Sau vài lần lỡ hẹn do bận công việc, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn mới thu xếp được thời gian trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. “Từ một chiến sĩ bộ binh trưởng thành trong chiến đấu, rồi trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau trong Quân đội, tôi luôn nhớ về những năm đầu quân ngũ, cùng đồng đội làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào. Vết thương và mảnh đạn còn găm trong cơ thể vẫn nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời như càng nhắc tôi không được quên những kỷ niệm sinh tử năm  ấy”-ông bắt đầu câu chuyện.

Nhập ngũ ngày 26-3-1967, trong khu rừng Tân Lạc (Hòa Bình), Nguyễn Đức Sơn và các tân binh tích cực huấn luyện chuẩn bị bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam. Như bao thanh niên hồi ấy, ông háo hức mong đến ngày được trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù. Phải đến đầu tháng 9-1969, Sư đoàn 312 đang tiến hành đợt sinh hoạt chính trị thì nhận lệnh lên đường sang chiến trường Lào, cùng các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ liên minh chiến đấu với Quân đội Pathet Lào (nay là Quân đội nhân dân Lào), mở chiến dịch phản công mang mật danh “Chiến dịch 139”, còn gọi là Chiến dịch Toàn thắng. Trung đoàn 165 của đồng chí Nguyễn Đức Sơn được xác định là lực lượng tác chiến chủ yếu của Sư đoàn, có nhiệm vụ đánh địch trên cánh Nam chiến dịch ở khu vực Cánh Đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng...

leftcenterrightdel
 Trung trướng Nguyễn Đức Sơn.

Cuối tháng 11-1969, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165) của Nguyễn Đức Sơn sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia chiến đấu giải phóng thị xã Xiêng Khoảng thì được tách ra, độc lập đánh địch ở vòng ngoài, phía Đông Nam thị xã. Qua hơn một tháng chiến đấu, Đại đội 2 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để làm được điều đó, họ đã phải trải qua nhiều trận đánh quả cảm. Trong đó, riêng với cao điểm Măng Mô, Đại đội 2 phải tổ chức tới hai trận chiến đấu mới tiêu diệt được.

Trận thứ nhất diễn ra đêm 19 rạng sáng 20-12-1969. Do quá trình tiếp cận trận địa bị lộ, đơn vị buộc phải nổ súng sớm hơn kế hoạch. Địch chống trả quyết liệt nên ta phải rút về, tổ chức chiến đấu lại. Nhớ lại trận đánh ở cao điểm Măng Mô ngày ấy, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn kể: “Trước khi trận đánh lần thứ nhất diễn ra, chúng tôi đã gặp hai điểm trục trặc. Thứ nhất là về cách đánh: Khi đi trinh sát về, đồng chí đại đội trưởng nêu phương án đánh “mật tập”, tức là tập kích bí mật theo kiểu đặc công. Một số ý kiến khác cho là với địa hình ở Măng Mô nên đánh “cường tập”,  nghĩa là dùng hỏa lực đánh cấp tập trước rồi bộ đội xung phong lên tiêu diệt địch. Cuối cùng đại đội kết luận thực hiện đánh “mật tập” là học tập các trận đánh vừa diễn ra ở thị xã Xiêng Khoảng. Kết luận đó chưa có cơ sở khoa học và thực tế sắc bén nên lòng tin của bộ đội chưa cao. Trục trặc thứ hai là ở trung đội tôi. Lúc đi trinh sát, đồng chí trung đội trưởng đi, tôi là trung đội phó trực ở vị trí trú quân. Khi chuẩn bị chiến đấu, đồng chí trung đội trưởng có biểu hiện quyết tâm không cao nên đại đội quyết định để đồng chí làm nhiệm vụ tuyến sau, tôi đảm nhiệm mũi trưởng ở hướng thứ yếu của trận đánh.

Do chưa được đi trinh sát, chưa nắm chắc địa hình nên đội hình tiến công của chúng tôi đi vào chỗ có sườn dốc cao quá, khó tiếp cận mục tiêu. Trước giờ nổ súng đã định khoảng 15 phút, ở hướng chủ yếu, ta bị địch phát hiện khi đang tiếp cận. Chúng báo động và chủ động tấn công ở tất cả các hướng. Tình huống ấy buộc chúng tôi phải nổ súng sớm. Hướng của tôi đã tiếp cận gần đến vị trí, nên lập tức xung phong diệt địch và chiếm được lô cốt đầu cầu. Xạ thủ B40 Nguyễn Văn Vịnh đã bắn trúng miệng hầm của lô cốt thứ hai, tạo điều kiện để toàn bộ lực lượng của hướng thứ yếu tràn lên, dựa vào lô cốt địch để chống lại chúng. Tuy nhiên sau đó, do các hướng tấn công khác của đại đội không phát triển được nên địch quay lại tập trung hỏa lực bắn trả quyết liệt khiến chúng tôi cũng không phát triển được nữa”.

Tranh thủ thời gian nghỉ giữa trận đánh, quan sát toàn bộ cao điểm, Trung đội phó Nguyễn Đức Sơn thấy rõ quân địch còn rất đông. Ông nhận định, lực lượng của địch trên cao điểm Măng Mô là khoảng một đại đội với hơn 100 tên chứ không phải chỉ có khoảng một trung đội như dự tính.

Bấy giờ, do xác định đánh mật tập nên vũ khí, đạn dược trang bị của mỗi chiến sĩ là 1 khẩu súng với 2 băng đạn, 4 quả thủ pháo và 3 quả lựu đạn, khẩu B40 của chiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh chỉ có 3 quả đạn. Trung đội phó Nguyễn Đức Sơn chỉ huy bộ đội cầm cự được một thời gian thì đạn cũng cạn, đã có một đồng chí hy sinh, một bị thương. Quan sát thấy các hướng mũi khác vẫn không phát triển được, ông quyết định cho bộ đội rút lui, còn ông và chiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh ở lại kìm chân địch.

leftcenterrightdel

Trung trướng Nguyễn Đức Sơn (bên trái) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào). Ảnh do nhân vật cung cấp 

Theo trí nhớ của Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh là đồng hương với ông, quê ở thôn Kiều Đông, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Hai người bằng tuổi, nhập ngũ và biên chế về Đại đội 2 cùng một ngày. Trong tình huống hôm ấy, họ đã sẵn sàng đối mặt với hy sinh, ở lại quyết tâm chiến đấu với kẻ thù để đồng đội rút về tuyến sau an toàn.

“Tôi giao cho Vịnh nhắm bắn địch ở bên phải, còn tôi bắn chặn bên trái. Phía bên phải quân địch đông hơn, một quả đạn B40 của Vịnh có thể tiêu diệt nhiều tên cùng một lúc. Hai chúng tôi chiến đấu được hồi lâu thì Vịnh sau khi đã bắn hết hai quả B40 bị đạn địch bắn trúng mặt. Tôi băng bó cho Vịnh nhưng tiên lượng xấu vì vết thương rất nặng. Thương Vịnh quá! Không thể để anh lại mà đi xuống một mình được, tôi quyết định kéo Vịnh vừa đánh trả, vừa rút lui. Đoạn đường từ trên cao điểm xuống chân đồi chỉ chừng hơn 100m nhưng tôi phải mất hàng giờ di chuyển. Đạn bay chát chúa, bủa quanh, nhiều mảnh găm vào người. Tôi thấy nhói, buốt lạnh ở đầu, lưng và chân phải. Máu chảy đầm đìa. Khi gặp được anh em đón ở chân đồi thì cũng là lúc tôi ngất đi vì mất nhiều máu. Đồng đội lập tức sơ cứu và cáng tôi về trạm phẫu của trung đoàn. Tôi tỉnh lại lúc trời cũng gần sáng và rất buồn khi biết Vịnh đã hy sinh”-Trung tướng Nguyễn Đức Sơn nhớ lại.

Trận đánh ở cao điểm Măng Mô ấy, ông Nguyễn Đức Sơn đã bị 6 mảnh đạn găm vào người. Nhưng rất may, hầu hết chỉ vào phần mềm. Nặng nhất là mảnh đạn nhỏ găm vào đầu không thể lấy ra được, ông đành phải “chung sống hòa bình” với nó đến tận bây giờ. Sau 3 tuần điều trị, sức khỏe bình phục, ngay lập tức ông xung phong quay lại chiến trường, kịp tham gia chiến đấu ở giai đoạn 3 của Chiến dịch 139.

Sau gần 3 năm chiến đấu trên đất bạn Lào, đơn vị của Nguyễn Đức Sơn nhận lệnh trở về nước tăng cường cho Mặt trận Quảng Trị. Các trận đánh cùng chiến công và cả những hy sinh, mất mát lại tiếp tục diễn ra. Nhất là trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, trên cương vị là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, đồng chí Nguyễn Đức Sơn đã kiên cường cùng đồng đội chiến đấu đến khi có lệnh rút ra. Trên nhiều trọng trách được giao, như nhiều cán bộ chỉ huy khác, đồng chí Nguyễn Đức Sơn cũng có biết bao nhiệm vụ nặng nề cùng những lo toan không bao giờ dứt. Sự hy sinh, mất mát của mỗi đồng đội luôn in đậm trong tâm trí ông.

“Tôi luôn cảm thấy đau xót và thương tiếc, cũng cảm thấy như mình có lỗi vì đã không làm được gì để giảm bớt thương vong cho bộ đội. Sau này, mỗi lần có dịp gặp gỡ, chúng tôi đều ôn lại kỷ niệm trong thời gian chiến đấu. Nhắc đến từng sự việc đã diễn ra, chúng tôi tưởng nhớ đến các liệt sĩ, nhắc đến tên của từng người đã cùng chúng tôi vượt qua thời gian khổ, ác liệt nhưng cũng rất huy hoàng. Nhớ đến anh em, đồng đội không thể trở về, chúng tôi lại động viên nhau thay họ viết tiếp truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống hôm nay”-Trung tướng Nguyễn Đức Sơn tâm sự.

ĐỨC VŨ