Phi công Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1943, ở xã Hưng Mỹ, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Bạc Liêu (nay là huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Tháng 7-1965, ông nhập ngũ, sau đó trúng tuyển phi công và được cử đi đào tạo tại Liên Xô. Ông về nước tham gia chiến đấu năm 1968. Hồi ấy, đồng đội thường gọi ông là Nguyễn Văn Bảy B để phân biệt với một phi công cùng tên khác. Trong ký ức của vị đại tá phi công đã ở tuổi 84, những kỷ niệm về liệt sĩ, phi công Nguyễn Văn Bảy vẫn còn vẹn nguyên. Đó là một chàng trai vùng sông nước thư sinh, ít nói nhưng bay rất tốt.
Quá trình huấn luyện thường xuyên và nhiều lần cùng trực ban tác chiến, hai phi công thường hiệp đồng khá ăn ý. Đại tá Lê Xuân Dỵ kể: “Bảy kém tôi 5 tuổi và học bay sau tôi một khóa. Sau khi từ Liên Xô về nước, Nguyễn Văn Bảy là phi công tiêm kích MiG-17 thuộc Phi đội 4 của Trung đoàn Không quân 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân mà tôi là Phi đội trưởng. Gần 8 năm cùng đội hình chiến đấu, tôi nhận thấy Bảy là người có ý chí quyết tâm rất cao với tinh thần sẵn sàng xuất kích trong mọi tình huống. Bảy thường tâm sự với tôi, anh mong sớm đánh thắng giặc Mỹ để về xây dựng quê hương”.
Năm 1972, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ thường xuyên cho tàu khu trục vào gần bờ biển nước ta. Chúng thực hiện nhiều đợt pháo kích quy mô vào các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông ven biển từ Quảng Bình đến Hải Phòng nhằm khống chế, uy hiếp các hoạt động trên biển và ven bờ của ta. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Không quân được giao nhiệm vụ lập phương án hiệp đồng với hải quân tìm cách đánh tàu địch. Ngày 19-4-1972, tàu chiến Mỹ pháo kích vào vùng biển Đồng Hới. Theo kế hoạch, biên đội hai chiếc MiG-17 gồm Lê Xuân Dỵ (số 1) và Nguyễn Văn Bảy B (số 2) được lệnh xuất phát từ sân bay dã chiến Khe Gát (Quảng Bình) tấn công tiêu diệt địch. Trận đánh diễn ra trong vòng 15 phút, các phi công của ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt, làm hỏng nặng hai tàu khu trục của Mỹ và trở về an toàn.
Đại tá Lê Xuân Dỵ nhớ lại: “Đây là chiến công đầu tiên của không quân Việt Nam đánh vào lực lượng hải quân Mỹ, cũng là trận đầu trong lịch sử, các phi công của ta sáng tạo cách đánh cắt bom theo nguyên lý “thia lia”. Để chuẩn bị cho trận đánh, nhiều tháng trước đó, những phi công có khả năng bay, đánh địch trên biển đã được tổ chức luyện tập dưới sự hướng dẫn của chuyên gia quân sự Liên Xô và Cuba ở Kiến An, Hải Phòng. Khi được cấp trên hỏi ai sẽ tham gia nhiệm vụ cùng mình, tôi đã không ngần ngại đọc tên Nguyễn Văn Bảy B”.
Theo lời kể của anh hùng Lê Xuân Dỵ, sở dĩ ông chọn Nguyễn Văn Bảy B không phải vì đồng chí bay giỏi hơn các phi công khác mà bởi ông nhận thấy Nguyễn Văn Bảy là người chững chạc, bay ổn định. Khi bay và tác chiến trên không, ông bám biên đội rất chặt và yểm hộ cho đồng đội rất hiệu quả. Sau trận đánh lần ấy, cấp trên có chủ trương giữ biên đội của hai người chỉ để dành đánh trên biển. Nhưng do sự khốc liệt của chiến tranh và yêu cầu nhiệm vụ, Nguyễn Văn Bảy B vẫn tiếp tục xuất kích chiến đấu không đối không.
Ngày 6-5-1972, phát hiện máy bay Mỹ chia thành nhiều tốp nhỏ tiến vào vùng trời miền Bắc, Thiếu úy phi công Nguyễn Văn Bảy B được sở chỉ huy hạ lệnh cất cánh từ sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài, Hà Nội). Cùng với chiếc MiG-17 của mình, ông đã có trận không chiến với toán máy bay cường kích của địch. Sau ít phút quần nhau với địch, ông đã bắn hạ một chiếc máy bay A-6 của địch, song máy bay của ông cũng trúng đạn của địch, rơi trên bầu trời Thanh Hóa. Phi công Nguyễn Văn Bảy đã anh dũng hy sinh. Ngày 20-12-1994, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
TUẤN TÚ