Để củng cố thêm về nhận định vừa nêu, ông Đỗ Ngọc Ẩn mời chúng tôi về huyện Hồng Dân. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện giới thiệu: “Tên huyện Hồng Dân được đặt theo tên ông Trần Hồng Dân (1916-1946), một nhà cách mạng, được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014”. Chính ở huyện mang tên người cộng sản này có căn cứ Cái Chanh nổi tiếng.

Chúng tôi được chị Ánh Trúc, hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt căn cứ Cái Chanh giới thiệu: “Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Nam Bộ đặt trụ sở tại căn cứ Cái Chanh và đã có nhiều chủ trương quan trọng để chỉ đạo cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Những thành tựu vượt bậc của phong trào cách mạng tỉnh nhà luôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam. Kể từ đó, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu được sự giúp đỡ và chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo trong suốt hai cuộc kháng chiến”.

Rồi chị Ánh Trúc hướng dẫn chúng tôi tham quan nhà trưng bày. Các gian trong nhà được bố trí, trưng bày những hình ảnh, hiện vật khái quát toàn bộ quá trình đấu tranh tự phát của người dân Bạc Liêu khi chưa có sự lãnh đạo của Đảng và quá trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Dừng chân ở một gian trưng bày, chúng tôi được giới thiệu: Ngày 17-8-1945, Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu thành lập Tỉnh bộ Việt Minh, do đồng chí Lê Khắc Xương làm Chủ nhiệm. Ngay lập tức, Tỉnh bộ Việt Minh Bạc Liêu đã đưa ra chủ trương lập “bộ phận công khai” để đối diện trực tiếp với chính quyền khi đó. Tỉnh bộ Việt Minh đã nhiều lần cử cán bộ đến gặp Tỉnh trưởng Bạc Liêu là Trương Công Thiện và buộc hắn phải làm một số vụ việc như trả lại truyền đơn, áp phích của ta bị lính đồn gỡ. Ngày 20-8-1945, ta còn yêu cầu viên tỉnh trưởng giao ngôi nhà của một quan chức Pháp cho ta để làm trụ sở Việt Minh và Tỉnh ủy lâm thời.

leftcenterrightdel

Một số đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu (đồng chí Tào Văn Tỵ ở giữa) trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh tư liệu 

Chị Ánh Trúc giới thiệu thêm: “Yêu cầu đó được đưa ra bởi từ thời điểm trước đó một ngày (ngày 19-8-1945), ngụy quân, ngụy quyền tại Bạc Liêu đang bị lung lay tận gốc. Còn các tầng lớp nhân dân kể cả nhân sĩ, trí thức, tôn giáo... đều chờ mong có sự lãnh đạo để xuống đường lật đổ ngụy quyền, bù nhìn, tay sai ở Bạc Liêu. Do đó, từ trụ sở Việt Minh tỉnh đã phát đi chủ trương: Huy động lực lượng quần chúng biến cuộc đón tiếp Khâm sai đại thần nhà Nguyễn thành cuộc biểu tình với khẩu hiệu: “Mặt trận Việt Minh muôn năm! Chính quyền về tay nhân dân!”.

Với tinh thần đấu tranh quyết liệt nhưng cũng rất khôn khéo, Tỉnh bộ Việt Minh Bạc Liêu tiếp tục cử đoàn đại diện đến gặp Tỉnh trưởng Trương Công Thiện để yêu cầu bàn giao chính quyền nhưng hắn vẫn trì hoãn. Do đó, ta một mặt tiến hành vận động mạnh mẽ, mặt khác phát động quần chúng nhân dân nổi dậy. 7 giờ ngày 23-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh Bạc Liêu đã huy động lực lượng nhân dân đông đảo tiến hành bao vây khép kín dinh tỉnh trưởng (còn gọi là tòa bố, nay là nhà số 29 đường Trần Phú, phường 3, TP Bạc Liêu).

Lúc này, đoàn đại diện của ta gồm: Đồng chí Tào Văn Tỵ, Nguyễn Văn Năm, Trương Minh Cảnh cùng hai bảo vệ có trang bị súng ngắn tiến đến văn phòng tỉnh trưởng, buộc hắn phải giao chính quyền. Trước khí thế của cách mạng, Tỉnh trưởng Trương Công Thiện buộc phải đầu hàng và công bố tại chỗ: “Kể từ giờ phút này, chính quyền thuộc về cách mạng, thuộc về nhân dân”. 9 giờ 30 phút ngày 23-8-1945, đồng chí Tào Văn Tỵ thay mặt chính quyền cách mạng thông báo trước quần chúng: “Chính quyền đã về tay nhân dân!”. Đến 14 giờ ngày hôm đó, Trương Công Thiện mặc áo dài khăn đóng đến trụ sở Tỉnh ủy lâm thời bàn giao chính quyền cho cách mạng...

MIÊN ĐÔNG