Năm 1950, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Cù, quê ở xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trúng tuyển Trường Quân y sĩ Việt Nam (Học viện Quân y ngày nay). Chương trình đào tạo quân y sĩ là 4 năm, nhưng mới học được 4 tháng thì nhà trường kết thúc năm học thứ nhất để học viên đi phục vụ chiến dịch. Tháng 3-1953, Nguyễn Hữu Cù được phân công công tác tại Ban Quân y Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 12) và được giao làm Trưởng tiểu ban Phòng bệnh, rồi sau đó hành quân lên Điện Biên Phủ.

Từ lúc xuất phát hành quân đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, y sĩ Nguyễn Hữu Cù nhớ mãi 2 việc, đó là đã cùng ngành quân y kiên trì vận động bộ đội thực hiện ngâm chân trong nước nóng và ngủ màn ở chiến hào.

Sau khi kết thúc Chiến dịch Thượng Lào (1953), Đại đoàn 308 được lệnh quay về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đoàn tập kết ở Thái Nguyên, hành quân lên Điện Biên Phủ mất gần một tháng, đêm đi, ngày vào rừng nghỉ, đi 4 ngày được nghỉ một ngày. Bộ đội phải mang vác nặng nên nhiều đồng chí chân bị phồng rộp và bong gân, sai khớp. Lúc đó, việc điều trị chân đau do y tá đại đội đảm nhiệm, như bỏ thuốc sát trùng và ngâm chân bằng nước nóng pha muối. Nhưng nhiều người đau, y tá làm không xuể nên hướng dẫn cho chiến sĩ tự vệ sinh. Nước sôi lúc đầu xin của anh nuôi, sau anh em tự đun. Nấu nước xong, bộ đội đào một hố dài rồi lót ni lông, đổ nước lã pha với nước sôi vừa đủ nóng để ngâm.

Lúc đầu, những người bị đau quá mới ngâm, sau thì cả tiểu đội cùng ngâm, vì được ngâm nước nóng nên chân đỡ phù, đỡ đau, đỡ mỏi rất nhanh. Ngâm xong, rửa chân sạch sẽ, băng bó các vết sây sát, ngủ một giấc, hôm sau bộ đội lại hành quân được ngay. Việc ngâm chân nước nóng, anh em thấy tốt cho sức khỏe nên làm theo thành phong trào.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Cù.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài hơn dự kiến. Phần lớn bộ đội phải sinh hoạt trong chiến hào. Cấp trên ra chủ trương phải bình thường hóa sinh hoạt, tìm mọi cách bổ sung quân số, trong đó có việc điều trị cho anh em thương binh mau khỏi để về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Làm công tác phòng bệnh cho bộ đội, y sĩ Nguyễn Hữu Cù được chủ động sắp xếp công việc, là lực lượng dự trữ của Ban Quân y để đề phòng những nhiệm vụ bất thường. Những ngày nghỉ, y sĩ Nguyễn Hữu Cù lại tranh thủ xuống đơn vị để tuyên truyền, hướng dẫn bộ đội cách phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe. Cũng nhờ xuống đơn vị, ông mới biết việc nhà văn Nguyễn Đình Thi đi làm cán bộ chính trị trong Quân đội để hiểu tình hình bộ đội. Lại có một tổ điện ảnh 3 người do ông Nguyễn Tiến Lợi phụ trách đi theo đơn vị. Những thước phim đen trắng có hình ảnh quân Pháp giơ tay đầu hàng, xếp hàng rời khỏi trận địa là do ông Nguyễn Tiến Lợi quay.

Đại tá Nguyễn Hữu Cù kể: “Hệ thống chiến hào của bộ đội đào trong 2 tháng phải nói là vĩ đại, cắt ngang cắt dọc, bao vây các cứ điểm ở Điện Biên Phủ. Chiến hào ra tận nơi chiến sĩ trực tiếp chiến đấu chỉ cách địch 10-15m. Nước ngập đến cổ chân, có nơi tới đầu gối. Anh em chiến sĩ khoét vào thành hào đủ một chỗ để nằm ban đêm, bên ngoài che một tấm vải màn là có chỗ nghỉ ngơi. Để bảo đảm sức khỏe, lực lượng phòng bệnh còn phải vận động bộ đội ngủ màn để chống sốt rét. Nằm màn trong hành quân đã khó, nằm màn ở chiến hào lại càng khó. Hầm lúc đó có 2 loại: Loại có nắp, đào ở ngách chiến hào cho cá nhân hoặc tổ 3 người và hầm hàm ếch khoét vào thành chiến hào. Dù trắng của địch thả rơi vào trận địa ta nhiều, anh em lấy dù trải ra làm chiếu. Cửa hầm lấy màn che, lúc bình thường vén lên, lúc ngủ hạ xuống, muỗi không vào được, ai không có màn thì che cửa hầm bằng tấm vải dù. Đã có câu ca khen ngợi sáng kiến: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Ở hầm mà vẫn thường xuyên nằm màn. Bằng việc ngủ màn và làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch nên sức khỏe bộ đội được bảo đảm, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch”.

 Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ