Một đêm mưa Trường Sơn tháng 5-1972, tôi và Hà Khắc Dược-những chiến sĩ thông tin Đại đội 6, Trung đoàn 132 (nay là Lữ đoàn 132, Binh chủng Thông tin liên lạc) cùng anh Lương Văn Tăng ở Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134, Binh chủng Thông tin liên lạc) nằm bên nhau nghe tiếng mưa rả rích, chờ giấc ngủ đến. Trạm bảo vệ đường dây nơi chúng tôi nằm ở bên bờ sông Sen, cạnh bản Tà Riệp ở vùng núi Tà Púc thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế

Tôi và Dược cùng đơn vị vừa xây dựng xong đường dây trần thông tin đi qua đây, giờ ở lại trạm làm nhiệm vụ bảo vệ đường dây cho tín hiệu luôn thông suốt, lỡ có đứt thì nối lại ngay. Anh Lương Văn Tăng thì bảo vệ đường dây, đang chờ bàn giao trạm này. 

Anh Tăng sinh năm 1940, nhập ngũ từ Ty Giáo dục Nam Hà cùng đợt với tôi. Tuy cùng được biên chế về Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc, nhưng chúng tôi về hai trung đoàn khác nhau. Khác với tôi chỉ mới có người yêu, anh Tăng đã có vợ và con trai đầu lòng. Còn Hà Khắc Dược là thanh niên người Mường thuộc huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Năm 1972, Dược mới tròn 18 tuổi. Dược nhập ngũ ở tuổi 17 rồi đi chiến trường Đường 9-Nam Lào. Dược hồn nhiên kể với tôi và anh Tăng về mẹ của mình-một bà mẹ Mường hay ru con bằng tiếng Mường. Khi mẹ ru các em, Dược đã thuộc cả lời ru đó. Dược bảo đêm mưa thế này thì nhớ mẹ lắm. Tôi nghe mà cũng thấy mình nhớ mẹ.

Cũng như định mệnh mà tôi lại được biên chế về Đại đội 6. Tôi không ngờ vào đến Trường Sơn này mà vẫn gặp người quen. Suốt mấy năm đầu đại học, trường tôi sơ tán về huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Lớp tôi ở ngay xã Ngô Xá, chúng tôi thường đi vào rừng lấy củi, lấy nứa. Giờ vào đến Trường Sơn, tôi lại gặp ở Đại đội 6 rất nhiều đồng đội quê ở huyện Yên Lập và huyện Cẩm Khê, trong đó có cậu Quý ở xã Ngô Xá, là con của gia đình mà tôi ở trọ để học. Lúc gặp Quý, tôi ngỡ ngàng đến nói không nên lời. Còn bây giờ thì là gặp Dược. Theo Dược kể thì nhà Dược rất gần dốc Cổi, thác Hơn, nơi tôi từng tới lấy củi, lấy nước.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Thụy Kha (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội tại Pleiku, Gia Lai, năm 1976. Ảnh do tác giả cung cấp 

Câu chuyện giữa chúng tôi chả biết thế nào lại quay sang âm nhạc. Hóa ra anh Tăng và Dược cũng mê âm nhạc không kém tôi. Dược thành thật nói rằng mới chỉ được nghe hát bằng tiếng Mường, tiếng Kinh. Dược rất muốn nghe hát tiếng nước ngoài xem nó hay ra sao. Chiều anh, tôi hát cho Dược nghe mấy bài hát tiếng Nga mà tôi thuộc. Dược vui ra mặt. Đến khi tôi hát bài “Suliko” thì cả Dược và anh Tăng đều trầm lại. Bài hát rất ngắn nhưng lại kể về bi kịch chiến tranh. Người chết không phải là người ra trận mà là người con gái đợi chờ ở hậu phương. “Suliko” thời ấy được thanh niên ưa chuộng lắm.

Nhưng đêm nay, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sau khi tôi hát bằng tiếng Nga, anh Tăng đã hát tiếp bài này bằng tiếng Pháp. Có lẽ chẳng ai hình dung ra một đêm ở Trường Sơn hẻo lánh lại vang lên trong không gian một bài hát mà cả thế giới cùng ngưỡng mộ. Dược nghe thích thú, mắt cứ lim dim. Hơi ấm và mùi thanh xuân từ chàng trai 18 tuổi cứ tỏa sang tôi dìu dịu, ấm áp. Tôi ôm Dược và thiếp đi lúc nào không hay.

... Một hồi chuông điện thoại khiến tôi bừng tỉnh. Nắng sớm Trường Sơn lùa vào trạm bảo vệ đường dây. Tôi vội cầm tổ hợp nghe. Có tiếng người gọi bên kia đầu dây: “Có ai không, ra ngay bờ sông Sen. Thằng Dược vướng mìn hy sinh rồi!”.

Tôi và anh Tăng vùng dậy, chạy ra bến sông. Dược nằm như ngủ trên tay đồng đội ở trạm trước cũng vừa tới đây. Đồng đội kể, trong khi đang dò dẫm đi theo đường dây để tìm chỗ đứt, bỗng nghe tiếng nổ đanh và tiếng kêu to: “Mẹ ơi!”. Biết có người bị dính mìn rồi, đồng đội đã thận trọng rẽ đường tìm đến nơi có tiếng nổ và đưa được Dược ra đây. Chúng tôi cùng đưa Dược về trạm, đắp cho Dược tấm chăn còn hơi ấm. Tới trưa thì Chính trị viên phó đại đội đi từ đại đội bộ đến. Chúng tôi mai táng Dược bên bờ sông Sen.

Đêm ấy, tôi thao thức không ngủ. Anh Tăng thì đã về lại đơn vị để chờ ngày bàn giao trạm. Một đồng đội khác được cử đến thay Dược ở cùng tôi. Đấy là anh Nguyễn Văn Đạm, quê Hưng Yên, hình như ở huyện Văn Lâm. Anh Đạm cỡ tuổi tôi, da tái xám vì sốt rét nhiều. Anh đi cùng chính trị viên phó đến đây và được cử ở lại cùng tôi. Anh Đạm mệt nên ngủ ngay. Còn tôi thì không tài nào chợp mắt được. Hình ảnh dễ thương, tươi trẻ của Dược cứ hiện lên như đang cười trước mắt tôi. Và đâu đây vẳng lên tiếng ru của mẹ Dược. Tiếng ru như từ Yên Lập xa xôi vào đây để ru đứa con trai của mẹ đã hy sinh vì một trái mìn vướng, yên bình trong giấc ngủ ngàn thu. Ở Trường Sơn, giặc Mỹ thả mìn vướng, mìn lá và cây nhiệt đới khắp nơi.

Trong lòng tôi, cảm xúc cứ cuộn lên khi nào không rõ. Rồi tôi vùng dậy, thắp lên ngọn đèn bằng hộp sữa bột, viết những dòng thơ tưởng nhớ Dược: “Điệu hát xoan mẹ ru thuở nhỏ/ Gọi mùa xuân nở trên hoa xoan/ Vuốt xanh tàu cọ/ Thân cọ nở đều đầy tháng thêm một lá/ Trong nôi con nho nhỏ/ Tiếng mẹ êm ru...”.

Có lẽ bài thơ tưởng nhớ Dược là bài “điếu văn” đầu tiên tôi viết ở Trường Sơn. Hình ảnh Dược cứ thế theo tôi qua năm tháng. Khi tôi viết trường ca “Năm tháng và chiều cao” thì mở đầu chương “Đường dây” cũng là câu thơ: “Mộ Dược đắp cao cho chiều chậm trôi”. Rồi trong bài thơ “Cơn sốt ở Sài Gòn”, Dược cũng được gọi tên cùng Cơ và Đạm: “Dược ơi! Cơ ơi! Đạm ơi! Sao không chúng mày cõng tao qua ác tính/ Sao không chúng mày về đây mà chứng kiến/ Tin yêu xưa vỡ từng giọt máu tươi...”. Cơ hy sinh sau Dược ít ngày. Cũng do mìn vướng.

Còn Đạm thì sau khi Cơ mất chưa lâu, cũng ra đi trong cơn sốt rét ác tính bất thần. Lúc này, trạm bảo vệ có thêm Tiểu đội trưởng Việt, đồng hương Văn Lâm, Hưng Yên với Đạm. Chắc Việt biết Đạm không qua khỏi nên đã xin với Trung đội trưởng Đỗ Hồng Khiết về ở cùng trạm bảo vệ. Hôm ấy, sau hôn mê, Đạm có tỉnh lại một chút. Nhìn đôi mắt đượm buồn của anh, chúng tôi thấy mình bất lực. Đột nhiên, Đạm nắm chặt tay tôi và khẽ nói: “Ở lại với đường dây nhé. Tôi đi đây”. Nói rồi Đạm nhắm mắt, thở hắt ra.

Sự ra đi của Đạm lại mang đến cho tôi một day dứt nữa. Ở mặt trận tưởng như không có tiếng súng này thì vẫn luôn có những rình rập khác khiến ranh giới giữa sống và chết thật mong manh. Cái ám ảnh hơn cả từ những sự ra đi thầm lặng như Dược, như Cơ, như Đạm lại chính là lời nhắn nhủ những người ở lại hãy bám trục đường dây.

Với Đạm, tôi lại không viết “điếu văn” bằng thơ như Dược mà bằng một giai điệu da diết qua ca khúc mang tên “Người đồng chí ấy”: “Tôi gặp anh trên những con đường Trường Sơn. Giữa ánh bình minh rực rỡ muôn tia nắng hồng... Hay giữa đêm khuya trời nổi mưa dông. Qua khe vượt dốc anh nối thông cả tuyến đường. Người đồng chí ấy hôm nay không còn nữa. Đôi mắt anh soi giữa đời ngọn lửa. Như bóng cây tùng đẹp qua nắng mưa. Người đồng chí ấy hôm nay anh nằm đấy. Trong trái tim tôi anh còn sống mãi. Giục chúng tôi đi tháng ngày. Xây tiếp bao chặng đường dây...”.

leftcenterrightdel
Tác giả Nguyễn Thụy Kha. 

Chúng tôi bàn giao trạm bảo vệ cho đơn vị anh Lương Văn Tăng rồi vội vã xuống đồng bằng Quảng Trị tham gia mặt trận chống tái chiếm. Năm tháng cứ trôi đi, tôi và anh Tăng không gặp lại nhau nữa. Mãi đến sau ngày thống nhất, tôi mới gặp lại anh Tăng ở Pleiku (Gia Lai). Cái duyên giữa tôi và anh còn gắn bó nhiều năm tháng nữa. Khi anh Tăng về Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc (nay là Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Binh chủng Thông tin liên lạc) thì tôi đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Sau khi tốt nghiệp, tôi về Ban Tuyên huấn làm trợ lý cho anh Tăng. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nhắc đến chuyện Trường Sơn. Thật đáng trân trọng những cảm xúc tinh khôi ngày ấy. Tôi in bài thơ tưởng nhớ Dược trong tập “Thuở binh nhì”. Còn bài hát “Người đồng chí ấy”, qua giọng hát của ca sĩ Việt Hoàn đã được phát đi cả nước trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Anh Tăng và tôi vẫn gắn bó. Nhưng di chứng chất độc da cam từ thời Trường Sơn đã nằm ủ trong anh rất lâu. Đến khi tuổi cao, sức yếu, nó mới bung ra bạo bệnh. Giữa năm 2017, tôi ra mắt bộ sách 13 cuốn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, anh Tăng từ Thường Tín (Hà Nội) ra dự và phát biểu rất cảm xúc. Bữa đó anh nói với tôi: “Mình bây giờ đang sống trong trạng thái thời gian đếm ngược rồi”. Tôi nghe mà ứa nước mắt. Một thời gian sau anh Tăng tạ thế.

Nhà thơ NGUYỄN THỤY KHA