Tháng 8-1971, khi đang học lớp 10, thanh niên Nguyễn Văn Được xung phong lên đường nhập ngũ, biên chế vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325. Sau hơn 4 tháng huấn luyện, đầu năm 1972, Sư đoàn 325 nhận lệnh hành quân vào chiến trường Quảng Trị với nhiệm vụ phòng ngự phía Bắc sông Thạch Hãn.
Sáng 1-11-1972, Sư đoàn 325 nhận được thông báo, quân địch chuẩn bị vượt sông Thạch Hãn tấn công thôn Nhan Biều và đánh chiếm căn cứ Ái Tử. Trung đoàn 18 nhận nhiệm vụ phòng ngự và tác chiến ở phía Bắc sông Thạch Hãn. Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 khẩn trương lập tuyến phòng ngự, giữ chốt đầu cầu đường sắt, Quốc lộ 1A. Lợi dụng trời tối, mưa phùn, địch bí mật vượt sông, đưa được 1 tiểu đoàn qua sông, chiếm toàn bộ bãi cát trước mặt sông thôn Nhan Biều. 5 giờ ngày 2-11, địch bắt đầu tấn công, bắn pháo hạm từ biển vào tuyến phòng ngự của Tiểu đoàn 8. Trên bầu trời, địch sử dụng máy bay thả hai đợt bom dọc bên sông.
Đồng chí Trần Minh Thiệt, cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn 8 lệnh cho Đại đội 5 khai hỏa. Đại đội 5 dùng súng cối 60mm và 82mm bắn trực tiếp vào phía quân địch đang hò nhau xông lên. Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn sử dụng súng cối 82mm bắn vào đội hình địch, chi viện cho Đại đội 5. Đồng thời, hỏa lực của Trung đoàn bắn chặn phía sau lưng địch ở khu vực bãi cát thôn Nhan Biều. Sau khoảng 30 phút chiến đấu ác liệt, quân ta tiêu diệt gần 200 tên địch, giữ vững trận địa. Số địch còn lại nhanh chóng lui về co cụm ở bãi cát ven sông, chờ chi viện.
“Đến 9 giờ sáng 3-11, nhận lệnh xung phong từ đồng chí Trần Minh Thiệt, tôi chỉ huy một mũi gồm 3 người, sau khi chuẩn bị vũ khí xong, nhằm thẳng hướng địch xông lên. Khi ấy, tôi được giao hai khẩu súng AK và B40. Bắn hết đạn của khẩu AK, tôi phát hiện một nhóm địch đang sử dụng súng đại liên. Tôi trườn thêm một đoạn, khi còn cách địch khoảng 25m, tôi dùng súng B40 tiêu diệt ổ đại liên của địch...
Sau khi hỏa lực đại liên bị tiêu diệt, quân địch rơi vào thế yếu, nhiều tên bỏ chạy, có tên nhảy xuống sông tìm đường tẩu thoát. Tổ của tôi đã tiêu diệt 7 tên địch. Ngoài ra, tôi và đồng chí Quỳnh (người Hà Nội) còn bắt sống 2 tên, thu được 1 tấm bản đồ, 1 ống nhòm cùng nhiều quân trang, quân dụng của địch về bàn giao cho đơn vị. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, thu được chiến lợi phẩm, tiểu đội tôi được đơn vị biểu dương. Đồng chí Trần Minh Thiệt quyết định tặng tôi và đồng chí Quỳnh mỗi người một chiếc chăn chiến lợi phẩm làm kỷ vật. Sau hai ngày chiến đấu bên sông Thạch Hãn, Tiểu đoàn 8 của chúng tôi tiêu diệt được khoảng 270 tên địch”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Được kể lại.
Trải qua nhiều trận đánh và nhiều lần bị thương, cựu chiến binh Nguyễn Văn Được được chứng nhận thương tật 61%, xếp hạng thương binh 2/4. Năm 1978, do sức khỏe suy giảm, ông Được chuyển ngành về địa phương công tác. Do trải qua quân ngũ và có thành tích trong chiến đấu, cựu chiến binh Nguyễn Văn Được được lãnh đạo các cấp quan tâm và cử đi học về công tác Đảng. Năm 1982, sau khi hoàn thành khóa học, ông được bố trí công tác ở Huyện đoàn Sóc Sơn, sau đó về địa phương tham gia Ban Thanh tra nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Cường... cho đến khi nghỉ hưu.
PHƯƠNG NINH NHI