Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp theo chân những cán bộ chính sách của Quân khu 3, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình đi thăm các đối tượng chính sách ở đây. Về xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, chúng tôi đến thăm gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Tuyển, 87 tuổi. Mẹ có chồng và con trai lớn là liệt sĩ. Tuổi đã cao nhưng trí nhớ của mẹ vẫn minh mẫn. Khi chồng mẹ đi B năm 1968 rồi hy sinh, ông mới chỉ biết vợ mang thai người con thứ 5 chứ không hề biết mặt con. Năm 1972, ông hy sinh thì năm 1973 gia đình mới biết tin. Ngay sau lễ truy điệu liệt sĩ Trần Ngọc Tẩm, người con trai lớn Trần Ngọc Thưởng đã nói với các em: “Anh sẽ ra chiến trường để trả thù cho cha”. Anh nhập ngũ và hy sinh ở Tây Ninh năm 1977 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Đau đớn, mẹ tưởng đã cạn nước mắt khi khóc chồng, giờ lại đến người con trưởng hiền lành, tháo vát nhất của mẹ ra đi mãi mãi. Nhưng rồi mẹ cũng phải gượng dậy để nuôi con. Mẹ kể, từ ngày chồng, con mẹ hy sinh, mẹ luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của bà con xóm giềng và các tổ chức xã hội. Nay các con của mẹ đều đã khôn lớn, trưởng thành, người là cán bộ nhà nước, người làm nông nghiệp ở quê nhà. Mẹ rất vui bởi thường xuyên có người đến nhà thăm hỏi, động viên. Khi là các cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Đông Hưng-cơ quan phụng dưỡng mẹ đến khám bệnh, cấp thuốc, khi là các anh ở Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, cán bộ Ban CHQS huyện Đông Hưng đến thăm, tặng quà. Mẹ nói lời cảm ơn bởi luôn nhận được sự quan tâm chu đáo của các ngành, các cấp.
Chia tay mẹ Phạm Thị Tuyển, chúng tôi về huyện Vũ Thư, đến thăm gia đình chị Khiếu Thị Kim Cúc, vợ liệt sĩ ở thôn Bắc Sơn, xã Tự Tân. Theo Trung tá Bùi Văn Hiệp, Trợ lý Chính sách Ban CHQS huyện Vũ Thư, hoàn cảnh của chị Cúc rất khó khăn. Chồng chị, Trung tá QNCN Trần Tuấn Khanh, cán bộ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở Bình Định năm 2018. Khi anh hy sinh, chị Kim Cúc-giáo viên Trường Tiểu học Bách Thuận (xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư) vừa nuôi hai con nhỏ, vừa chăm sóc mẹ chồng già yếu. Nhiều lần đến thăm gia đình chị Cúc, nhận thấy căn nhà của chị đã xuống cấp nghiêm trọng, lại thấp hơn so với mặt Quốc lộ 10 hơn 1m nhưng gia đình không có điều kiện sửa chữa, tôn cao lên, các anh đã đề nghị cấp trên hỗ trợ. Khoản hỗ trợ 80 triệu đồng đã giúp gia đình chị có thêm điều kiện xây lại ngôi nhà mới.
Trên đây là hai trong hàng vạn người có công, gia đình chính sách được quan tâm, chăm sóc trong những năm qua của tỉnh Thái Bình. Được biết, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và qua các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình là một trong những tỉnh đóng góp sức người, sức của lớn cho cách mạng. Toàn tỉnh có hơn 51.000 liệt sĩ, hơn 32.000 thương binh, bệnh binh, gần 3 vạn người là nạn nhân chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, gần 6.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng bộ, nhân dân Thái Bình thường xuyên thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã trở thành phong trào sâu rộng, nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân.
Song song với việc thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công và gia đình chính sách, phong trào vận động thu, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng mở rộng và phát triển đã hỗ trợ các đối tượng chính sách trong việc xây mới, tu sửa, nâng cấp nhà ở, trợ cấp các đối tượng khó khăn, đầu tư cho công tác mộ chí, nghĩa trang liệt sĩ, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, hỗ trợ chăm sóc thương binh nặng.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Tiến Quang, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết: Thực hiện chính sách ưu đãi người có công và hậu phương quân đội, bằng tình cảm và trách nhiệm, trong những năm qua, LLVT tỉnh đã quyên góp và hỗ trợ từ ngân sách gần 15 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Ngoài ra, còn quyên góp tiền, vật chất, hàng vạn ngày công, xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, trị giá gần 30 tỷ đồng.
“Trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục kiến nghị, đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp với thân nhân người có công và thân nhân gia đình quân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, bảo hiểm xã hội. Mục tiêu của chúng tôi là đến hết năm 2030, sẽ hỗ trợ được hơn 20 gia đình có công với cách mạng, gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở từ nguồn đóng góp của Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hóa”, Thượng tá Nguyễn Tiến Quang khẳng định.
THU THỦY