Từ cậu bé mồ côi đến chuyên gia giúp bạn
Nghe giọng nói sang sảng ở đầu dây bên kia: “Buổi sáng mình đi họp với Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, chiều các cậu hãy đến nhé” khiến chúng tôi ngờ ngợ trước thông tin ông đã ngoài tuổi bát thập từ các đồng nghiệp ở Báo Thái Bình. Theo lời hẹn, ngay chiều hôm ấy, chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng trên đường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình (Thái Bình).
Khi chúng tôi đến, người cựu chiến binh với vóc dáng cao to, rắn rỏi trong bộ quân phục đã chờ sẵn. Nếu không nghe giới thiệu trước, có lẽ không ai đoán được ông đã 85 tuổi. Ông khoe, tất cả là nhờ sự rèn luyện từ những ngày trong quân ngũ đã cho ông sức khỏe. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia Hội Cựu chiến binh tỉnh và có 20 năm liền đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình. Hiện ông là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào tỉnh Thái Bình.
|
|
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hạnh tại nhà riêng. Ảnh: THỦY TIÊN |
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông không nhắc nhiều đến những trận đánh hay chiến công để năm 1973 ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông bảo thành tích mà mình có được chính là nhờ sự chung sức, đồng lòng cùng đồng đội trong những năm tháng hoạt động bí mật tại Lào. Và trên hết là nhờ tấm lòng của nhân dân Lào dành cho ông và đồng đội. Thế nên giờ đây, có thể làm được những việc gì cho đồng đội, ông đều sẵn lòng. Ông cũng khoe mình có 5 người con nuôi mang quốc tịch Lào. Những con em Lào sang Việt Nam học tập được ông đón nhận như người thân trong gia đình. Một trong 5 người con nuôi ấy, anh Boun Pheng, hiện là bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội-Vientiane ở thủ đô Vientiane, vừa đưa ông đi thăm lại chiến trường xưa. Chuyến đi ấy đã gợi lại trong ông bao ký ức về một thời tuổi trẻ gian khổ, hy sinh nhưng luôn đầm ấm nghĩa tình quốc tế.
Sinh năm 1939 ở xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, ông sớm phải chịu cảnh mồ côi, 4 tuổi mồ côi cha, 14 tuổi mồ côi mẹ. Hai chị em được người chú ruột thương tình đem về nuôi. Nhưng hoàn cảnh gia đình chú cũng rất khó khăn nên tuổi thơ của hai chị em cậu bé Nguyễn Văn Tích (tên khai sinh của ông Nguyễn Đức Hạnh) là những tháng ngày lam lũ, vất vả và không được học hành đầy đủ. Dù vậy, ông vẫn cố gắng tham gia các lớp bình dân học vụ vào ban đêm để biết đọc, biết viết, rồi lại hăng hái đứng lớp làm giáo viên xóa mù chữ cho bà con trong xóm, ngoài thôn và tích cực làm liên lạc cho du kích thôn.
Tháng 3-1959, ông nhập ngũ chậm hơn so với đồng đội hai ngày vì được xét cho đi bổ sung sau nhiều lần đăng ký tòng quân mà không được chọn. Sau những ngày tháng huấn luyện chiến sĩ mới, ông được biên chế về Tiểu đoàn Pháo binh 13, Sư đoàn 350 (nay thuộc Quân khu 3). Năm 1960, ông được lựa chọn vào đội ngũ chuyên gia quân sự sang giúp bạn Lào ở tỉnh Houaphanh. Cũng từ ấy, ông có thêm tên mới theo tiếng Lào là Vixay Vanchalon.
Nhớ lại những ngày đầu mới sang đất bạn, ông Hạnh kể: “Làm chuyên gia kỹ thuật cho đại đội pháo cối, cùng bạn đi chiến đấu tiễu phỉ, liên tục trèo đèo, lội suối, lại phải đối phó với kẻ địch thường xuyên tìm cách đánh lén, bắn tỉa hay bẫy mìn, chông nên tôi và đồng đội luôn cảnh giác cao độ. Chúng tôi còn phải đối diện với một khó khăn nữa là vì chưa biết tiếng nên phải trao đổi với bạn bằng ngôn ngữ... hình thể. Sau rồi, tôi tìm cách học tiếng của bạn, ban đầu là các từ đơn giản rồi đến những câu ngắn. Luôn luôn “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu) với bạn và có ý thức học hỏi nên chẳng bao lâu sau đó, tôi đã nói thông, viết thạo. Có thời gian, chúng tôi lên đóng quân ở đỉnh Phou Pha Thi cao gần 2.000m so với mực nước biển. Hằng ngày phải leo thang dây xuống chân núi gùi nước lên để sinh hoạt vô cùng gian khổ”.
Đến năm 1962, ông Hạnh được rút về nước để đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Năm 1964 ra trường, ông về đơn vị huấn luyện một thời gian ngắn rồi được cử sang chiến đấu ở Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Đến cuối năm 1964, ông được giao một nhiệm vụ đặc biệt, đó là chỉ huy Đội biệt động S3 vào hoạt động bí mật ở vùng địch hậu thuộc tỉnh Vientiane, Lào.
Nhiệm vụ đặc biệt
Mùa xuân năm 1965, ông Hạnh và đồng đội bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ấy. Khi ông mới sang nước bạn đã gặp nhiều khó khăn, thì ở thời điểm này còn khó khăn, mạo hiểm hơn nhiều lần. Phải xa hậu phương, xa sự chỉ đạo của chỉ huy, lại nằm trong vùng địch kiểm soát gắt gao, chỉ có thể liên lạc với cấp trên bằng mật mã qua làn sóng điện khi có việc cần kíp. Vừa xây dựng các cơ sở cách mạng, vừa hoạt động vũ trang, tuyên truyền, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp của địch... biết bao việc phải thực hiện từ con số không. Làm sao để tự kiếm sống, công tác và chiến đấu là nỗi trăn trở lớn của người chỉ huy Đội biệt động S3 Nguyễn Đức Hạnh khi ấy. Và ông đã nghĩ cách duy nhất để hoạt động được chính là dựa vào dân.
|
|
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hạnh (thứ ba, từ phải sang) trong lần thăm các sinh viên Lào học tập tại Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Thuận lợi lớn với chúng tôi là cán bộ, chiến sĩ đa phần là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông nên có ngôn ngữ khá tương đồng với người dân nước bạn. Do đó, việc tiếp xúc, xây dựng cơ sở cách mạng trong nhân dân cũng thuận lợi hơn. Nhân dân Lào đa phần theo đạo Phật nên luôn thường trực bản tính thương người, yêu chính nghĩa, ghét cái ác, cái xấu. Khi được giác ngộ cách mạng, họ rất thương quý, hết lòng che chở và sẵn sàng hy sinh vì bộ đội Việt Nam”, ông Hạnh cho biết.
Có một kỷ niệm sâu sắc mà ông Hạnh nhớ mãi, đó là lần đội của ông vào bản Đing Đeng ở phía Nam Vientiane gặp mẹ Thơm (gọi theo tên con gái đầu lòng) để bắt liên lạc. Gián điệp biết tin, báo cho bọn lính về phục kích. Khi quân ta ra khỏi làng thì bị chúng bắn, khiến 1 đồng chí bị thương và 1 y sĩ bị lạc. Thu quân, ông Hạnh triển khai đội hình chia làm hai tổ, một bộ phận đưa thương binh lên núi cứu chữa, còn ông ở lại với bộ phận đi tìm đồng chí y sĩ La Hà bị lạc.
“Đứng trước tình huống đồng đội bị lạc, bộ phận đi tìm chưa quen đường rừng, lương khô thì sắp cạn kiệt, lại thêm quân địch bổ sung lính đi càn quét, lùng sục, quả thật với cương vị người chỉ huy khi ấy, tôi khá căng thẳng. Nhưng thật may mắn, mẹ Thơm đã cứu nguy cho cả đội khi thả đàn trâu của mình ra khắp các cánh rừng và cùng 3 người con gái dẫn đường cho bộ đội Việt Nam giả làm người dân đi tìm trâu bị lạc. Sau 5 ngày vất vả, nguy hiểm, chúng tôi đã tìm được y sĩ La Hà trong rừng. Bà mẹ Lào ấy đã sẵn sàng mất đi cả cơ nghiệp để tìm bằng được bộ đội Việt Nam. Sau này, khi địch biết mẹ Thơm là cơ sở của ta, mẹ đã bị chúng thủ tiêu”, ông Hạnh xúc động kể.
Trong quãng thời gian hoạt động từ năm 1964 đến 1975 tại Lào, ông Hạnh cùng đồng đội đã xây dựng được khu căn cứ cách mạng vững chắc dù phải đối chọi với biết bao tình huống hiểm nguy, những trận càn mà địch hơn ta nhiều lần về quân số và hỏa lực. Nhưng nhờ ý chí quyết tâm, bằng cách đánh du kích và sự che chở của nhân dân Lào, đơn vị vẫn bảo vệ được khu căn cứ để làm bàn đạp phát triển phong trào cách mạng ở vùng địch hậu. Và bà con nhân dân Lào không chỉ nhường cơm sẻ áo, chắt chiu từng hạt gạo, lọ mắm, ống mỡ để nuôi giấu cán bộ nhiều năm mà còn bỏ qua cả những điều cấm kỵ như cho người lạ vào phòng con gái chưa lập gia đình để giúp bộ đội ta thoát khỏi sự truy lùng của địch. Bà con cũng sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ bộ đội Việt Nam. Với ông Hạnh, đó là những ân tình suốt cuộc đời không thể nào quên!
KHÁNH AN