Nhớ về người anh của mình, ông Đỗ Văn Huyên, hiện đang trú tại Hà Nội, kể: “Anh tôi sinh năm 1953, trong gia đình có 6 anh chị em. Anh Đạt có dáng người cao, nước da trắng, học giỏi và nhiều tài lẻ. Tháng 1-1972, anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ và biên chế vào Trung đoàn 46, Quân khu Hữu Ngạn (nay là Quân khu 3). Khi anh Đạt nhập ngũ, tôi mới 7 tuổi. Nhưng tôi nhớ rất rõ, trước khi nhập ngũ, anh Đạt đã dùng giấy vở học sinh của mình viết hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” để dán lên tường cho các em đọc mỗi ngày.
Vào chiến trường, anh sống và chiến đấu trong hoàn cảnh đầy khó khăn, gian khổ. Nhưng trong tất cả những bức thư gửi về nhà, tuyệt nhiên anh không hề nhắc đến chết chóc, sự khốc liệt ở chiến trường. Anh chỉ lo kinh tế gia đình, sức khỏe của thầy mẹ và các em. Chỉ khi được đọc những dòng nhật ký anh viết, gia đình mới biết chiến trường khốc liệt ra sao. Sau Ngày giải phóng miền Nam, anh trai tôi được chuyển về Lữ đoàn 126 Hải quân đánh bộ tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Ngày 20-9-1978, gia đình tôi nhận giấy báo tử của anh. Cầm tờ giấy báo tử trên tay, bố mẹ tôi ngất lịm. Anh chị em chúng tôi chỉ biết khóc”.
    |
 |
Ông Đỗ Văn Huyên (em trai liệt sĩ Đỗ Mạnh Đạt) đọc lại nhật ký của anh trai. |
Ông Huyên cầm cuốn nhật ký đã mất bìa, trong đó chủ yếu là những bài thơ và tâm sự của người lính trẻ. Nhiều trang nhật ký còn hằn in vết máu loang lổ, thấm nhòe qua từng trang giấy. Trong trang nhật ký đề ngày 25-4-1975, Đỗ Mạnh Đạt viết: “Cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp tục. Bây giờ là lúc tôi đang ở Biên Hòa rồi... Gian khổ 10 ngày chưa tắm, quần áo như trát sơn, thiếu nước vô cùng. Song quyết tâm thì cao hơn nhiều, cùng đoàn tôi có hàng chục đoàn khác đang từ các hướng, các mũi khác tiến vào Sài Gòn. Ta nhất định sẽ thắng!”.
    |
 |
Những trang nhật ký của liệt sĩ Đỗ Mạnh Đạt.
|
Đỗ Mạnh Đạt còn viết rằng, khi vào trận chiến đấu, nếu không may hy sinh thì nhờ đồng đội, người còn sống trở về mang cuốn nhật ký giao lại cho gia đình... Thực hiện di nguyện của liệt sĩ, năm 1980, cuốn nhật ký đã được đồng đội trao lại cho gia đình.
Đọc cuốn nhật ký của liệt sĩ Đỗ Mạnh Đạt, tôi nhận thấy trong đó những dòng tâm sự chân thực vì tác giả chỉ viết cho riêng mình. Đỗ Mạnh Đạt muốn ghi lại cuộc chiến đấu mà anh trực tiếp dấn thân, ghi lại những gì anh đã thấy, đã nghĩ, đã xúc cảm mãnh liệt về nhân dân, đồng đội, về thầy mẹ, về một người con gái mà anh yêu, về một chốn quê với ngôi nhà đang xây dang dở mà bấy lâu anh khắc khoải mong ngày trở lại... Thầm cảm ơn những đồng đội của anh đã giữ gìn cuốn nhật ký và mang về trao lại cho gia đình, bởi kỷ vật ấy như một sợi dây gắn kết quá khứ với hiện tại, để cha mẹ già trước khi từ giã cuộc đời có thể được tận tay chạm vào từng trang viết và cảm nhận những tâm tình của con trai. Tinh thần chiến đấu, ngọn lửa nhiệt huyết mà liệt sĩ Đỗ Mạnh Đạt để lại sẽ tiếp thêm động lực cho những ai có cơ duyên tiếp cận cuốn nhật ký...
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG