Cuối năm 1970, chúng tôi-các học sinh, sinh viên tỉnh Ninh Bình theo tiếng gọi non sông lên đường nhập ngũ. Sau một năm huấn luyện, chúng tôi nhận lệnh lên đường vào miền Nam chiến đấu. Khoảng 5 tháng hành quân theo đường Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn của địch, chúng tôi vào đến tỉnh Kiến Tường (nay là tỉnh Long An) và được biên chế vào Tiểu đoàn 504.

“Tỉnh Kiến Tường có địa hình kênh, rạch dày đặc, di chuyển chủ yếu bằng xuồng và lội bộ, đặc biệt đồn, bốt giặc nằm rải rác trong khu vực. Các đồng chí chú ý đun nấu không được có khói, phơi quần áo, đi lại phải hết sức gọn gàng, không để máy bay địch phát hiện”, anh Tư Mạnh với nét mặt tươi cười, dặn dò chúng tôi ngay hôm đầu vào đến chiến trường. Sự chu đáo của người chỉ huy tạo một cảm giác thân mật, gần gũi với các chiến sĩ trẻ từ miền Bắc xa nhà, lạ chỗ. Mà cũng chính vì lạ lẫm nên chúng tôi được anh quan tâm, dạy dỗ nhiều hơn các đồng đội quê ở miền Nam.

leftcenterrightdel
 Trung tướng Lê Mạnh (thứ tư, từ trái sang) cùng các cựu chiến binh Tiểu đoàn 504, năm 2016.

Để chúng tôi làm quen với chiến trường và chiến đấu, anh Tư Mạnh còn đích thân cùng ra trận, vừa chỉ huy, vừa hướng dẫn kỹ, chiến thuật áp dụng ở chiến trường vùng Đồng bằng sông nước Cửu Long. Tôi nhớ, có lần tiểu đội tôi nhận nhiệm vụ dùng pháo H12 đánh vào yếu khu Năng Đa thuộc vùng 8 Kiến Tường, anh Tư Mạnh trực tiếp chỉ huy tiểu đội thực hiện nhiệm vụ. Nhờ có anh chỉ huy, hướng dẫn mà ngay lần đầu tham gia và sử dụng pháo H12, quả pháo nào chúng tôi bắn cũng trúng đích, khiến địch thiệt hại nặng nề. Bị tập kích bất ngờ, địch điên cuồng rải đạn ra hướng bị tấn công, anh Tư Mạnh lại dạy chúng tôi cách di chuyển để vừa bảo đảm yếu tố bí mật trong khi rút quân, vừa bảo đảm an toàn. Trận đánh thành công, tiểu đội an toàn 100%, chúng tôi được Tiểu đoàn biểu dương. 

Hòa bình, chúng tôi lần lượt xuất ngũ về quê, còn anh tiếp tục con đường binh nghiệp và kinh qua nhiều chức vụ. Hễ có dịp ra miền Bắc, anh luôn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên chúng tôi phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đồng đội khó khăn, anh lại dang tay giúp đỡ. Có một lần anh đến thăm gia đình CCB, thương binh hạng 2/4 Trần Văn Giỏi ở xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, thấy anh Giỏi phải sống trong mái nhà dột nát, anh rất thương cảm. Anh bảo: “Chúng mình phải làm cho Giỏi một ngôi nhà mới thôi!”.

Nói là làm, anh Tư hỗ trợ kinh phí, còn CCB Tiểu đoàn 504 cùng phối hợp giúp gia đình CCB Giỏi thực hiện, điều hành thi công. Dự lễ khánh thành ngôi nhà, anh Tư Mạnh còn tặng gia đình anh Giỏi một con bò để giải quyết sức kéo trong nông nghiệp. Nhờ tấm chân tình của anh và đồng đội, gia đình CCB Giỏi đã có điều kiện phát triển kinh tế thành công.

Trước khi nghỉ hưu, anh Tư Mạnh là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 7. Ở cương vị, trọng trách cao là vậy nhưng tình cảm, sự quan tâm, lo lắng anh dành cho chúng tôi vẫn vẹn nguyên như lần gặp đầu tiên trong thời chiến tranh. Anh thường xuyên hỗ trợ các gia đình đồng đội gặp khó khăn, giúp các CCB tổ chức những chuyến đi thăm chiến trường xưa ở miền Tây Nam Bộ. Anh như sợi dây kết nối giúp chúng tôi thắt chặt tình đồng chí, đồng đội.

Năm 2017, anh Tư Mạnh từ trần. Nhận tin dữ, các CCB Tiểu đoàn 504 tỉnh Ninh Bình chúng tôi không nén được dòng lệ tiếc thương một vị tướng, một người chỉ huy như người thân trong gia đình luôn sẻ chia gian khổ với đồng đội. Chúng tôi đã tổ chức đoàn vào tận miền Nam tiễn đưa anh. Cũng chính vì tình cảm tôn trọng, thương nhớ anh mà chúng tôi họp bàn, đề nghị gia đình anh cho phép lập bàn thờ tại nhà đồng chí Trần Văn Lũy-người trong chiến tranh được gần gũi với anh Tư Mạnh nhiều nhất, ở thôn Đoài Hạ, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Trong trái tim chúng tôi, anh Tư Mạnh luôn sống mãi và là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao giúp chúng tôi đoàn kết, vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

BÙI DUY HIỀN