Cuối tháng 4-2022, Đại tá Phan Minh Đảm bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Giọng nữ ở đầu máy bên kia giới thiệu: “Em là Nguyễn Thị Vinh, tự vệ phòng không Tiểu khu 1 Sở Dầu đây!”. Trong lúc đang phân vân có lẽ người ta nhầm máy, vì 50 năm qua ông không liên hệ với ai ở đây thì nghe bà Vinh nói tiếp: “Chúng em vừa lên thăm anh Bùi Đình Dư, Đại đội trưởng Đại đội 12. Em cảm ơn anh vô cùng. Nhờ bài viết của anh đăng trên Facebook mà chúng em thực hiện được ước vọng sau 50 năm”.

Thế rồi bà Nguyễn Thị Vinh kể cho ông Đảm nghe về hành trình đi tìm những người lính phòng không mà các bà đã phối hợp chiến đấu năm 1972. Ngày ấy, tiểu đội của bà Trần Thị Dung và Nguyễn Thị Vinh có nhiệm vụ tiếp đạn, sẵn sàng tải thương, khi pháo thủ hy sinh thì có thể thay thế ở một số vị trí. Bà Vinh cho biết, Tiểu khu 1 Sở Dầu có hai bạn Dung thì bố đều mất vì bom Mỹ. Bà Trần Thị Dung cùng tham gia tìm Đại đội trưởng Dư với bà là một trong hai người đó. Sau trận đánh ngày 10-5-1972, Đại đội Cao xạ 12 (Trung đoàn 240, Sư đoàn 363) có lệnh cơ động bảo vệ mục tiêu khác. Từ đó, tiểu đội mất liên lạc với đơn vị. Gặp lại nhau tại TP Hồ Chí Minh khi cả hai cùng chuyển công tác vào đây, bà Vinh và bà Dung quyết tâm tìm lại các anh bộ đội ở Đại đội 12 từng chiến đấu bảo vệ Sở Dầu năm 1972. Tuy nhiên, các bà chỉ nhớ được anh Dư, Đại đội trưởng, quê ở Nghệ An.

leftcenterrightdel

Các đồng đội (từ trái sang): Vũ Văn Phòng, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Vũ Bằng, Trần Thị Dung, Phan Minh Đảm, hội ngộ sau 50 năm.

 Ảnh do nhân vật cung cấp 

“Chỗ dựa duy nhất của chúng em là anh Hải, quê ở Hòa Bình, vì thời gian đó anh ở Trung đoàn bộ Trung đoàn 240 nên em gọi cho anh Hải nhờ giúp đỡ”, bà Vinh xúc động nói. Đầu tháng 4-2022, hai bà từ TP Hồ Chí Minh ra, theo giới thiệu của ông Hải, tìm vào Nam Đàn (Nghệ An) gặp ông Nguyễn Trọng Thuận, nguyên giảng viên Học viện Phòng không-Không quân. Cảm kích trước tấm lòng của hai người, ông Thuận đã nhờ đồng đội và những học viên sĩ quan của mình giúp đỡ. Lúc đầu, nghe tin ông Bùi Đình Dư ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), lấy vợ quê ở Nam Định, ông Thuận nhờ người dò hỏi hết các huyện ở Nam Định vẫn bặt vô âm tín. Ròng rã gần nửa tháng, ông dẫn hai người ra Quỳnh Lưu, dò danh sách từng xã vẫn không có tên ông Bùi Đình Dư. 

Đang lúc bối rối thì ông Thuận nhớ đến ông Đảm, liền nhập số điện thoại và bắt gặp trang Facebook cá nhân có tên Minh Đảm. Mọi khó khăn đã được mở nút thắt từ đây. Qua bài viết của ông Đảm đăng trên trang cá nhân, ông Thuận đã tìm thấy địa chỉ của ông Dư ở xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Dự kiến chiều 17-4-2022, bà Vinh và bà Dung sẽ bay vào niềm Nam. Nghe ông Thuận báo tin, bà Vinh vui mừng nói: “Anh đi tìm ngay đi! Em muốn biết cụ thể để còn đổi vé”. Mặc dù đã đến bữa ăn trưa nhưng ông Thuận vẫn tức tốc lên đường. Sau mấy tiếng đồng hồ, con trai ông Bùi Đình Dư đã nối máy để ông Dư nói chuyện với hai người. Bà Vinh nói tiếp: “Anh Dư khóc như trẻ nhỏ vì không thể ngờ có người đi gần 2.000 cây số, lặn lội nhiều ngày tìm mình”. Ngay hôm đó, bà Vinh, bà Dung và ông Hải vội vào Nghệ An, nghỉ lại nhà ông Thuận. 7 giờ ngày 18-4-2022, họ có mặt tại nhà ông Dư. Người đại đội trưởng kiên cường năm xưa nay tóc đã bạc trắng, đi lại khó khăn, ôm chầm các đồng đội một thời khói lửa. Hàng xóm biết ông Dư có khách quý cũng đến chúc mừng. Từ đó, những thông tin về cán bộ, chiến sĩ Đại đội Cao xạ 12 lần lượt được hé mở.

Trở về miền Nam trong niềm vui chưa vẹn tròn, bà Nguyễn Thị Vinh và bà Trần Thị Dung quyết định trở lại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 50 năm trận đánh bảo vệ khu Sở Dầu để hội ngộ cùng đồng đội năm ấy. Đại tá Phan Minh Đảm nhớ lại: “Ngày 8-5-2022, nguyên Chính trị viên Đại đội Cao xạ 12 Nguyễn Vũ Bằng được đón tiếp những vị khách đặc biệt. Đó là các chiến sĩ tự vệ phòng không Tiểu khu 1 Sở Dầu”. Sau tròn 50 năm, những người từng chiến đấu bảo vệ Sở Dầu năm xưa mới có dịp hội ngộ. Anh em tay bắt mặt mừng xen lẫn tiếc nuối bởi nhiều đồng đội đã không còn. Đại tá Phan Minh Đảm xúc động: “Đây như là dịp để chúng tôi nhớ lại những đồng đội đã hy sinh, những người đã sát cánh chiến đấu bên mình. Và điều thật trân quý là tình cảm, ân nghĩa của những nữ chiến sĩ vừa tròn 18 tuổi năm xưa, nay đã là các bà gần 70 tuổi, với những người lính Cụ Hồ”.

NGUYỄN SỸ LONG