Đến tìm hiểu về trận đánh đồn Bần Yên Nhân, chúng tôi được Trung tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Mỹ Hào giới thiệu: Đồn Bần Yên Nhân nằm trên địa bàn xã Văn Phú, huyện Mỹ Hào (nay là phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào), được thực dân Pháp xây dựng để đồn trú quân, kiểm soát khu vực, đàn áp những người chống Pháp, đồng thời án ngữ cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và bảo vệ Đường 5-tuyến giao thông huyết mạch nối Hà Nội với Hải Phòng. Lực lượng ở đồn có một trung đội, do sĩ quan Pháp chỉ huy.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Theo thông tin từ nhân mối của ta, binh lính ở đồn Bần Yên Nhân hoang mang, dao động, tâm thế sẵn sàng đầu hàng, giao nộp vũ khí cho quân Nhật. Trước thời cơ thuận lợi đó, đồng chí Nguyễn Bình đã báo cáo Xứ ủy Bắc Kỳ xin được đánh địch ở đồn Bần Yên Nhân. Được cấp trên chấp thuận, đồng chí Nguyễn Bình đã tổ chức họp bàn, thống nhất cách đánh và thời gian là đêm 12-3-1945, khi quân Nhật về thu vũ khí của quân Pháp.
Được các đồng chí ở Ban CHQS thị xã Mỹ Hào liên hệ trước, chúng tôi tới nhà cụ Đỗ Thị Vần, sinh năm 1923, ở khu phố Cộng Hòa, phường Bần Yên Nhân. Dù đã ngoài 100 tuổi, song cụ Vần khá minh mẫn, còn đi lại tốt. Cụ kể với giọng rõ ràng: Đầu năm 1945, tôi được các anh chị Việt Minh giác ngộ, tham gia trinh sát đồn địch. Hằng ngày, chúng tôi cải trang đi cắt cỏ, chăn trâu quanh khu vực đồn Bần Yên Nhân để theo dõi quân số, quy luật hoạt động của địch... về báo cáo với các anh chị Việt Minh.
Một nhân chứng khác là ông Đặng Văn Mạch, sinh năm 1938, ở khu phố Văn Nhuế, phường Bần Yên Nhân. Ông kể: Năm 1945, tôi 7 tuổi, thường hay cùng các cô chú vào đồn Bần Yên Nhân đưa lương thực, thực phẩm, dọn dẹp vệ sinh. Do vậy, tôi được tiếp cận với nhân mối ở trong đồn chuyển thư từ, tin tức ra ngoài cho các cô chú Việt Minh. Hồi ấy, tôi cũng được các cô chú giao việc đón khách, dẫn đường. Tôi đi trước quan sát (vì nhỏ nên địch không để ý), nếu thấy không có địch canh phòng hay đi tuần, tôi quay trở lại dẫn các cô chú Việt Minh vượt qua đồn Bần Yên Nhân...
Với những thông tin từ nhân mối cung cấp và trinh sát của ta, sau khi bí mật chuẩn bị về mọi mặt, đêm 12-3-1945, trận đánh được tiến hành. Trong trận này, đồng chí Nguyễn Bình cải trang thành viên sĩ quan chỉ huy, các đồng chí tham gia trận đánh cải trang thành lính Nhật. Đúng “giờ G”, ở cơ sở nhà bà Thiềng gần đồn đốt pháo giả làm tiếng súng nổ. Nhân mối của ta là Nguyễn Văn Việt nhận đúng ám hiệu mở cửa đồn cho quân ta xông vào. Viên sĩ quan Pháp và binh lính trong đồn bị bất ngờ, buộc phải đầu hàng. Trận đánh kết thúc nhanh chóng, ta không tốn một viên đạn, bảo đảm an toàn, thu được nhiều vũ khí, súng, đạn của địch.
Thắng lợi trận tấn công đồn Bần Yên Nhân là sự vận dụng sáng tạo, nhạy bén chỉ thị của Trung ương Đảng và thực tế phong trào địa phương. Quân ta đã chớp thời cơ lúc giao thời, vận dụng lối đánh du kích, kết hợp lực lượng tấn công bên ngoài với nhân mối bên trong (nội công, ngoại kích); làm tốt công tác binh địch vận, mạnh dạn sử dụng lực lượng tại chỗ, khéo nghi binh, quyết đoán, bất ngờ áp đảo địch, bắt tù binh, thu vũ khí. “Hằng năm, chúng tôi chú trọng giáo dục truyền thống, truyền thụ kiến thức, vận dụng những bài học kinh nghiệm chiến đấu, trong đó có trận đánh đồn Bần Yên Nhân, để huấn luyện cho dân quân, tự vệ. Chúng tôi thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức quân sự mới, hiện đại, chuẩn bị tốt mô hình, đồ dùng, vật chất huấn luyện, bảo đảm sát thực tế ở địa phương...”, Trung tá Nguyễn Thế Vinh cho biết.
THÁI PHÚC BÌNH