảm chỉ huy bộ đội tiêu diệt địch, chiếm lĩnh được trận địa theo phạm vi đã phân công, khi bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu; sau đó được đưa ra tuyến ngoài điều trị vết thương. Tôi bị 5, 6 mảnh đạn găm vào người, nhưng rất may, hầu hết chỉ vào phần mềm, nặng nhất là mảnh vào đầu. Tôi được kết luận mất 46% sức khỏe, là thương binh hạng 3/4. Nhưng ngay khi vết thương vừa lành, tôi đã xung phong quay lại chiến trường tiếp tục chiến đấu. Đại diện cho Đại đội 3 là Nguyễn Văn Khiếu, Tiểu đội trưởng xung kích, quê ở xã Phú Yên, trực tiếp tham gia chiến đấu 3 trận, trận nào cũng diệt được địch. Còn Đại đội 4 cử chiến sĩ B41 Nguyễn Đình Chiến, quê ở xã Liên Hòa, người đã trực tiếp chiến đấu 4 trận, diệt được nhiều mục tiêu địch, trong đó có 1 máy bay trực thăng ở sân bay Xiêng Khoảng.

Đón chúng tôi tại phòng họp của Huyện ủy Phú Xuyên có đầy đủ các đồng chí trong Huyện ủy và UBND huyện. Không khí buổi đón tiếp do đồng chí Bí thư Huyện ủy chủ trì rất chân thành, ấm áp nhưng cũng rất long trọng. Với chúng tôi, những người con sau gần 3 năm xa quê, bây giờ trở về được đón tiếp như thế đều rất phấn khởi và xúc động, tự hào, trong lòng chộn rộn bao cảm xúc.

Tại buổi báo công, đồng chí Vũ Văn Nhậm báo cáo về thành tích chung của Tiểu đoàn trong Chiến dịch 139, tiếp đó, từng cá nhân báo cáo thành tích chiến đấu của mình. Sau khi nghe hết các báo cáo, một số đồng chí cán bộ huyện đã hỏi kỹ thêm về những trận đánh, thành tích của các đại đội. Từng người lại nói rõ thêm phần của cá nhân mình. Riêng tôi, do đã là cán bộ trung đội, biết được tình hình chung nên bổ sung thêm phần thành tích của Tiểu đoàn. Do chúng tôi đều có thực tiễn chiến đấu nên báo cáo đều rất sinh động, được các đồng chí ở địa phương lắng nghe và hoan nghênh.

Kết thúc buổi báo công, lãnh đạo huyện đánh giá cao nội dung báo cáo, thành tích của chúng tôi và thống nhất cần được phổ biến đến đông đảo nhân dân trong huyện. Từ hiệu ứng buổi báo công của chúng tôi, sau khi quyết định tặng 5 con bò cho cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn để khao quân, lãnh đạo huyện Phú Xuyên còn làm công văn đề nghị Trung đoàn 165 cho đoàn được lùi thời gian về đơn vị, ở lại quê nhà tiếp tục báo cáo với nhân dân tại các cụm xã. Được đơn vị nhất trí, theo kế hoạch của địa phương, chúng tôi (trừ anh Nhậm trở lại đơn vị) đến các xã, cụm xã để báo cáo. Tôi được giao nhiệm vụ thay anh Nhậm làm trưởng đoàn.

Đoàn còn có một số buổi nói chuyện, báo cáo với cán bộ các cơ quan huyện, các xã và lực lượng đắp đê ở xã Quang Lãng. Những buổi nói chuyện này có tác dụng thiết thực, nhằm động viên, khích lệ thanh niên địa phương hăng hái lên đường nhập ngũ, thi đua lao động sản xuất, công tác, góp sức cùng tiền tuyến giết giặc lập công. Rất đông bà con, nhất là tầng lớp thanh niên đến theo dõi. Ngoài ra, còn có khá nhiều thân nhân của đồng đội chúng tôi, cả thân nhân các liệt sĩ, thương binh vừa mới hy sinh hoặc bị thương trong các trận đánh của chiến dịch. Rất nhiều người đến để vừa nghe thông tin chung, vừa hỏi thăm tình hình của con em mình. Do đó, sau các buổi nói chuyện, chúng tôi còn bố trí gặp gỡ mọi người để nói rõ thêm về những trường hợp cụ thể. Thật vinh dự cho chúng tôi khi được thay mặt đồng đội thăm hỏi, truyền tải tình cảm của anh em đến gia đình và cũng tiếp nhận những lời động viên, chia sẻ của từng gia đình đến các chiến sĩ. Cá nhân tôi rất tự hào, hãnh diện vì được đại diện đơn vị báo cáo thành tích và thăm hỏi các gia đình đồng chí, đồng đội ngay trên quê hương yêu dấu của mình. Hằng ngày, tôi mượn xe đạp của gia đình để cùng anh em trong đoàn đi các nơi báo cáo, từ sáng đến tối mà không biết mệt.

leftcenterrightdel
 Trung tâm huyện Phú Xuyên hôm nay nhìn từ trên cao. Ảnh: TÚ TRANG

Đối với chúng tôi, không có niềm vui nào sánh bằng việc mang lại niềm tự hào cho quê hương, bởi những đóng góp của bản thân trong chiến đấu đã góp phần giải phóng đất nước. Chuyến về báo công ở huyện nhà năm ấy mãi là một kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ của chúng tôi. Trở lại đơn vị, hành trang mang theo của mỗi chúng tôi có cả tình cảm, sự tin yêu của quê hương, gia đình để tiếp thêm quyết tâm chiến đấu đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SƠN (Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu-Cơ quan Bộ Quốc phòng)