Trung tuần tháng 11-1974, Trung đoàn U Minh (nay là Trung đoàn 1-U Minh, Sư đoàn 330, Quân khu 9) được lệnh vượt sông Hậu sang chiến trường Vĩnh-Trà.

Theo kế hoạch, cả Trung đoàn U Minh vượt sông với quân số hơn 2.000 người. Bộ tư lệnh Quân khu giao cho Ban chỉ huy Trung đoàn lập phương án thật cụ thể, chắc chắn cho cuộc vượt sông bằng xuồng ba lá chưa từng có tiền lệ này. Đảng ủy Trung đoàn ra nghị quyết chuyên đề, lãnh đạo tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, trong đó nhấn mạnh yêu cầu bí mật, an toàn tuyệt đối. Một điều vui mừng và tự hào đối với cá nhân tôi là sau một thời gian thử thách, ngày 12-11-1974, Chi bộ Đại đội 2, Tiểu đoàn 307 của Trung đoàn U Minh đã tổ chức kết nạp tôi vào Đảng. Tôi vẫn nhớ Trung đội trưởng Nguyễn Văn Sỏi và Trung đội phó Phạm Hồng Tăng là hai người giới thiệu, bồi dưỡng trực tiếp tôi trong thời gian phấn đấu, rèn luyện tại đơn vị. Sau lễ kết nạp, tôi và các đồng đội càng hăng hái làm công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ mới: Vượt sông Hậu sang chiến trường Vĩnh-Trà.

Chấp hành chỉ thị về tuyệt đối giữ bí mật cho Trung đoàn vượt sông Hậu an toàn, khi đến địa bàn mới không lộ phiên hiệu đơn vị và để bất ngờ tiến công địch bằng cách đánh của Trung đoàn, lực lượng thông tin khẩn trương tổ chức bộ phận tiền trạm ở Vĩnh-Trà. Ban chỉ huy Trung đoàn động viên lực lượng ở lại giữ vững thông tin, dùng quy ước liên lạc cũ đang sử dụng trên máy vô tuyến điện PRC-25 để nghi binh. Khi bắt đầu vượt sông, tất cả các đơn vị đều dùng quy ước mạng thông tin liên lạc mới. Đúng 17 giờ ngày 23-11-1974, liên lạc thông suốt. Các đơn vị theo thứ tự hành quân vượt sông Hậu bằng xuồng ba lá. Đoạn vượt sông được xác định từ An Lạc Thôn qua cù lao Nai, cù lao Tân Quy, qua xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Đầu tiên là Trung đoàn bộ, sau đó đến các Tiểu đoàn 303, 309 rồi Tiểu đoàn đặc công 2012 của Trung đoàn, khóa đuôi là Tiểu đoàn 307 chúng tôi.

leftcenterrightdel

Đồng chí Mai Quang Phấn gặp lại bạn chiến đấu tại Trung đoàn 1-U Minh, tháng 9-2013. Ảnh: NGỌC ANH 

Trước khi vượt sông, công tác chuẩn bị được thực hiện rất kỹ lưỡng, nhất là vũ khí, đạn dược. Quân tư trang bọc kín trong túi ni lông quấn nhiều lớp, nếu có trường hợp bất trắc xảy ra sẽ biến thành phao cứu sinh để bộ đội bơi vào bờ. Chúng tôi cũng được phổ biến kinh nghiệm bơi xuồng vượt sông... Lần thay đổi địa bàn hoạt động này sẽ kéo theo cả sự thay đổi về phương thức tác chiến, cách tiếp cận với dân cũng khác nhiều. Chúng tôi còn được quán triệt rất kỹ về việc phải quan sát, bám đội hình và vượt sông thật nhanh để thoát khỏi sự kiểm soát của địch. Trước giờ qua sông, bộ đội đã vào vị trí bến vượt nhiều giờ đồng hồ, chỉ chờ lệnh là nhanh chóng xuất phát vượt sông.

Đêm ấy, theo kế hoạch của tiểu đoàn, đại đội chúng tôi cứ 3 người một xuồng tổ chức vượt sông theo đội hình một trước hai sau. Đây tiếp tục là một lần thử thách đối với tôi khi vừa được bổ nhiệm là Tiểu đội trưởng. Xuồng của tôi đi ở giữa tiểu đội. Chúng tôi lúc bấy giờ chỉ lo tránh sóng to, gió lớn, tập trung làm sao để xuồng không bị lật. Nhưng thực tế là quá trình vượt sông đã xảy ra một số vấn đề do đặc điểm của xuồng ba lá là khó lách sóng và phải lựa dòng nước. Thời điểm vượt sông tuy đã được tính toán kỹ lưỡng nhưng bộ đội, nhất là những thanh niên miền Bắc như chúng tôi, chưa thực sự sử dụng thành thạo xuồng ba lá. Xuồng vượt ngang, sông rộng, dòng nước lớn, sóng to nên ai cũng phải cố hết sức. Động tác của người bơi lái và người bơi mũi phải nhanh, mạnh, dứt khoát, nhịp nhàng để giữ cho thuyền cân bằng và đi đúng hướng. Còn người ngồi giữa thì quan sát, sẵn sàng chiến đấu và làm thêm nhiệm vụ nếu có nước trong xuồng thì tát ra.

Chúng tôi với khí thế của tuổi trẻ và lòng quyết tâm cao đã đoàn kết một lòng thực hiện nhiệm vụ có một không hai này, giữ vững truyền thống của đơn vị “Đi là chiến thắng, đánh là diệt gọn”. Trong 3 đêm liền, được sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương cùng với ý chí, tinh thần quyết thắng cho ngày mai của bộ đội, toàn Trung đoàn đã tổ chức vượt sông Hậu đúng theo kế hoạch. Cũng trong thời gian ấy, ta đồng thời loan tin Trung đoàn U Minh vẫn hoạt động ở Phụng Hiệp nên sau khi toàn bộ Trung đoàn đã vượt qua sông Hậu mà địch vẫn không hề hay biết...

Thượng tướng MAI QUANG PHẤN (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)