Mùa khô năm 1984-1985, Bộ tư lệnh Quân khu 5 xác định tập trung giải quyết dứt điểm các căn cứ của địch trên biên giới Tây Bắc Campuchia bằng chiến dịch tiến công (mật danh K1) vào khu vực ngã ba biên giới của 3 nước Campuchia, Thái Lan và Lào. Địch ở khu vực ngã ba biên giới có khoảng 2.000 tên, trong đó đáng chú ý là hai sư đoàn quân Pol Pot (801 và 920), cơ quan Vùng 105 của bọn phản động FULRO. Ý định chiến đấu của Tư lệnh Quân khu 5 là: Sử dụng một lực lượng vừa phải, chủ động tiến công chính diện vào dải phòng ngự của địch để nghi binh, buộc chúng phải bộc lộ hỏa lực và dồn lực lượng ra phía trước đối phó.
Tham gia chiến dịch, Tiểu đoàn Bộ binh 5 do Thượng úy Lê Chiêm, Quyền Tiểu đoàn trưởng (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) chỉ huy có nhiệm vụ đánh “cài then”. Cụ thể, Tiểu đoàn được tăng cường một trung đội tên lửa tầm thấp A72 của Quân khu, tổ chức cơ động luồn sâu vào căn cứ địch, hình thành một vòng vây chia cắt, sẵn sàng ngăn chặn địch rút chạy từ trong nội địa về căn cứ và đánh địch phản kích từ bên ngoài vào.
Thượng tướng Lê Chiêm nhớ lại: “Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, tình hình địch và địa bàn tác chiến, Ban chỉ huy Tiểu đoàn chủ động kết hợp vừa làm công tác chuẩn bị chiến đấu vừa tổ chức hành quân rèn luyện. Đây là một yêu cầu rất lớn. Quá trình cơ động đến vị trí tập kết, bộ đội phải vượt qua quãng đường 50km, có dãy Đăng Rếch với những vách đá dựng đứng. Đơn vị tác chiến độc lập trong đất địch, bằng vũ khí trong biên chế, không có sự chi viện hỏa lực của cấp trên. Toàn Tiểu đoàn mới có số ít cán bộ đánh một số trận, còn tiểu đội trưởng, chiến sĩ chưa trải qua chiến đấu. Trong khi đó, địch tại căn cứ được trang bị hỏa lực mạnh, có sự chi viện của không quân”.
Ban chỉ huy Tiểu đoàn Bộ binh 5 lúc này gồm: Thượng úy Lê Chiêm, Quyền Tiểu đoàn trưởng; Đại úy Nguyễn Thành Thiện, Chính trị viên Tiểu đoàn và Đại úy Đinh Văn Hiện, Tiểu đoàn phó. Từ chỉ huy Tiểu đoàn trở xuống, mỗi người phải mang ba lô nặng ít nhất 40kg. Do đơn vị đang đóng quân tại khu vực ngã ba biên giới, phải giữ yếu tố bí mật nên Tiểu đoàn phải tìm vào rừng rậm để hành quân rèn luyện. Ban đêm hành quân mang vác nặng, ban ngày huấn luyện chiến đấu, học tập chính trị, xây dựng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Trong các buổi sinh hoạt, thường xuyên có cán bộ cơ quan Trung đoàn, Sư đoàn và cán bộ cơ quan chính trị cùng dự với Tiểu đoàn. Với quan điểm thà thiếu còn hơn đủ mà không đạt chất lượng nên những đồng chí cán bộ chưa thật sự yên tâm tư tưởng sẽ được chỉ huy Sư đoàn chuyển sang đơn vị khác.
Sau gần hai tháng làm công tác chuẩn bị, ngày 2-1-1985, Tiểu đoàn làm lễ xuất kích. Trong suốt quá trình hành quân, đơn vị không gặp địch. Đây là một thắng lợi lớn vì giữ được bí mật trong khi hành quân cơ động, triển khai thế cài xen kẽ theo đúng ý định của Sư đoàn Bộ binh 2 đối với một tiểu đoàn có tổng quân số gần 600 cán bộ, chiến sĩ không phải là điều dễ dàng. Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh: “Chúng tôi luồn sâu vào vị trí của địch nên bí mật là yếu tố quyết định đến thắng lợi. Do đó, đơn vị đã luyện tập rất kỹ về công tác giữ bí mật khi hành quân. Nếu bị lộ, địch sử dụng pháo binh đánh phá vào đội hình thì không lường hết được hậu quả”.
Theo phương án chiến đấu, lợi dụng địa hình, địa vật, toàn Tiểu đoàn hình thành thế bao vây, ngăn chặn địch trên chính diện khoảng 5km, không cho chúng chạy vào căn cứ để đơn vị bạn nổ súng tiêu diệt. Trong đó, Đại đội 5 do Đại đội trưởng Ngô Văn Phụng chỉ huy chốt chặn phía trước, Đại đội 6 do Đại đội trưởng Vũ Tiến Tươi chỉ huy chốt chặn phía sau và Đại đội 7 do Đại đội trưởng Lê Anh Quân chỉ huy làm nhiệm vụ cơ động, sẵn sàng chi viện cho các đơn vị bạn đánh địch. Hỏa lực của Quân khu tăng cường và biên chế của Tiểu đoàn sẽ do Tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy để kịp thời chi viện trên các hướng.
Tình huống bất ngờ xảy ra, khoảng 4 giờ đơn vị mới vào đến khu vực tác chiến, nhưng chưa kịp bố trí trận địa thì địch chạy vào đội hình của ta. Thượng úy Lê Chiêm giao cho Đại đội 7 ở lại đánh địch để chúng không biết có bộ binh ta bao vây. Các bộ phận khác tiếp tục cơ động về vị trí để nhanh chóng hình thành hành lang bao vây từ phía trong vì yếu tố bí mật không còn. Biết đã bị ta vây chặt, sáng hôm sau, địch sử dụng pháo binh đánh mạnh vào trận địa của ta. Đến khoảng 10 giờ, chúng huy động lực lượng từ căn cứ đánh phản kích vào trận địa của Đại đội 5. Phát hiện xạ thủ súng máy phòng không 12,7mm bị thương, Đại đội trưởng Ngô Văn Phụng lập tức lên thay thế. Trong lúc đang chiến đấu, anh bị một quả đạn ĐKZ của địch bắn trúng, hy sinh ngay tại trận địa. “Lúc đó, anh em hy sinh và bị thương, chúng tôi phải xử lý tại chỗ, chờ kết thúc chiến dịch mới đưa về vì ba bề bốn phía đều có địch”, Thượng tướng Lê Chiêm bùi ngùi chia sẻ.
Trước sự ngăn chặn quyết liệt của ta, địch tổ chức nhiều đợt phản kích đều bị bẻ gãy. Quân địch bên trong bị ta đánh mạnh, chạy ra căn cứ gặp “chiếc then cài” Tiểu đoàn Bộ binh 5 của ta cũng bị đánh bật trở lại. Bước sang ngày bao vây thứ hai, chỉ huy Tiểu đoàn xác định địch sẽ dùng máy bay ném bom để phá vòng vây nên triển khai cho các bộ phận lợi dụng hang đá ẩn nấp, Trung đội tên lửa A72 sẵn sàng đánh địch.
Đúng 10 giờ ngày 4-1-1985, 4 chiếc máy bay địch lên trận địa quần lượn một lúc rồi ném bom xuống đội hình Tiểu đoàn. Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh 2 Trần Minh Thiệt gọi điện cho Thượng úy Lê Chiêm hỏi tình hình liệu có bắn được máy bay không. Quyền Tiểu đoàn trưởng Lê Chiêm trả lời: “Báo cáo thủ trưởng! Ta không thể bắn được máy bay vì khi chúc xuống ném bom thì chúng phóng cầu lửa ra xung quanh, lao lên lại quay ngược về phía Thái Lan. Nếu ta bắn đuổi thì máy bay sẽ rơi trên đất Thái Lan”.
Bấy giờ, địch đã tìm hiểu về vũ khí, trang bị của ta nên khi lao xuống cắt bom sẽ phóng cầu lửa ra xung quanh để đánh lạc hướng tên lửa tầm nhiệt A72 (loại tên lửa này bám theo nguồn nhiệt của mục tiêu để kích nổ). Khi bay lên sẽ vòng ngược về phía Thái Lan, nếu ta bắn thì máy bay rơi trên đất Thái Lan sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Do đó, không quân địch ném bom từ 10 giờ đến 15 giờ vào đội hình nhưng đơn vị vẫn án binh bất động, dựa vào địa hình để bảo đảm an toàn.
Sau những ngày chiến đấu căng thẳng, mặc dù địch từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào nhưng Tiểu đoàn vẫn giữ được thế “cài then” để Sư đoàn đánh vào sở chỉ huy địch. “Lúc đó, chúng tôi bất ngờ nhất là địch gắn súng chống tăng ĐKZ, súng máy 12,7mm trên xe cơ động. Chỗ nào nghi ngờ, chúng dừng lại bắn xong là chạy ngay. Đường rừng quanh co, khúc khuỷu, không biết đâu mà lần. Đơn vị quyết tâm phải thu được trang bị của địch để về nghiên cứu. Sau đó, Tiểu đoàn đã bắn cháy mấy chiếc nhưng chỉ thu một chiếc tốt nhất bàn giao cho Sư đoàn. Thực ra, súng không phải loại mới nhưng địch đã cải tiến gắn trên xe để cơ động nên lúc đầu ta không biết nó là vũ khí gì. Đến chiều 5-1-1985, ta phát hiện được một khu kho, là nơi cung cấp đạn dược cho các lực lượng địch. Tôi gọi điện cho đồng chí Trần Minh Thiệt để xin ý kiến. Ông bảo, bây giờ phải tính toán cho kỹ, đánh vào đó là phải rút ra ngay chứ không được ở lâu”, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết.
Được sự đồng ý của Sư đoàn, Ban chỉ huy Tiểu đoàn xác định phương án tác chiến: Sử dụng Đại đội 7 tổ chức cơ động vào chiến đấu, thực hiện mở cửa bằng bộc phá ống vì địch gài mìn dày đặc, hiểm hóc để bảo vệ kho. Khoảng 18 giờ ngày 5-1-1985, bộ đội tiếp cận được mục tiêu. Sau khoảng hai giờ đồng hồ chiến đấu, Đại đội 7 đã đánh bại lực lượng giữ kho của địch, cho xạ thủ bắn đạn cháy M72 vào kho rồi rút ngay ra ngoài. Kết quả, kho đạn khoảng 280 tấn của địch cháy nổ dữ dội từ đêm hôm đó đến trưa hôm sau mới dứt, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, hàng chục xe vận tải và xe chiến đấu bị phá hủy, căn cứ địch bị xóa sổ. Tiểu đoàn Bộ binh 5 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lệnh hành quân sang tỉnh Stung Treng (Campuchia) trở về đội hình của Trung đoàn Bộ binh 38.
NGUYỄN SỸ LONG