Ngày 26-4-1975, Bộ tư lệnh Sư đoàn 312 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 165 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 bao vây, tiến công cụm căn cứ Phú Lợi, sau đó phát triển, phối hợp với LLVT và nhân dân địa phương giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Lúc đó, Phú Lợi là căn cứ quan trọng vào loại bậc nhất của địch trên tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn, án ngữ trục đường giao thông huyết mạch: Đường 13 từ Bình Long-Phước Long đi Bình Dương đến Sài Gòn và Đường 8 từ Tân Uyên đến Bình Dương đi Củ Chi và khống chế các trục Đường 13, 14 đi Sài Gòn.

Căn cứ này do thực dân Pháp xây dựng, được Mỹ củng cố lại thành đại bản doanh của Sư đoàn Bộ binh số 1 Mỹ, là nơi xuất phát của những cuộc hành quân bình định, bắn giết đồng bào ta ở miền Đông Nam Bộ. Tháng 4-1970, Mỹ bàn giao căn cứ này cho Sư đoàn 5 ngụy tiếp quản. Tại đây, chúng chia thành 7 khu, xung quanh đặt chướng ngại vật nhiều tầng, nhiều lớp với các bãi mìn, hào chống tăng, chống bộ binh và hàng chục lớp rào thép gai. Khi tổ chức lực lượng bí mật tiếp cận căn cứ, chúng tôi đã được đồng bào hết lòng che chở, cưu mang. Quá trình tác chiến, chúng tôi nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ của các đơn vị địa phương. Toàn trung đoàn quyết tâm làm tốt công tác chuẩn bị, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Phú Lợi.

Theo kế hoạch, 0 giờ ngày 29-4-1975, ta nổ súng tiến công. Nhưng do chuẩn bị gấp, lượng thuốc nổ phá rào và mìn định hướng chưa kịp chuyển đến, nên để các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị và theo đề nghị của chỉ huy Sư đoàn 312, Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định lui giờ nổ súng sang rạng sáng 30-4. Trực tiếp Phó tư lệnh Sư đoàn là đồng chí Nguyễn Kiệm (sau này là Trung tướng, Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng) sang bờ Bắc sông Bé để đôn đốc đoàn xe chở thuốc nổ vào gấp cho Trung đoàn 165.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Đức Sơn (ngoài cùng, bên trái) cùng chỉ huy Sư đoàn 312 và Ban chỉ huy Trung đoàn 165 hội ý ngay sau chiến thắng Phú Lợi chiều 30-4-1975. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Khoảng 4 giờ sáng 30-4-1975, pháo binh của ta bắn mãnh liệt vào căn cứ Phú Lợi. Sau đó, các loại hỏa lực đi cùng cũng dồn dập đánh vào khu vực tiền duyên, chi viện cho bộ binh mở cửa mở. 5 giờ 5 phút, Tư lệnh Sư đoàn 312 Nguyễn Chuông lệnh cho Trung đoàn 165 nổ súng. Lực lượng của ta tiến công áp đảo nên trên cả hai hướng, quân địch trong căn cứ không tổ chức phản kích được. Các mũi thọc sâu của chúng tôi đều có du kích, giao liên địa phương dẫn đường... Trong lúc trận chiến đấu diễn ra quyết liệt thì chiến sĩ Lê Xuân Sanh cùng tổ cắm cờ của Đại đội 9, Tiểu đoàn 4 nhanh chóng vận động về phía cột cờ ở trung tâm căn cứ. Lá cờ giải phóng được kéo lên, đúng 10 giờ 30 phút, Trung đoàn 165 chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Phú Lợi.

Phát huy thắng lợi, Tiểu đoàn 5 (là dự bị của Trung đoàn) do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thức và Chính trị viên Nguyễn Thanh Nhàn dẫn đầu, phối hợp với Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 địa phương Phú Lợi tiếp tục hướng vào trung tâm thị xã Thủ Dầu Một (nay là thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đánh chiếm dinh tỉnh trưởng. Các đơn vị phát triển tiến công, nhanh chóng giải phóng thị xã, bắt toàn bộ ngụy quyền, trong đó có Đại tá, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Của.

Thị xã Thủ Dầu Một được giải phóng. Trung đoàn 165 chúng tôi được lệnh ở lại tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tiếp quản. Hơn 10 ngày sau, Ủy ban Hành chính tỉnh Thủ Dầu Một tổ chức tiệc chiêu đãi mừng chiến thắng. Cán bộ cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc cùng các lực lượng địa phương, đơn vị đóng quân xung quanh địa bàn được mời dự sự kiện long trọng này. Từ đó về sau, tôi cũng được mời dự nhiều bữa tiệc tương tự, thậm chí còn long trọng hơn, nhưng bữa tiệc mừng chiến thắng năm 1975 mãi là ấn tượng khó quên đối với tôi!

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SƠN (Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu-Cơ quan Bộ Quốc phòng)