Câu chuyện thắp sáng ánh đèn điện bên sông Bến Hải của ông Cao Lãnh Hùng thực sự khiến tôi xúc động. Tôi không ngờ rằng, con người có vóc dáng tầm thước, giọng nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường, cùng đi trên chuyến xe với tôi lại chính là người đã thắp lên ánh sáng của niềm tin và hy vọng trên cây cầu Hiền Lương lịch sử sau gần 20 năm dằng dặc bóng đêm. Ông Hùng kể: “Năm 17 tuổi (1966), tôi làm đơn tình nguyện gia nhập đội TNXP huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Vì chưa đủ tuổi, sợ bị loại nên tôi đành khai man tuổi. Trong bản lý lịch gốc ghi năm sinh 1949, tôi dùng bút nối thêm vào đuôi số 9 để thành số 2. Từ đó, trong lý lịch, tôi sinh năm 1942”.
Ngày ấy, các tuyến đường tiếp viện cho miền Nam thuộc địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh... thường được gọi là cung đường của những “túi bom”, những “tọa độ lửa”, không một đoạn đường nào không bị bom cày đạn xới. Hàng nghìn bộ đội, TNXP, dân quân, công nhân ngành giao thông đã ngã xuống. Máu của các anh, các chị nhuộm đỏ đất rừng, sự sống như bị hủy diệt. Trong mưa bom bão đạn, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, những TNXP như ông Hùng vẫn bám đường và ngoan cường chiến đấu bằng cuốc, xẻng, bằng ý chí phi thường của lòng yêu nước. Ông Hùng cho biết: “Chỉ một đoạn đường dài 5km trên Quốc lộ 15, Đường Hồ Chí Minh đi qua Truông Bồn, từ tháng 6 đến tháng 10-1968 đã phải hứng chịu 2.692 quả bom các loại của quân thù giội xuống. Hơn 1.000 TNXP, bộ đội, công nhân... đã hy sinh. Có lẽ vì cơ duyên, cũng là may mắn nên tôi mới thoát chết, lại còn được cấp trên ưu tiên lựa chọn gửi sang Trung Quốc học công nhân ngành điện”.
Năm 1969, ông Hùng về nước. Ngay sau đó, ông xung phong vào chiến trường Vĩnh Linh và được điều động công tác tại Đài Truyền thanh Vĩnh Linh. Ở thời điểm ấy, Vĩnh Linh là chiến trường khốc liệt, là tuyến đầu chống Mỹ của miền Bắc. Ông Hùng bảo, những năm tháng đó không giây phút nào vắng tiếng bom rơi, đạn nổ. Máy bay Mỹ quần thảo suốt ngày đêm. Chúng dùng đủ mọi phương tiện hiện đại nhất, từ máy bay, tàu chiến đến “pháo đài bay” B-52 tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt hết sức dã man. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt ấy, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ phải bằng mọi giá không để ngừng hoạt động. “Khi đó, chúng tôi không hề nghĩ đến cái chết, không hề sợ hãi hay nao núng”, ông Hùng tiếp tục câu chuyện, “công việc hằng ngày làm chúng tôi quên đi. Nếu dao động thì không thể sản xuất được chương trình, Đài không thể phát sóng. Chúng tôi thay nhau lao ra giữa lửa đạn để nối lại đường dây điện vừa bị bom đạn làm đứt, giữ cho tiếng nói của Đảng lúc nào cũng đến được với người dân ở hai bờ giới tuyến”.
Bằng ý chí và lòng quả cảm của tất cả cán bộ, công nhân viên, tiếng nói của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh hằng ngày, hằng giờ dõng dạc vang lên bên bờ Bến Hải. Để giữ cho được tiếng nói của Đài là việc không hề đơn giản. Nó đòi hỏi lòng quả cảm, ý chí sắt đá và sự quyết tâm của các lực lượng trong Đài, như: Tổ biên tập, tổ loa máy, tổ điện, tổ sửa chữa... Họ phải làm việc liên tục, phối hợp chặt chẽ với nhau, xử lý mọi tình huống phức tạp, gian khổ, cam go, đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng...
    |
 |
Tác giả và ông Cao Lãnh Hùng (bên phải) bên cột cờ Hiền Lương. Ảnh: HỮU QUÝ |
Theo ông Hùng, với người dân vùng “đất lửa” Vĩnh Linh, mỗi khi nghe tiếng loa phát thanh, họ như nghe thấy âm thanh của sự sống. Tiếng loa là sức mạnh, là niềm tin, là ý chí quật cường của lòng dũng cảm. Nếu vắng tiếng loa sẽ là tổn thất, mất mát, thiếu hụt lớn, thậm chí có thể dẫn đến những hy sinh không thể lường hết được. Vào thời kỳ ấy, bộ đội, TNXP, công nhân... liên tục được bổ sung vào chiến trường. Vĩnh Linh như một lò lửa thử thách lòng can đảm của con người. Tiếng loa chính là niềm tin chiến thắng, là sự sống còn, tiếng loa mất, sự sống cũng mất. Tiếng loa chính là nơi nương tựa, nâng đỡ bước chân người chiến sĩ trên đường ra trận. Vì thế, dù phải hy sinh tính mạng, ông Hùng và các đồng chí, đồng nghiệp của mình phải bằng mọi giá giữ cho tiếng loa không bao giờ tắt...
Đầu năm 1972, Cao Lãnh Hùng được kết nạp Đảng. Để có được vinh dự này, ông đã phấn đấu không ngừng suốt gần 4 năm trên cương vị là công nhân thợ điện chủ chốt của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh. Sống, chiến đấu và làm việc trên vùng “đất lửa” , Cao Lãnh Hùng không ít lần cách cái chết trong gang tấc. Nhưng với ông, nhiệm vụ bảo vệ nguồn điện cho Đài là quan trọng nhất, bất kể giữa mưa bom lửa đạn, bất kể ngày đêm, trong mọi thời khắc, ở đâu đường dây điện bị bom giập đứt là ngay lập tức ông có mặt. Nguồn điện do ông phụ trách không bao giờ đứt quãng. Ông không nề hà bất cứ công việc gì, làm gì cũng tận tâm, tận lực, làm cho bằng được. Ông luôn có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất trên vùng “đất lửa” Vĩnh Linh suốt những năm tháng ấy.
Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, với Cao Lãnh Hùng là thay đổi lớn nhất của cuộc đời. Ông bảo: “Khi ấy, tôi như thấy mình là con người khác. Có cái gì rất lớn lao thay đổi từ sâu thẳm trong tôi, khiến tôi thấy mình thực sự đã trưởng thành, thực sự thành người lớn, trách nhiệm vì thế cũng nặng nề hơn, công việc nhiều hơn. Tôi hạnh phúc và tự hào vì đã đóng góp một phần công sức vào nhiệm vụ bảo vệ nguồn điện, giúp cho tiếng nói của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh luôn mạnh mẽ vang lên giữa bom rơi đạn lửa”.
Cuối năm 1972, chiến trường Vĩnh Linh đã thưa dần tiếng súng, nhưng ở miền Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ta và địch quần nhau hằng ngày, giành nhau từng tấc đất. Trên nhiều chiến trường vẫn diễn ra các trận đánh khốc liệt. Ở bờ Nam sông Bến Hải, địch vẫn kiểm soát, tạo ra vành đai trắng, sẵn sàng tấn công sang bờ Bắc bất cứ lúc nào. Bên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, Việt Nam tiếp tục thu được những thắng lợi về mặt ngoại giao. Để tiếp sức cho cuộc đấu tranh này, giữa tháng 12-1972 (âm lịch), một công văn mật hỏa tốc của Ủy ban Kháng chiến Vĩnh Linh được chuyển gấp về Đài Truyền thanh Vĩnh Linh. Trong đó yêu cầu: Bằng bất cứ giá nào, đêm Giao thừa năm nay phải treo bằng được một hệ thống điện lên đỉnh cột cờ Hiền Lương. Người được nhận nhiệm vụ cao cả ấy, không ai khác chính là công nhân thợ điện lão luyện Cao Lãnh Hùng. Đây thực sự là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vì địch vẫn đang ở ngay bên cạnh, nếu chúng phát hiện ra sẽ lập tức đáp trả. Cột cờ vừa cao vừa nhỏ, lại không có bất cứ phương tiện nào hỗ trợ ngoài việc leo lên theo cách thông thường. Nhưng đây là nhiệm vụ hệ trọng, phải thực hiện bằng được.
Ở thời điểm đó, bóng đêm bao trùm bầu trời giới tuyến. Để bảo đảm an toàn, kể cả một ánh đèn dầu cũng phải thắp dưới hầm bí mật. Một ánh sáng lóe lên trong đêm tối sẽ là mục tiêu dẫn đường cho máy bay, pháo kích của địch tìm đến. Ngược lại, nếu bóng điện được thắp lên, nó sẽ là niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng, niềm tự hào và nỗi khắc khoải mong chờ ngày thống nhất non sông của nhân dân ta. Đó cũng là mệnh lệnh của trái tim, của lương tâm thôi thúc công nhân thợ điện Cao Lãnh Hùng không sợ hãi, bất chấp hiểm nguy và cái chết, leo lên cột cờ ở độ cao gần 30m để mắc hệ thống điện chiếu sáng bên bờ Bắc cầu Hiền Lương.
23 giờ ngày 30-12-1972 (âm lịch), ánh điện rực sáng trên đỉnh cột cờ Hiền Lương, xua tan bóng đêm bao trùm vùng giới tuyến. Đó là ánh sáng của niềm tự hào, kiêu hãnh, của niềm vui và hạnh phúc không gì kể xiết sau bao năm đợi chờ, mong mỏi của nhân dân ta. Đó là lần đầu tiên sau gần 20 năm, ánh điện trên đỉnh cột cờ Hiền Lương được thắp sáng, cũng là mùa xuân đầu tiên của cả dân tộc sau Hiệp định Paris. Và cho đến tận hôm nay, ánh điện ấy vẫn kiêu hãnh rực sáng cùng lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên bầu trời Hiền Lương lộng gió. Chiến công ấy không của riêng ai, mà đó là máu và nước mắt của hàng vạn người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, là chiến thắng của ý chí, niềm tin và khát vọng của nhân dân ta. Đối với cựu TNXP Cao Lãnh Hùng, đó là kỷ niệm sâu sắc mãi mãi không bao giờ quên. Ông có quyền tự hào về những điều mình đã làm, đã sống và chiến đấu, cống hiến cả tuổi xuân cho mảnh “đất lửa” Vĩnh Linh suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất.
TRẦN ANH THÁI