Phạm Văn Nghị hiệu là Nghĩa Trai, sinh ngày 24-12-1805, tại xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên), tỉnh Nam Định. Ông đỗ Cử nhân năm 1837, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (còn gọi là Hoàng giáp) năm 1838 và được triều đình Huế (thời vua Minh Mạng) bổ vào làm việc ở Hàn lâm viện. Sau đó, ông giữ chức Tri phủ Lý Nhân (1839), rồi chuyển vào làm Biên tu Quốc sử quán ở kinh đô Huế (1841).

Sớm nhận thấy chốn quan trường lắm chuyện thị phi, năm 1846, ông giả lâm bệnh rồi từ quan, trở về quê mở trường dạy học. Trong suốt thời gian từ năm 1846 đến 1857, dưới sự dạy chữ và rèn người của Phạm Văn Nghị, nhiều thế hệ học trò đỗ đạt cao như: Nguyễn Khuyến, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Cao... Năm 1857, Phạm Văn Nghị được bổ làm Đốc học Nam Định. Cũng trong thời gian dạy học ở quê, ông đứng ra xin phép quan đầu tỉnh cho anh trai và 12 sĩ phu, văn thân các tỉnh Nam Định, Thái Bình đứng ra chiêu mộ trai tráng trong vùng lập trại Sĩ Lâm, sau trở thành làng Sĩ Lâm rồi phát triển thành tổng Sĩ Lâm (nay là 3 xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), tiến hành khai hoang vùng ven biển huyện Đại An, đồng thời tổ chức luyện tập võ nghệ cho các trai tráng để sẵn sàng ứng phó khi có biến.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước tình hình đó, Phạm Văn Nghị đã đi đầu trong giới sĩ phu Bắc Hà, giương cao cờ quyết chiến. Giữa năm 1859, thay mặt các học trò, Phạm Văn Nghị thảo một mật sớ mà người đương thời gọi là “Trà Sơn kháng sớ” (Sớ kháng nghị việc Pháp đánh vào Sơn Trà) lên vua Tự Đức, bày tỏ quyết tâm kháng chiến và đề xuất nguyện vọng được tổ chức một đội quân vũ trang vào Đà Nẵng cùng quân dân địa phương đánh giặc(2).

leftcenterrightdel
Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Được triều đình chấp thuận, cuối năm 1859, Phạm Văn Nghị chiêu mộ và chỉ huy đoàn quân nghĩa dũng gồm 365 người, trong đó có 5 cử nhân, 8 tú tài, hơn 10 học trò và những người là dân khai hoang ở trại Sĩ Lâm. Ông còn kêu gọi quyên góp được hơn 1 vạn quan tiền để chi dùng việc quân(3). Về biên chế, đoàn quân nghĩa dũng chia thành 7 đội, ghép làm 3 đạo, do Phạm Văn Nghị trực tiếp chỉ huy, Phan Văn Xưởng (bạn thân, người Quảng Nam) coi tiền đạo và Đặng Ngọc Cầu (học trò) coi hậu đạo. Trước khi vào Đà Nẵng, Phạm Văn Nghị đã định ra cách đánh cho đoàn quân nghĩa dũng: “Ban ngày thì trương cờ, đêm để trại trống, đào nhiều hầm hố, bày nhiều trận mai phục, cứ tùy cơ ứng biến thì quyết không thể hỏng việc”, hoặc biết tạo thế “thiên la địa võng” khiến cho địch “ở chỗ này thì mất chỗ khác, đến mệt vì phải điều binh chạy quanh”(4).

Ngày 29-2-1860, tại nhà Học chính Nam Định, Phạm Văn Nghị tổ chức cho đoàn quân nghĩa dũng làm lễ xuất quân lên đường vào Đà Nẵng, Quảng Nam đánh giặc, cứu nước. Đoàn quân Nam tiến đầu tiên này đi đường bộ và đường thủy nhanh chóng tiến vào phía Nam(5). Ngày 21-3-1860, đoàn quân vào đến kinh đô Huế. Lúc này, quân Pháp đã rút khỏi Đà Nẵng, chuyển hướng tiến công Gia Định. Phạm Văn Nghị xin vua Tự Đức đưa quân vào Gia Định để đánh giặc nhưng “vua không muốn phái đi Gia Định, bèn cho về cả”(6) và ban sắc cho ông 4 chữ “Tuế hàn tùng bách” (ví ông như cây tùng, cây bách trong giá lạnh mà vẫn cứng cỏi), thưởng 10 lạng bạc rồi ra lệnh cho đoàn quân nghĩa dũng trở lại miền Bắc(7).

Nguyện vọng vào Gia Định chiến đấu không được thực hiện nhưng tinh thần quyết chiến của Phạm Văn Nghị và đoàn nghĩa binh đã góp phần khích lệ các sĩ phu yêu nước cùng nhân dân ta quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp. Phạm Văn Nghị không thể kháng lệnh vua, đành dẫn đoàn quân quay ra đất Bắc.

Trở lại miền Bắc được vài năm, ông lại xin từ quan về quê dưỡng bệnh và tiếp tục dạy học. Đến năm 1867, Phạm Văn Nghị được vua Tự Đức bổ giữ chức Thương biện hải phòng sứ (đảm nhiệm việc trông coi bờ biển) tỉnh Nam Định. Trước âm mưu thực dân Pháp mở rộng tiến công ra các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, đoàn quân nghĩa dũng do Phạm Văn Nghị chỉ huy trở thành lực lượng nòng cốt cho nhân dân Nam Định kháng chiến. Kiên quyết ngăn chặn địch, ngày 5-12-1873, Phạm Văn Nghị trực tiếp chỉ huy đội quân đóng ở đồn Độc Bộ (thuộc xã Yên Nhân, huyện Ý Yên hiện nay), phối hợp với quân triều đình xây dựng hệ thống kè chắn ngang sông Đào, ngăn tàu chiến Pháp từ Ninh Bình tiến đánh thành Nam Định.

Phạm Văn Nghị chỉ đạo xây dựng xong hệ thống kè ngăn sông Đào thì ngày 10-12-1873, tàu chiến Pháp dưới sự chỉ huy của viên Thiếu tá hải quân Francis Garnier tiến vào khu vực đồn Độc Bộ. Trước ưu thế vũ khí, trang bị của thực dân Pháp, quân triều đình do lãnh binh Nguyễn Văn Lợi chỉ huy không chống cự mà bỏ chạy. Phạm Văn Nghị chỉ huy quân sĩ đóng ở đồn Độc Bộ kiên cường đánh chặn địch. Dựa vào đại bác thần công yểm trợ, quân của Phạm Văn Nghị chiến đấu từ 14 đến 17 giờ ngày 12-12-1873, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đánh hỏng nặng một số tàu chiến Pháp. Do lượng đạn thần công cạn dần, quân tăng viện và tiếp tế chưa đến kịp, lại bị quân địch phóng hỏa thiêu hủy đồn Độc Bộ, Phạm Văn Nghị phải lệnh rút quân về khu vực sau phủ Nghĩa Hưng phòng thủ. Mặc dù trận đánh ở Độc Bộ do Phạm Văn Nghị chỉ huy không thành công nhưng đã ngăn chặn, làm thất bại bước đầu âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Bên cạnh việc chỉ huy quân sĩ chiến đấu, Phạm Văn Nghị còn chỉ đạo chế tạo ra một loại vũ khí phục vụ chiến đấu trên bộ rất lợi hại có tên là “độc luân xa” (tức xe một bánh). “Độc luân xa” thực chất là “một loại lá chắn di động nhằm hạn chế hỏa lực của địch, tạo điều kiện cho quân sĩ của ta với dao, mã tấu, giáo nhọn tiếp cận địch đánh giáp lá cà với chúng”(8). Ngày 12-12-1873, Pháp chiếm thành Nam Định(9).

Nhằm tạo thế tiếp tục chiến đấu, ngày 25-12-1873, Phạm Văn Nghị rút quân về huyện Phong Doanh (nay thuộc huyện Ý Yên) chuẩn bị lực lượng, bổ sung vũ khí cho kế hoạch tiến công đánh chiếm lại thành Nam Định. Thế nhưng, ngày 15-3-1874, triều đình Huế lại ký với Pháp bản Hiệp ước Giáp Tuất, trong đó có điều khoản thừa nhận sự chiếm đóng của thực dân Pháp ở Nam Kỳ. Theo đó, triều đình Huế ra lệnh cho Phạm Văn Nghị phải giải tán toàn bộ lực lượng đoàn quân nghĩa dũng và cử ông làm Bang biện. Lấy cớ tuổi già, Phạm Văn Nghị xin nghỉ về dưỡng bệnh. Ông về ở ẩn tại động Liên Hoa (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) và mất ngày 11-1-1881(10).

Trong đội ngũ quan lại triều Nguyễn, Phạm Văn Nghị là một trong những viên quan có tầm suy nghĩ và hành động hơn hẳn so với nhiều quan lại đương thời. Từ một quan văn, Phạm Văn Nghị tự nguyện trở thành một võ tướng, chiêu mộ quân sĩ, chỉ huy đội quân nghĩa dũng đánh giặc. Mặc dù đội quân do ông chỉ huy chưa lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ 19 nhưng sự ra đời của đội quân gắn với tên tuổi Phạm Văn Nghị đã góp phần cổ vũ lòng yêu nước, quyết tâm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc.

 LẬP DƯƠNG

(1) “Danh nhân quân sự Việt Nam”, tập 3, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.103

(2) “Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam”, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.42

(3) “Đà Nẵng chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha (1858-1860)”, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr.138

(4), (5) “Phong trào kháng Pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ 19, bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.260, 261

(6) “Lịch sử Việt Nam”, tập 2, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.36

(7) “Đại Nam thực lục”, tập 7, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.655

(8) TS Đỗ Đức Hùng, “Danh tướng Việt Nam trong lịch sử”, tập 2, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr.97

(9) “Bách khoa thư quân sự Việt Nam, quyển 1: Lịch sử quân sự”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.820

(10) Sách “Văn học yêu nước và cách mạng Hà Nam Ninh”, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội (1981) ghi ông mất năm 1881. Sách “Từ điển bách khoa và website họ Phạm” ghi ông mất năm 1884. Sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” do Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quỳnh (chủ biên), NXB Giáo dục (2005), ghi ông mất năm 1880.