Ngô Gia Khảm sinh ngày 5-6-1912 trong một gia đình bần nông ở xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn (nay là phường Tam Sơn, TP Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Năm 16 tuổi, Ngô Gia Khảm xin làm công nhân học việc ở Nhà máy Cơ khí xe lửa Gia Lâm rồi trở thành thợ nguội. Chứng kiến cảnh công nhân bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn, dần dần ông được giác ngộ cách mạng và được kết nạp Đảng năm 1938.

Để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được Tổng bộ Việt Minh giao cho thành lập một xưởng vũ khí mới đóng tại Đông Anh (Hà Nội) trên cơ sở một bộ phận tách ra từ Xưởng vũ khí Làng Chè (Từ Sơn, Bắc Ninh) sản xuất vũ khí cho lực lượng vũ trang cách mạng.

leftcenterrightdel
Anh hùng Ngô Gia Khảm (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội và con gái Ngô Gia Hòa tại Moscow (Nga), năm 1973. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Trong hồi ký của mình, ông đã kể về lần đầu tiên chế tạo quả lựu đạn: “Chúng tôi lấy thùng dầu để tự làm lò đúc, vật liệu làm thuốc nổ thì nghiền bằng chiếc thuyền và giã bằng chày cối như giã cua. Máy móc chỉ có một cái máy tiện cũ kỹ và chiếc bệ làm bằng thân cây, phì phà phì phò cả ngày. Chúng tôi mày mò mãi, sau mới lượm được một quả lựu đạn của Nhật, tháo ra lắp vào, xem cách làm như thế nào, sau đó mới chế ra được một số lựu đạn hình quả tim có chữ “VM” (Việt Minh). Quả lựu đạn đầu tiên chúng tôi sản xuất ra, dùng trong một trận phục kích tại Chiến khu Hoàng Hoa Thám đã giết được 11 tên phát xít Nhật”.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ và đoàn thể giao cho ông thành lập xưởng hóa chất đầu tiên ở Việt Bắc.

Ngô Gia Khảm còn dùng chiếc thuyền nghiền vật liệu làm thuốc nổ để pha chế các hóa chất làm mồi lửa, sản xuất vũ khí, đạn dược phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Trong quá trình nghiên cứu, chế tạo vũ khí, nghiền vật liệu làm thuốc nổ, 3 lần ông gặp tai nạn. Đặc biệt, ở lần thứ 3, ông bị trọng thương, bỏng toàn thân và tổn thương cả hai mắt, miệng, mũi và hai tay.

Trong những lần nói chuyện truyền thống, ông kể: “Hôm ấy, trong khi anh em ngủ, tôi đi xem lại chỗ sấy thuốc, than không có phải dùng củi, khi đến chỗ sấy, tôi thấy củi nổ lép bép, nhiều tàn lửa bay lên. Tôi chạy vội vào để dập lửa, nhưng khi vào đến nơi thì thùng thuốc bị nổ, tôi bị cháy sém hết mặt mũi, chân tay. Anh em vào cứu tôi ra. Lần này tôi tưởng không thể sống được nữa, nhưng nhờ sự săn sóc chu đáo của anh em trong xưởng, 7 tháng sau tôi khỏi, tuy nhiên tay bị co quắp, mặt mũi cháy sém. Trong thời gian đó, chiếc thuyền nghiền vật liệu làm thuốc nổ được giao lại cho anh em ở công binh xưởng tiếp tục sử dụng”.

leftcenterrightdel

Chiếc thuyền sắt nghiền vật liệu làm thuốc nổ của Anh hùng Ngô Gia Khảm. Ảnh: HUYỀN SÂM 

Lo lắng vết thương ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của ông, nhiều đồng chí băn khoăn, động viên Ngô Gia Khảm ở nhà nghỉ ngơi. Nhưng ông chỉ lo nếu tàn tật không thể làm gì được nữa để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân thì “khổ sở quá”. Ông tâm sự: “Tôi tự nghĩ, dù bị tàn tật nhưng vẫn còn sức phục vụ kháng chiến. Vì vậy, vào cuối năm 1947, giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc, tôi tuy không còn lành lặn nhưng vẫn đề nghị với Cục Quân giới cho nhận công tác”.

Những năm 1948-1950, ông cùng đồng đội xây dựng được hai xưởng hóa chất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đào tạo công nhân quân giới, sản xuất nhiều thuốc nổ phục vụ kháng chiến. Năm 1951, hưởng ứng Phong trào thi đua “Sản xuất lập công, đề cao chiến sĩ”, ông lại phát động anh em trong xưởng hóa chất (lúc này đã chuyển hẳn sang làm nhiệm vụ quân sự) tích cực thi đua chuyển hướng công tác và đã lập thành tích cao với hàng chục sáng kiến. Tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tổ chức tại Việt Bắc năm 1952, đồng chí Ngô Gia Khảm được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động.

NGUYỄN HUYỀN - TRẦN SÂM