1. Hành trang về chiến trường xưa của chúng tôi-những cựu chiến binh (CCB) B2 chỉ có tấm lòng và bộ quân phục phai màu. Nhìn những mái đầu nhuốm bạc mà thấy lòng bùi ngùi xa xót. Trên đường từ TP Hồ Chí Minh lên đây, chúng tôi gặp nhiều đoàn ngược chiều. Họ cũng là những CCB ở tuổi “xưa nay hiếm”, vừa làm xong công việc nghĩa tình-dâng hương trở về. Không phải ngày lễ, cũng chẳng là ngày kỷ niệm gì mà sao nhiều người đi như vậy? Tôi chợt hiểu, tri ân những con người quên mình vì nghĩa lớn là việc làm mọi lúc, mọi nơi. Bởi lẽ, đất nước thanh bình, người CCB nào cũng muốn tìm về nơi đã từng lăn lộn, thấm máu bao đồng đội của mình. Chúng tôi nhận ra nhau như ngày nào nhận ra nhau qua vành mũ tai bèo trên con đường Trường Sơn ngàn dặm.
Quốc lộ 13 phơi mình trong nắng sớm, thay vào những điểm chốt của địch xưa giờ là hàng quán sầm uất. Những cánh võng làm chúng tôi nhớ rừng. Ngày đó, Quốc lộ 13 được mệnh danh là con đường máu và nước mắt, bao nhiêu lần chúng tôi chết hụt khi vượt đường đưa hàng xuống vùng sâu. Cũng bao nhiêu lần chúng tôi trắng đêm nằm chờ lấy thi thể đồng đội. Giờ đây xe chạy bon bon, chỉ hơn một giờ là đến nơi, vậy mà khi ấy thấy sao xa xôi cách trở làm vậy. Bến Cát, Hớn Quản, Thiện Ngôn, Nha Thức... những cung đường, bãi hàng địch săn lùng đánh phá còn ám ảnh đến tận bây giờ.
    |
 |
Nhà tưởng niệm liệt sĩ Cục Hậu cần Miền (B2). |
Ngôi đền thiêng! Đấy là một quần thể khu di tích quốc gia bao gồm: Cụm nhà bia, nhà hội trường, nhà trưng bày lưu niệm truyền thống Cục Hậu cần Quân Giải phóng miền Nam. Nơi đây tưởng niệm hơn 9.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Tất cả tọa lạc trên một khu đất rộng chừng 1,5ha bên Tỉnh lộ 759B thuộc xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Chúng tôi bước tới khu tưởng niệm liệt sĩ, một không khí linh thiêng trang nghiêm bao trùm. Khói hương nghi ngút, những vòng khói hương cuộn tròn xoắn xuýt như sự giao thoa tình cảm giữa người sống và người đã khuất. Những bước chân nhè nhẹ như không ai nỡ làm xao động, dù chỉ một thoáng giây giấc ngủ vĩnh hằng của đồng đội. Một thoảng gió, tôi cảm thấy như có bàn tay vô hình vừa xoa nhẹ lưng mình. Từng mảng, từng góc hồi ức đẫm máu và nước mắt trở về bên những gương mặt trầm tư và mái đầu nhuốm màu thời gian. Những đôi mắt đẫm lệ, những bàn tay run run vì xúc động khi cầm nén nhang. Và lời nhắn gửi thầm thì...
Hơn 9.000 người, cùng “sống” dưới một mái nhà, cùng chung một bát nhang, một bó hoa tươi của đồng đội từ xa đem tới! Cũng như khi còn trong đội ngũ, các anh, các chị chung nhau bát nước, điếu thuốc, nắm cơm trên đường đi làm nhiệm vụ. Ai đó cứ nhắc đi nhắc lại: Hơn 9.000 người chưa tìm được hài cốt. Vâng, đúng thế, hơn 9.000 anh chị em miền Bắc, miền Trung, miền Nam, nơi nào cũng có. Phải rồi, hơn 9.000 gia đình chưa nhận được hài cốt con em mình. Họ chỉ biết đến đây đọc đi đọc lại dòng tên người thân trên tấm bia đá phủ kín bức tường phía trên bệ thờ. Như vậy cũng đã được an ủi, và như đã được “gặp” lại con em mình. Thế mới biết sự hy sinh của ngành hậu cần Miền (B2) là không hề nhỏ. Tôi cứ nghĩ, trong ngôi nhà chung này, ngày ngày các anh, các chị vẫn người nào việc nấy, không ai già đi, vẫn trẻ trung tuổi đôi mươi.
2. Trong câu chuyện bên bàn nước, anh Phớn-người trông coi hương khói ngôi đền kể rằng, sáng sớm nào dậy chuẩn bị thắp hương, anh cũng như văng vẳng nghe tiếng hát Quốc ca. Nhìn khu tưởng niệm khang trang, ai nấy có vợi đi nỗi niềm; song sự mất mát vẫn là mất mát, sự hy sinh của bạn bè, đồng đội, người thân vẫn luôn là niềm canh cánh trong lòng.
Thiếu tướng Bùi Vinh, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 11 (Tổng công ty Thành An-Bộ Quốc phòng) kể: "Năm 2009, trong một chuyến công tác phía Nam, Thiếu tướng Ngô Huy Hồng, lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã đưa tôi đến đây. Đứng trước khu đất hoang cây cối um tùm, Chủ nhiệm Hồng nói: Đây thuộc xã Lộc Hiệp, cái hồ ngoài kia là hồ Cầu Trắng. Nơi này từ năm 1973 đến 1975, Cục Hậu cần Miền (B2) đã đặt căn cứ chỉ huy. Chọn Lộc Hiệp đặt căn cứ, lãnh đạo Cục Hậu cần lúc đó có một tầm nhìn chiến lược rất sắc sảo, sáng tạo. Nơi đây có nhiều rừng cây rậm rạp và hồ nước tự nhiên, là điểm cuối của tuyến đường vận tải chiến lược 559 cùng tuyến vận chuyển từ Tây Nguyên xuống và từ biên giới Campuchia sang, tiếp cận phía tây bắc Sài Gòn, rất thuận lợi cho việc tổ chức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho mặt trận một khi ta mở chiến dịch lớn, lại có một khoảng cách hợp lý với Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Miền (B2), công tác chỉ đạo sẽ được cập nhật thường xuyên. Tôi đã thống nhất với lãnh đạo TCHC xây dựng tại đây một khu lưu niệm. Công việc đó giao cho Binh đoàn 11, đồng chí là người theo dõi đôn đốc, làm sao kịp khánh thành vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập TCHC thì rất ý nghĩa".
Khi đó, nghe anh Ngô Huy Hồng giao nhiệm vụ, anh Bùi Vinh thật bất ngờ, anh thấy lòng trào dâng niềm xúc động. Anh không nghĩ mình lại có được niềm vinh hạnh lớn lao ấy. Anh hiểu nơi đây, chính mảnh đất Lộc Hiệp này đã cưu mang, che chở cho người cha kính yêu của mình và các đồng chí, đồng đội của ông vượt qua bao hiểm nguy trước những trận bom B-52 rải thảm, pháo dàn của địch trong suốt thời gian từ năm 1973 đến tháng 4-1975. Một sự sắp đặt thật ý nghĩa. Là cán bộ của Cục Hậu cần Miền thời chiến tranh, anh Ngô Huy Hồng rất hiểu Cục trưởng Bùi Phùng (sau này ông là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm TCHC), một cán bộ mẫu mực, khả kính. Và anh Hồng muốn “trao” anh Bùi Vinh, người con trai cả của ông một cơ hội hiếm có. Từ giờ phút ấy, Thiếu tướng Bùi Vinh cảm thấy mảnh đất Lộc Hiệp, Lộc Ninh gần gũi với mình hơn bao giờ hết. Dường như mỗi gốc cây, hồ nước, ụ đất nơi này vẫn còn lưu lại dấu ấn người cha thân yêu của anh.
    |
 |
Các cựu chiến binh thắp hương tại khu tưởng niệm liệt sĩ Cục Hậu cần Miền (B2), ngày 27-7-2019. Ảnh: LÊ VĂN |
Công việc được triển khai nhanh chóng. Từ liên hệ với địa phương cắm đất đến việc ra bản vẽ thiết kế hay phối hợp với cơ quan chức năng của TCHC và Quân khu 7; rồi cả với Ban liên lạc truyền thống quân-dân y Miền (phía Nam) do Đại tá, bác sĩ Nguyễn Sanh Dân, một người luôn tận tâm với đồng đội làm trưởng ban để tìm kiếm tư liệu... Tất cả đều diễn ra trôi chảy thông thoáng. Đúng là khi chủ trương hợp lòng người thì không việc gì không làm được. Sau gần một năm xây dựng, Công ty Thành An 117 (nay là Công ty TNHH MTV Thành An 117-Tổng công ty Thành An), với sự cố gắng nhiều mặt, nhất là khó khăn trở ngại về thời tiết, năm 2010, cụm công trình được hoàn tất, đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập TCHC Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 10-3-2014, cụm công trình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tiếp đó, ngày 16-12-2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với Cục Hậu cần Miền (B2). Nhiều năm nay, nơi này đã trở thành một địa chỉ đỏ, mỗi năm đón hàng trăm đoàn CCB, các thân nhân liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước về dâng hương, tri ân tưởng nhớ những người con ưu tú của mẹ Việt Nam đã không tiếc tuổi xuân, quên mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Trong một lần trở lại Lộc Hiệp, sau khi dâng hương các liệt sĩ, Thiếu tướng Ngô Huy Hồng đã thổ lộ: “Khi làm xong công trình, tôi mới thấy lòng nhẹ nhõm thanh thản, nếu không, mình sẽ có tội với bao đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Lộc Ninh, Bình Phước vô cùng ác liệt này”. Đằng sau vẻ trầm tư của ông khi đặt chân đến đây là một tấm lòng ân nghĩa sâu sắc với những đồng đội đã không trở về...
LÊ VĂN VỌNG