Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Mỹ-ngụy ráo riết đánh phá các căn cứ kháng chiến của ta. Bấy giờ, Tiểu đoàn thông tin của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đang đứng chân tại dốc Đót, phía tây huyện Tiên Phước (nay thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Trung tướng Nguyễn Trung Thu nhớ lại: “Lúc ấy, tôi là chiến sĩ thông tin của tiểu đoàn. Từ tháng 5-1969, chúng tôi không có hạt gạo nào vào bụng, bữa ăn chỉ có rau, bắp và sắn”. Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn giữ trọn niềm tin chiến thắng.

Trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng, chỉ huy tiểu đoàn thông báo: “Sáng mồng Một Tết, chúng ta sẽ được ăn một bữa cơm”. Điều tưởng như bình thường trong cuộc sống hôm nay thì lúc bấy giờ có thể ví như “một cánh én nhỏ báo hiệu mùa xuân”. Đến trưa Ba mươi Tết Canh Tuất 1970, niềm vui như được nhân lên khi Binh nhất Nguyễn Trung Thu được Chính ủy sư đoàn Nguyễn Huy Chương, là bạn chiến đấu với ba anh, gọi lên tặng quà Tết. Tuy là bậc cha chú, nhưng thủ trưởng Chương vẫn gọi Nguyễn Trung Thu bằng em và xưng anh. Ông ân cần căn dặn: “Em về chia cho anh em và thông báo thủ trưởng sư đoàn động viên: Các em yên tâm! Vui vẻ ăn Tết, cố gắng vượt qua khó khăn! Chờ mấy tháng nữa chúng ta sẽ có gạo ăn”.

Cầm nửa gói kẹo nuga (một loại kẹo dẻo được sản xuất trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước), Nguyễn Trung Thu băng theo đường rừng mất khoảng hai giờ đồng hồ mới về đến đơn vị. Chờ đến thời khắc Giao thừa, anh lấy kẹo chia cho đồng đội, mỗi người được đúng hai chiếc. 

leftcenterrightdel
 Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Trung Thu (thứ ba, từ phải sang) gặp lại đồng đội Sư đoàn 2, Quân khu 5 (năm 1997). 
Ảnh do nhân vật cung cấp

Đóng quân dưới tán rừng già đất Quảng, cán bộ, chiến sĩ cảm nhận sắc xuân bởi những mầm xanh vươn lên từ gốc cây đổ nát do bom đạn địch. Vết thương của cây mới ngày nào còn ứa nhựa, nay đã liền sẹo, nứt nhánh. Khó khăn, gian khổ, ác liệt, suốt hơn nửa năm ròng rã không biết đến hạt cơm, nhưng trên dưới luôn đồng lòng, xuân về lại rực lên niềm tin chiến thắng. Theo hướng dẫn của tiểu đoàn, các đại đội tổ chức liên hoan văn nghệ, hát dân ca, bài chòi. Không phối khí, không nhạc đệm, toàn đơn vị chỉ có cây guitar dây còn, dây đứt. Người hát “cháy” hết mình, người nghe muốn uống trọn thanh âm của núi rừng. Đặc biệt, khi chiến sĩ Nguyễn Trung Thu ca bài chòi “Quảng Nam tung cánh chim bằng”, không gian cánh rừng dường như nén lại để rồi bung ra bởi những thanh âm khỏe khoắn, trầm hùng: “Đây đất mẹ, đây lời non nước/ Nặng nghĩa tình sau trước một lòng/ Đã sản sinh bao lớp anh hùng.../ Đất anh hùng làm run sợ kẻ thù.../ Lửa thiêng thiêu đốt hết loài xâm lăng...”.

Ngày ngày bên nhau, cùng chiến đấu, cùng rèn luyện, song trong thời khắc đón năm mới, những câu chuyện về quê hương, gia đình được cán bộ, chiến sĩ tâm tình trở nên xúc động lạ thường. Sáng mồng Một Tết, bộ phận nuôi quân thông báo tiểu đoàn đã nấu xong cơm, tiêu chuẩn mỗi người được lưng bát, ăn với rau rừng. Gần 7 tháng ròng mới được nhìn thấy hạt cơm, dẫu không no bụng, nhưng ai cũng thấy ấm lòng bởi trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, chỉ huy đơn vị vẫn lo cho anh em biết đến hương vị Tết dân tộc.

Cũng trong ngày đầu năm, thủ trưởng tiểu đoàn xuống nói chuyện thời sự. Tin ta chiến thắng trên chiến trường Nam Bộ, Mỹ chấp nhận nhượng bộ một số điều kiện trên bàn đàm phán tại Paris... càng củng cố niềm tin chiến thắng. Những ngày sau đó, toàn đơn vị lại tiếp tục đào sắn trong rừng, hái rau ven suối để cầm cự qua ngày. Đúng như lời thủ trưởng động viên “mấy tháng nữa chúng ta sẽ có gạo ăn”, tháng 5-1970, sư đoàn tổ chức tiến công chi khu quận lỵ Hiệp Đức (Quảng Nam). Đường xuống đồng bằng được khai thông, đến tháng 7-1970, gạo nhân dân tiếp tế dồi dào, cán bộ, chiến sĩ không còn lo đứt bữa. “Tôi ngẫm thấy trong lúc khó khăn, gian khổ, thủ trưởng động viên rất là tinh tế, rất lạc quan để mình phấn đấu”, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Trung Thu chia sẻ.

NGUYỄN SỸ LONG