Cách đây gần hai tháng, chúng tôi đến ấp Định Hòa đúng vào ngày chính quyền địa phương hai xã Gia Hòa 1 và Hòa Tú 1 cùng nhân dân tổ chức lễ giỗ tập thể cho 24 người dân ở ấp Định Hòa (xã Gia Hòa 1) và ấp Hòa Phước (xã Hòa Tú 1) bị Mỹ-ngụy sát hại. Đêm 16, rạng sáng 17-5-1962 (tức đêm 13, rạng sáng 14-4 âm lịch), nhận tin do bọn gián điệp báo có cán bộ cách mạng về công tác tại ấp Định Hòa, địch cho khoảng 30 tên biệt kích từ Mỹ Xuyên bí mật vượt sông Cái Lớn kéo về ấp. Một tốp phục kích chặn đường, một tốp tiến từ ngoài Chàng Ré vào. Khoảng 6 giờ ngày 17-5, tốp đi từ Chàng Ré vào nổ súng khiến nhiều người dân ở địa phương rất bất ngờ, phải chạy dạt vào phía trong thì bị tốp phục kích chặn đường. Bí đường, bà con chạy xuống mé sông hoặc chạy ra đồng thì bị chúng bắn chết hoặc bắt sống.

Ông Lê Thanh Thủy (72 tuổi), nhân chứng ở ấp Định Hòa, kể: “Tôi tận mắt chứng kiến, những người bị bắt sống, chúng dùng dao hành hạ cho đến khi chết; còn những người bị bắn chết, chúng mổ bụng, moi gan lấy mật. Tổng cộng có 24 người, trong đó có 4 cháu bé đều là người ở ấp Định Hòa và ấp Hòa Phước. Ngoài ra, có một người là giao liên của ta đang ở trong khu căn cứ, nghe tiếng súng nổ chạy ra nắm tình hình, gặp một tên lính ngụy mặc đồ dân thường cải trang liền hỏi thăm thì bị bắn chết tại chỗ. Như vậy, có 25 người bị sát hại trong sự kiện này. Hình ảnh những tên biệt kích khát máu ngày đó, bây giờ nhớ lại tôi vẫn rùng mình...”. 

leftcenterrightdel
 Ông Lê Thanh Thủy - nhân chứng vụ thảm sát ngày 17-5-1962 tại ấp Định Hòa.

Cùng đi với chúng tôi tới ấp Định Hòa tham dự lễ giỗ tập thể, ông Huỳnh Thiện Nhận, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thanh huyện Mỹ Xuyên cho biết thêm: “Trong số 24 người bị sát hại, có 4 người của dòng họ Huỳnh chúng tôi: Ông Huỳnh Thiện Khá (sinh năm 1924), ông Huỳnh Thiện Phẩm (sinh năm 1932), ông Huỳnh Thiện Diệu (sinh năm 1943), ông Huỳnh Thiện Duy (sinh năm 1944). Ngoài ra còn có bà Nguyễn Thị Khai (là chị dâu ông Huỳnh Thiện Khá), là người khi địch kéo vào đã đưa cán bộ xuống hầm bí mật nên cán bộ không bị chúng phát hiện. Bà bị địch bắt, tra tấn dã man để khai thác thông tin nhưng không khai. Sau đó, chúng đưa bà về trung tâm thẩm vấn ngoài Sóc Trăng tra tấn đến hư gan, tổn thương phổi nhưng bà vẫn không khai báo, bảo vệ an toàn cho cán bộ. Không khuất phục được, lại thấy bà bị thương nặng, địch phải thả bà về. Đến tháng 10-1962, bà mất vì vết thương quá nặng...”.

Tiếp lời, ông Lê Văn Hiếu (69 tuổi) ở ấp Định Hòa ngậm ngùi kể: “Năm đó, tôi 8 tuổi, nhà cách nơi giặc thảm sát khoảng 2km nên không biết gì về sự kiện này. Khi giặc rút đi, chiều hôm ấy, tôi mới đi vào khu vực này và thấy 24 thi thể không còn nguyên vẹn. Cả xóm trùm trong không khí tang tóc đau thương. Tiếng vợ khóc chồng, con khóc cha... trong ánh đèn dầu leo lét, nghe thật não nùng. Tội ác này không thể nào quên được”.

Ông Đỗ Văn Hên, Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 1 cho biết: Sự kiện 24 người bị thảm sát tại ấp Định Hòa là một chứng tích tội ác của kẻ thù. Để tưởng nhớ những người đã mất và nhắc nhở những người còn sống khắc ghi tội ác của địch, năm 2002, được sự đồng ý của cấp trên, Đảng bộ xã Gia Hòa 1 và Chi bộ ấp Định Hòa đã vận động kinh phí xây dựng Bia chứng tích chiến tranh với kinh phí 23 triệu đồng. Đến năm 2012, Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 15 triệu đồng để nâng cấp bia.

Năm 2016, Đại tá Trần Văn Hòa, Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ kinh phí sơn sửa, hoàn thành hiện trạng như hiện nay. Bia được xây dựng trên khu đất rộng 1.200m2, nền bia rộng 30m2. Việc xây dựng bia thể hiện tình cảm của Đảng bộ và nhân dân xã Gia Hòa 1 và xã Hòa Tú 1 đối với 24 người bị kẻ thù sát hại năm 1962. Đó là những người kiên trung, thà chết không khai báo với kẻ thù nhằm bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng. Đồng thời, qua đó giáo dục thế hệ trẻ noi gương, học tập, cố gắng hết mình trong xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: LƯƠNG XUÂN CAO