Cuối tháng 8-1956, Văn phòng Bộ Quốc phòng điện mời đồng chí Lê Nam Thắng lên làm việc với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và nhận nhiệm vụ mới. Tại trụ sở Bộ Quốc phòng, sau hội nghị công bố Nghị định số 030/NĐ ngày 23-8-1956 của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Cục Nông binh và quyết định bổ nhiệm Cục trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi đồng chí Lê Nam Thắng:
- Anh Khiếng, Bộ bổ nhiệm anh làm Cục trưởng, anh có ý kiến gì đề đạt với Bộ, xin cứ cho biết.
Cục trưởng Lê Nam Thắng rất xúc động khi nghe Đại tướng nhắc đến tên “cúng cơm” của mình. Tên khai sinh, vào sổ làng của ông là Nguyễn Đình Khiếng. Ông Khiếng được cán bộ, người dân các vùng Thanh Chương, Nam Đàn, Vinh, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Trường Thi-Bến Thủy... biết đến là một người hoạt động cách mạng tích cực ở Nghệ Tĩnh. Cơ quan mật thám Nghệ An-Hà Tĩnh liệt ông vào loại “nguy hiểm”, “đặc biệt nguy hiểm”... Khi tham gia cách mạng, Nguyễn Đình Khiếng lấy tên mới là Lê Nam Thắng, với ý nghĩa “Việt Nam chiến thắng”. Khi ông giữ chức Chính ủy Trung đoàn 57 (tiền thân là Chi đội Đội Cung) và lúc ở cương vị chỉ huy Liên khu 4 (Quân khu 4 ngày nay), mỗi lần đi cơ sở thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, bà con thường chào ông là “ông Khiếng”. Các lão nông rỉ tai nhau: Ông Khiếng “gan cóc tía”, hay cầm cờ đi trước. Địch bắn rách cờ, ông cầm cán cờ hô hào dân chúng ào lên...
Nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi vậy, Đại tá Lê Nam Thắng đứng nghiêm đáp: “Xin chấp hành mệnh lệnh!”.
|
|
Thiếu tướng Lê Nam Thắng. |
Tại Hội nghị quân chính đầu tiên triển khai nhiệm vụ năm 1957 của Cục Nông binh, Cục trưởng Lê Nam Thắng báo cáo Quy hoạch nông trường Quân đội đã được Bộ Quốc phòng thông qua.
“Tư lệnh” nông binh Lê Nam Thắng đề xuất Bộ Quốc phòng cho phép Cục thành lập và trực tiếp quản lý một số nông trường để làm trước và rút kinh nghiệm chỉ đạo toàn quân. Từ đó, các Nông trường Bình Minh (Ninh Bình) và Rạng Đông (Nam Định) ra đời.
Một lần về làm việc ở vùng biển, ông cho rằng cần phải đắp đê lấn biển. Ý định này được đưa ra bàn bạc, nghiên cứu, trở thành điểm nhấn trong nhiều nghị quyết của Đảng ủy Cục Nông trường Quân đội.
Quá trình triển khai Quy hoạch nông trường Quân đội, Cục trưởng Lê Nam Thắng luôn bám sát cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo. Lúc ông ngược Tây Bắc, sang Đông Bắc, lúc xuống Khu 3, vào Khu 4... Hành lý ông mang theo là chiếc võng, bi đông nước, mấy cân lương khô, ít thuốc phòng bệnh tiêu hóa, chống sốt rét... Những nơi ông đến đều “đèo heo hút gió”, “ma thiêng nước độc” và thường được gọi là “3 không”, “4 không”: Không dân, không đường, không trường, không chợ...
Ông nói với các đồng chí đi cùng: “Ông cha ta từng có kế hoạch lập đồn điền binh ở các vùng biên ải, vì sự nghiệp quốc thịnh, binh cường. Sao bây giờ ta lại không làm? Việc làm của chúng ta ngày nay mang nhiều ý nghĩa chiến lược”. Vì vậy, ông lao vào công việc, quên cả mệt mỏi, bệnh tật do hậu quả của những năm trong lao tù thực dân để lại.
Có lần tôi đi công tác đến các nông trường ở miền Tây Thanh Hóa với ông. Đến nơi là ông xuống ngay cơ sở để gặp gỡ các quân nhân, hỏi thăm họ, trao đổi về kỹ thuật, thổ nhưỡng, thời vụ, những điều được và bất cập trong quản lý lao động, năng suất, chất lượng... Ông động viên bộ đội quê miền Nam không chỉ lao động tích cực mà còn phải chuẩn bị mọi mặt, để khi cần vượt Trường Sơn về miền Nam chiến đấu. Cả nước ta còn một nhiệm vụ lớn: Giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối.
Tôi nhớ khi gặp anh Lâm Thái Hòa, nguyên là Trung đoàn trưởng một đơn vị ở chiến trường Nam Bộ tập kết ra miền Bắc, khi đó là Giám đốc Nông trường Yên Giang (Thanh Hóa). Anh tâm sự: “Tôi thực sự khâm phục sức làm việc của Cục trưởng Lê Nam Thắng. Ông làm việc với chúng tôi có lúc đến 1-2 giờ sáng mà vẫn tỉnh như sáo, 4 giờ sáng lại lên xe về Hà Nội để kịp giao ban. Ông dặn tôi: “Hòa, nhờ anh em chuẩn bị cho mình hai suất xôi ăn sáng, vừa đi vừa ăn mới kịp giờ làm việc”. Tư lệnh như vậy, cán-binh cấp dưới không tích cực làm việc thì không được!”.
Còn nhớ, khoảng tháng 10-2005, Hà Nội se lạnh. Tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở phố Tăng Bạt Hổ. Vẫn giọng Nghệ đặc sệt, ông kể về những kỷ niệm khi chỉ huy bộ đội làm kinh tế. Ông xúc động bảo: “Không thể nào quên được mùa hè năm 1959, sau hai năm lao động cật lực, bộ đội các nông trường Quân đội đã xây dựng xong hai tuyến đê quai Bình Minh, Rạng Đông dài gần 30km kéo dài trên địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, góp phần cải tạo, mở rộng đất đai canh tác. Ngày khánh thành tuyến đê quai, Thủ tướng Phạm Văn Đồng điện thoại cho tôi: “Anh Khiếng đấy à, chúc mừng thành công của anh, của toàn thể bộ đội nông binh. Xin cảm ơn!”. Thủ tướng cười rất lâu trong máy. Chúng tôi sung sướng quá, hạnh phúc quá, không ai cầm được nước mắt”...
Đại tá TRẦN TIỆU