Vẫn còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nên mấy hôm sau có lệnh về hậu cứ, chúng tôi mừng lắm. Chắc sẽ có một cái Tết vui vẻ để chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu mới. Chẳng ngờ lại được phổ biến, cả Sư đoàn sẽ chuyển địa bàn chiến đấu xuống phía Nam.

Sau khi được bổ sung đầy đủ súng đạn và lương thực, chúng tôi hành quân nhằm hướng Nam, ngày đi, đêm nghỉ và giữ bí mật tuyệt đối. Trung đoàn tổ chức đi theo từng đại đội, giãn cách thưa nên có dịp được nhìn thấy nhiều cảnh lạ dọc đường. Chúng tôi thấy có rất nhiều khu rừng như còn nguyên sinh. Có khi đi cả ngày trời mà không thấy dấu tích của bom đạn. Rừng rậm với đủ loại cây cổ thụ. Muông thú, chim chóc rất nhiều. Có lần, bên cạnh một con suối cạn, thấy có mấy hố to như hố bom, cá quẫy dày đặc, Đại đội trưởng linh động cho phép dừng lại chừng một tiếng. Chúng tôi lấy màn tuyn làm lưới, chỉ vợt đi vợt lại dăm lần ngang hố đã bắt được gần chục cân cá, nhiều con to cỡ bàn tay. Tối hôm đó, cả đơn vị được một bữa ăn tươi với cá luộc và canh cá nấu chua.

Đại đội 6 của tôi tới nơi tập kết mới là cánh rừng già khá bằng phẳng, có rất nhiều cây cổ thụ, những bãi cỏ rộng cùng nhiều khe suối cạn xung quanh. Chắc vào mùa mưa, nước trên núi chảy xuống nhiều tạo thành những con suối nhỏ. Xem trên bản đồ, nơi chúng tôi đóng quân cách Đường 14 hơn 10km, nhưng lại bị ngăn cách bởi một dãy núi có rừng rậm cao tới hơn 500m. Dù những đoàn xe của địch vẫn chạy hằng ngày trên đường nhưng chúng tôi không nghe thấy một âm thanh nào. Địch cũng không thể phát hiện trong khu rừng này có tới cả một trung đoàn Giải phóng quân. Chúng tôi chưa biết cụ thể nhiệm vụ sắp tới của đơn vị là gì. Mấy ngày ở đây, chúng tôi chủ yếu đào hầm, lập vài điểm chốt và chờ đợi.

leftcenterrightdel

Tác giả (bên phải) cùng đồng đội trong một lần thăm lại chiến trường xưa. Ảnh do tác giả cung cấp

Tết Ất Mão 1975 đã đến rất gần. Chúng tôi đón Tết ngay tại khu rừng này. Chuẩn bị cho chiến dịch nên lúc này chỉ được cấp gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn. Còn rảnh rang mấy ngày, chúng tôi tổ chức gói bánh chưng. Khe núi gần đó có cả rừng lá dong, chúng tôi chọn những lá to và đẹp nhất. Những cậu biết gói bánh chưng được tập trung lại. Anh nuôi ngâm gạo, đỗ... đúng bài bản. Đêm Ba mươi Tết, chúng tôi luộc bánh chưng bằng củi gộc bên bờ suối, tổ chức sinh hoạt Đại đội, ca hát, nhưng không được vỗ tay. Chỗ này củi lửa đốt cả đêm cũng không sợ lộ. Mồng Một Tết, mỗi người được phát một chiếc bánh chưng to. Chúng tôi được nghỉ ngơi cả ngày. Nhiều người tỏa ra xung quanh đào sâm đất, sao rễ lên nấu nước uống rất vui. Chỉ tiếc là không có điếu thuốc lá nào...

Sáng mồng Hai Tết có lệnh hành quân. Chúng tôi xuất phát đi chếch về hướng Đông Nam, sau chừng hơn hai tiếng đồng hồ thì đến chân một dãy núi cao. Đường lên núi cũng do trinh sát dẫn đường. Dãy núi này rất dài, chạy dọc từ Bắc xuống Nam, nằm sát Đường 14 về phía Tây, có đỉnh cao nhất là 884m. Đường lên núi rất cheo leo, hiểm trở và cũng chỉ có lối đi lên qua đỉnh cao 884m ấy mới sang được sườn Đông. Chúng tôi gặp lại cảm giác của những ngày leo dốc Trường Sơn. Đỉnh núi chỉ là một rẻo đất có bề rộng độ 30m. Sau đó là đi xuống dốc. Xuống đến khoảng 400m mới có những dải đất rộng hơn, chạy dài theo sườn núi. Khu vực này chính là nơi tập kết để chuẩn bị cho trận đánh. Lúc này, chúng tôi mới biết nhiệm vụ của Trung đoàn 9 (được tăng cường cho Sư đoàn 320) là đánh phục kích cắt đứt Đường 14, không cho địch từ Pleiku xuống chi viện cho Buôn Ma Thuột.

Sau hai tuần làm xong trận địa, cả đơn vị lặng lẽ ém quân chờ đợi. Ngày 7-3-1975, đơn vị tôi cùng Trung đoàn nổ súng đánh địch, cắt Đường 14 khi một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 ngụy hành quân từ Pleiku xuống. Trận đánh diễn ra chừng một tiếng đồng hồ. Cả đoàn xe địch bị bắn cháy và tiêu diệt gần hết, chỉ còn một số ít tháo chạy về Pleiku, bỏ lại 2 khẩu pháo 105mm. Mấy ngày sau, đơn vị chúng tôi cũng rời núi xuống đánh thêm vài trận nhỏ nữa rồi tiến vào Cheo Reo, sau đó xuống đồng bằng. Không ai có thể ngờ chiến thắng cứ dồn dập như thế cho tới ngày 30-4-1975. Chúng tôi cũng rời khỏi núi rừng từ đó, chưa có dịp nào trở lại cánh rừng nơi chúng tôi được ăn cái Tết cuối cùng trong chiến tranh với nhiều cảm xúc kỳ thú!

Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN