Nghi binh hoàn hảo

Do ý nghĩa quan trọng của chiến dịch nên Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng đã vào Mặt trận Tây Nguyên (B3) tổ chức Sở chỉ huy tiền phương của Bộ trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Theo phương án được thông qua, những đơn vị tham gia chiến dịch nhanh chóng nhận nhiệm vụ cụ thể, tổ chức trinh sát, huấn luyện tác chiến cho bộ đội. Đặc biệt, Sư đoàn 968 (mới được điều từ Hạ Lào về) có nhiệm vụ hoạt động nghi binh, giam chân khối chủ lực Quân đoàn 2 ngụy ở Kon Tum và Pleiku. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của chiến dịch.

Sinh thời, trong nhiều lần trò chuyện với chúng tôi, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến (đã mất tháng 11-2024), trong Chiến dịch Tây Nguyên là Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận, người chịu trách nhiệm soạn thảo kế hoạch nghi binh, kể: “Tôi mất hai tuần gần như không nghỉ để hoàn thành 20 trang viết tay nội dung bản kế hoạch. Khi thông qua, Bộ tư lệnh Chiến dịch phổ biến quy định cho các đơn vị nếu nhận kế hoạch mà có chữ “kế hoạch B” thì chỉ huy đơn vị cần lưu ý “không làm theo”. Bằng việc triển khai các hoạt động nghi binh trong khoảng 4 tháng, ta đã thành công đưa quân địch vào “ma trận” thật giả lẫn lộn. Riêng Sư đoàn 968 phối hợp với lực lượng tại chỗ được bố trí ở các hướng cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai, lúc là “Bộ tư lệnh Mặt trận B3”, khi là “Sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn 320”... chủ động để địch “bắt được” các mệnh lệnh qua mạng thông tin giả. Đồng thời với việc cố tình phao tin sắp đánh lớn ở Gia Lai, Kon Tum, đêm đêm, ta còn cho các xe kéo pháo, xe tăng cơ động thay đổi vị trí rầm rộ khiến địch phải điều động lực lượng lên phía Bắc mà bỏ ngỏ phòng thủ Buôn Ma Thuột”.

leftcenterrightdel
Bộ đội ta làm chủ sân bay Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu 

Là một trong những người trực tiếp chỉ huy đơn vị tiến hành các hoạt động nghi binh, Đại tá Lê Quang Huân, nguyên Phó giám đốc Học viện Hậu cần, bấy giờ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968) kể: “Trung đoàn chúng tôi có nhiệm vụ tổ chức đánh trận nghi binh mở màn tại Chốt Mỹ, một cứ điểm trọng yếu án ngữ phía Tây Nam thị xã Pleiku, sát phía Nam Đường 19. Căn cứ vào nhiệm vụ và tình hình địch-ta, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn xác định quyết tâm “bí mật, bất ngờ cơ động lực lượng, đánh nhanh, tiêu diệt gọn các mục tiêu chủ yếu, quan trọng, làm chủ chiến trường”.

Tôi còn nhớ, khi đánh đến lô cốt cuối cùng, chiến sĩ cầm cờ Đậu Vĩnh Nguyên dù đã hy sinh nhưng tay vẫn nắm chặt lá cờ giải phóng. Cho tới khi Trung đội trưởng Phan Văn Láy đến, tay anh mới buông lỏng. Nhận lá cờ từ tay đồng đội vừa ngã xuống, đồng chí Láy đã hoàn thành nhiệm vụ cắm cờ lên trung tâm chỉ huy cứ điểm. Đến 17 giờ ngày 1-3-1975, chỉ sau 60 phút nổ súng tiến công, ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Chốt Mỹ, tiêu diệt 57 tên địch, bắt 1 tên phó chỉ huy đại đội, thu nhiều vũ khí, trang bị”...

Bị các hoạt động nghi binh chiến dịch của ta làm cho lạc hướng, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu 2 ngụy ra lệnh cho các đơn vị phòng thủ tại Kon Tum và Pleiku củng cố hệ thống bố phòng, tăng cường sục sạo và tổ chức tiến công từ tuyến ngoài nhằm tiêu hao lực lượng, làm giảm sức tiến công của ta khi đánh sâu vào trong thị xã Pleiku. Tuy nhiên, đến đêm 18-2-1975, nhận được tin “Sư đoàn 10 đã hành quân vào phía Nam chuẩn bị đánh Đức Lập, Sư đoàn 320 sang Tây Ea H’leo chuẩn bị đánh Thuần Mẫn, một lực lượng khác đang chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột”, Đại tá Trịnh Tiêu, Trưởng phòng Tình báo Quân khu 2 ngụy đã báo cáo Phạm Văn Phú: Những hoạt động ở Kon Tum và Pleiku chỉ là hoạt động nghi binh của Việt cộng, ý định thực sự của họ sẽ là đánh vào Buôn Ma Thuột. Đồng thời với phát hiện này, Phạm Văn Phú lại nhận được thông báo từ phía Mỹ khẳng định rằng “tình hình chưa có gì thay đổi, các đơn vị Việt cộng vẫn ở chỗ cũ”...

“Những tin tức trái ngược khiến tướng Phú bán tín bán nghi. Y quyết định rút Trung đoàn 45 từ Pleiku về khu vực Ea H’leo để sục sạo tìm Sư đoàn 320. Trước tình hình địch đã có nghi ngờ dù chưa phát hiện ý định và lực lượng chiến dịch của ta, để chủ động đề phòng, Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định đẩy mạnh hoạt động nghi binh trên hướng Kon Tum và Pleiku để thu hút Trung đoàn 45. Thực hiện ý định trên, thủ trưởng Vũ Lăng lệnh cho tôi cho phát một bức điện giả với nội dung: “Địch đã bị lừa, cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột nên đã đưa Trung đoàn 45 xuống phía Nam”. Bắt được bức điện này của ta, Phạm Văn Phú dứt khoát từ bỏ ý định đưa quân tăng cường cho Buôn Ma Thuột”-Trung tướng Khuất Duy Tiến cho biết.

Khí thế chiến thắng

16 giờ ngày 9-3-1975, từ những vị trí tập kết, các đơn vị của ta theo 5 mũi tiến công cùng hướng về Buôn Ma Thuột. Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Trì (hiện sống ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội), bấy giờ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, kể: “Đơn vị tôi xuất phát ở hướng Tây, dẫn đầu đoàn xe cơ giới là các đơn vị xe tăng tiến theo dấu lộ tiêu do công binh cắm sẵn. Cây trên đường vẫn đứng nguyên, nhưng thực tế đã được các chiến sĩ công binh cưa trước ba phần tư và ngụy trang kín đáo. Đến nơi, xe tăng chỉ cần húc nhẹ là cây đổ và con đường mới hình thành cho xe qua. Các loại phương tiện để đưa từng tiểu đoàn vượt sông Sêrêpốk sang bờ bên kia an toàn cũng được chuẩn bị đầy đủ. Sức bộ đội ta thật phi thường!”.

Sáng sớm 10-3, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên lệnh cho Trung đoàn Đặc công 198 tiến công chiếm sân bay Buôn Ma Thuột. Sau hai giờ chiến đấu, bộ đội đặc công đã chiếm hai phần ba sân bay. Một mũi khác của ta đã vượt Đường 14 đánh chiếm khu cảnh sát, tiếp đó là làm chủ sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, mở hành lang cho mũi thọc sâu tiến vào thị xã. Các trận địa pháo chiến dịch cũng bắn phá dữ dội vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy... Qua một ngày, trên các hướng, bộ đội ta chiến đấu ngoan cường, dũng cảm thọc sâu, phát huy hiệu quả hiệp đồng binh chủng cũng như công tác phối hợp giữa bộ đội chủ lực với LLVT địa phương, làm chủ phần lớn các mục tiêu quan trọng trong thị xã Buôn Ma Thuột và các cứ điểm án ngữ vòng ngoài.

leftcenterrightdel

Trung tướng Khuất Duy Tiến (bên phải) và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, hai người anh hùng

từng tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 1-2022. Ảnh: TUẤN TÚ 

Hồi tưởng về khí thế chiến đấu anh dũng của bộ đội ta ngày ấy, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch, kể: “Tôi còn nhớ, khi chiếc xe tăng đi đầu của mũi thọc sâu Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 bị sa lầy, máy bay địch oanh tạc vào đội hình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Trương Quang Oánh đã bình tĩnh, dũng cảm vượt lên chỉ huy bộ đội và anh dũng hy sinh. Khi xe tăng ta tiến vào cửa mở, khói bụi mù mịt khiến chiến sĩ lái không nhìn rõ đường. Bất chấp hiểm nguy, Đại đội trưởng Lê Xuân Chuyển đã cùng đồng đội cầm cờ đứng hai bên cửa mở làm lộ tiêu cho xe tăng mũi thọc sâu tiến vào. Phó trung đội trưởng Nguyễn Văn Trung (thuộc Trung đoàn 148) trước tình huống cửa mở hẹp, xe tăng và bộ binh bị ùn lại, đã ôm bộc phá xông lên dưới làn đạn bắn thẳng của địch, mở rộng đường cho xe tăng ta tiến công”.

11 giờ ngày 11-3-1975, ta thành công cắm cờ lên sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Nhưng theo lời kể của nhiều nhân chứng từng tham gia chiến dịch mà chúng tôi được gặp, những ngày tiếp sau đó, cuộc chiến đấu vẫn diễn ra quyết liệt. Cho đến ngày 17-3, khi Trung đoàn 66 và một bộ phận của Trung đoàn 149 làm chủ Căn cứ 53 (hậu cứ của Trung đoàn 53 ngụy), thị xã Buôn Ma Thuột mới thực sự hoàn toàn giải phóng.

Trên đà thắng lợi, để lại phía sau một vùng cao nguyên bao la, theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh Chiến dịch, các đơn vị mở rộng tiến đánh xuống phía Nam. Sư đoàn 320 giải phóng thị xã Tuy Hòa, trong khi tại khu vực đèo Phượng Hoàng, Sư đoàn 10, Trung đoàn 25 và xe tăng ta mở đợt tiến công vào toàn bộ các cụm quân của Lữ đoàn dù số 3 ngụy. “Chỉ trong một thời gian ngắn cơ động tấn công, trung đoàn tôi đã làm chủ sân bay Ninh Thuận. Phòng tuyến phía Tây Ninh Hòa của địch bị đập tan”-Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 25, nhớ lại.

Đến 14 giờ ngày 3-4-1975, quân ta hoàn toàn làm chủ quân cảng Cam Ranh, đánh dấu thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên. “Hơn 28.000 quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên giành lại quyền làm chủ mảnh đất quê hương. Chúng tôi-những chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên đã hoàn thành lời thề sắt son “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như lời căn dặn của Bác Hồ”-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể lại trong niềm xúc động, tự hào.

BÍCH TRANG - VĂN TÁM